Tháng 1-1946, với tư cách phụ trách quân sự của Đảng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ và Chính phủ phái vào Nha Trang để nghiên cứu xem xét chiến trường, giúp các đồng chí chỉ huy mặt trận 23-10 giữ vững tinh thần kháng chiến; động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước; rút ra quy luật và phương thức tác chiến đánh du kích tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân.

 Nhớ về sự kiện này, trong cuốn hồi ký xuất bản tháng 4-1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày 27 tháng Giêng, tôi đến phòng tuyến Cây Da-Quán Giếng quan sát Mặt trận, động viên cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Tôi trao đổi với các đồng chí chỉ huy Mặt trận Nha Trang về âm mưu sắp tới của thực dân Pháp. Từ thực tiễn Mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa có thể rút ra những bài học bổ ích. Rõ ràng khi địch tiến công ào ạt, lực lượng chúng ta còn hạn chế, việc lập phòng tuyến vừa đánh vừa chặn địch với quyết tâm là tốt”.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tác giả thăm lại di tích lịch sử văn hóa đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) 

Gần 30 năm sau, với tầm nhìn chiến lược về biển và các quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 4-1975, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị và được ghi vào Nghị quyết: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân ngụy đang chiếm giữ, vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau”. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, bức “mật lệnh” số 990B/TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Để có cơ sở triển khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về hiện trạng quần đảo Trường Sa để có kế hoạch tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện và phương án tác chiến. Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình và bằng thiên tài quân sự của mình, Đại tướng nhắc nhở, dặn dò các lực lượng: “Hải quân ngụy được trang bị các loại tàu lớn, vùng biển lại có tàu của Hạm đội 7 Mỹ và hải quân một số nước khác đang hoạt động, nên nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải mưu trí, sáng tạo, bất ngờ và quan trọng là phải đánh đúng lúc”.

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, sau nhiều ngày bí mật cải trang, lênh đênh trên biển, đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, quân ta nổ súng tiến công, giải phóng đảo Song Tử Tây, rồi lần lượt phát triển, giải phóng các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang... làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Ngày 29-4-1975, Đại tướng ký điện: "Nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược". 

Trên cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, ngày 2-8-1977, tại Hội nghị về biển lần thứ I tại Nha Trang, Đại tướng đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Trong tầm nhìn sâu rộng, ngay từ lúc đó, Đại tướng đã đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học: "Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí chuyên ngành về vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước...". Để phát triển nhiều ngành kinh tế biển, Đại tướng đã nghĩ đến cơ cấu một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân bên cạnh kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.

Đến năm 1994, nhân dịp vào thăm Khánh Hòa, Đại tướng khẳng định: “Biển là một thế mạnh! Trên thế giới có những nước không có biển, ta có bao nhiêu là biển. Biển thì có thuyền, nhưng thuyền của ta chỉ đánh cá trong lạch, gần bờ. Thuyền đi đánh hải sản ở ngoài khơi xa chỉ có mấy chục chiếc. Tỉnh cần chú ý phải làm sao ở đây có nhiều thuyền ra khơi đánh bắt hải sản được. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, nên lại càng chú ý phát triển tàu, thuyền đánh bắt xa, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Kinh tế biển có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Muốn bảo vệ biển thì kinh tế biển phải mạnh, rất mạnh. Chúng ta đều mong muốn tăng cường hải quân, việc này Chính phủ sẽ phải lo, nhưng ở địa phương phải cố gắng xây dựng cho được những đội hải thuyền đi đánh bắt ngoài khơi xa. Tôi luôn mong rằng, Khánh Hòa sẽ sớm trở thành một trong những tỉnh giỏi, nổi tiếng ở Trung Bộ và cả nước”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng tình cảm, sự quan tâm và những lời huấn thị, căn dặn của Đại tướng còn mãi. Những ngày qua, bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và quân-dân Khánh Hòa đã chủ động triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép: Phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế-xã hội, nhằm xây dựng tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững và toàn diện như mong muốn của Đại tướng.

Đại tá TRỊNH VIỆT THÀNH (Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa)