Ở đây, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các sĩ quan cao cấp và chính khách của nhiều nước đến nghiên cứu và giảng dạy. Trong một lần trao đổi với tôi về lịch sử dân tộc Việt Nam, bà Myra Rowling, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Australia nói: “Việt Nam không chỉ thắng quân Mỹ, Pháp và Nhật đâu. Việt Nam đã ba lần thắng quân Nguyên Mông và nhiều đội quân xâm lược nữa”. Bà Myra Rowling cũng đã tìm hiểu rất kỹ về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong thư viện của Học viện Quốc phòng Australia, hầu hết những quyển sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết được dịch ra tiếng Anh và rất nhiều sách của các tác giả nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trưng bày ở vị trí trang trọng. Đặc biệt, có hai cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp gây ấn tượng rất mạnh đối với người đọc là cuốn “Giap: The victor in Vietnam” (Tướng Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam) của tác giả Peter Macdonald và cuốn “General Giap-Politician&Strategist” (Đại tướng Giáp-Chính trị gia và nhà chiến lược) của tác giả Robert J.O’Neill.
 |
Bìa cuốn sách “Tướng Giáp - người chiến thắng ở Việt Nam”. Ảnh: ĐỖ XUÂN THỊNH |
Năm 1990, Peter Macdonald, tác giả cuốn sách “Giap: The victor in Vietnam”, đã đến Hà Nội theo lời mời của Chính phủ Việt Nam để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh huyền thoại của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, người đã đè bẹp quân Pháp ở Điện Biên Phủ và đặt người Mỹ vào tình huống khó xử ở Khe Sanh.
Ngoài việc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Macdonald còn dành nhiều thời gian gặp gỡ các sĩ quan đang tại ngũ của QĐND Việt Nam, phỏng vấn nhiều cựu chiến binh và các nhà lãnh đạo, tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu và ảnh tư liệu. Sau đó, ông đã phỏng vấn Đại tướng Marcel Bigeard, sĩ quan cao cấp duy nhất của quân đội Pháp còn sống sót sau trận chiến Điện Biên Phủ và Đại tướng William C.Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam từ năm 1964 đến 1968.
Với vô số nguồn tư liệu nghiên cứu được cân nhắc một cách cẩn thận, kỹ lưỡng đã cho thấy một bức chân dung vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn của một vị tư lệnh quân đội tài ba hiếm có trên thế giới. Từ những ngày đầu với tư cách là một người kháng chiến chống lại quân đội Nhật cho đến những chiến dịch lừng danh đánh thắng quân Pháp, quân Mỹ đã tạo nên danh tiếng của ông.
“Tướng Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam” viết về cuộc chiến tranh dài nhất và cũng là cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất của thế kỷ 20, được nhìn nhận thông qua đôi mắt của người tư lệnh lỗi lạc, bí ẩn và là người chiến thắng cuối cùng”-lời tựa cuốn sách viết.
Còn trong cuốn “General Giap-Politician&Strategist” (Đại tướng Giáp-Chính trị gia và nhà chiến lược) có lời tựa: “Cuốn tiểu sử mang tính thời đại này về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự của Việt Nam và người sáng tạo nên chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ, là nghiên cứu chân dung trọn vẹn đầu tiên của một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất, đồng thời là một trong những điều bí ẩn nhất về chính trị của thế kỷ 20-người đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ bệ một loạt các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Pháp và Mỹ, bao gồm cả Đại tướng Westmoreland và thậm chí cả Tổng thống Lyndon B.Johnson-người mà (một số điều đã được dự báo trước) có thể chịu trách nhiệm chính đối với thất bại đầu tiên về chính sách của Mỹ trong một cuộc chiến tranh ở nước ngoài.
Robert J.O’Neill đã miêu tả những năm tháng đầu đời của tướng Giáp một cách chi tiết trong những năm 1920 và 1930. Sau cuộc cách mạng năm 1945 với sự thành lập Chính phủ của Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã cho thấy ông đóng một vai trò quan trọng ngày càng tăng, trước hết là với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sau đó, với tư cách là một nhà quân sự chính trị, ông đã đưa ra một chiến lược để rồi cuối cùng đánh tan tác người Pháp ở Việt Nam năm 1954. Việc thực hiện chiến lược này được xác định rõ và cũng từng bị chỉ trích, cùng với sự chú ý đặc biệt vào khả năng của tướng Giáp trong việc tận dụng các tình huống quân sự và chính trị khi chúng xuất hiện hơn là bám chặt vào một kế hoạch cứng nhắc ban đầu. Tài năng của ông đã được thể hiện rõ trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và đồng minh”.
Ngoài ra, trong thời gian học tập tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Học viện Quốc phòng Australia, tôi đã gặp Thiếu tá Fleur-nữ sĩ quan lục quân Australia đang theo học khóa chỉ huy-tham mưu tại Học viện Quốc phòng. Luận văn thạc sĩ của cô viết về sự nghiệp lãnh đạo, chỉ huy QĐND Việt Nam của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó tập trung nghiên cứu giai đoạn Đại tướng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần, Thiếu tá Fleur thường sang nơi tôi ở, cô hỏi rất nhiều về Đại tướng. Rất may là tôi đã đọc nhiều sách của Đại tướng viết và cũng đọc rất nhiều sách viết về Đại tướng, trong đó có những cuốn viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhiều tác giả khác nhau. Tôi cũng từng tham gia Cuộc thi tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ do Báo Quân đội nhân dân tổ chức năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên có thể trả lời hầu hết các câu hỏi của cô. Thiếu tá Fleur đặc biệt ấn tượng khi nghe tôi kể về quyết định khó khăn nhất của Đại tướng trong cuộc đời cầm quân là thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Kết quả, với nội dung nghiên cứu sâu sắc về tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tá Fleur đã hoàn thành xuất sắc luận văn thạc sĩ chỉ huy-tham mưu.
Vào đầu tháng 2-2010, lần thứ tư tôi được cử đi dự Hội thảo khoa học học viện hải quân các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Tại đây, tôi gặp lại anh bạn người Nhật là Hiroshi Kawamura, học cùng lớp ở Học viện Quốc phòng Australia, hiện đang làm việc tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Anh ấy tặng tôi cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Nhật, kèm lời giới thiệu: "Đây là cuốn sách rất hay viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những vị tướng tài ba nhất của Việt Nam và thế giới. Bạn nên đọc và mang về để ở thư viện của Học viện Hải quân để mọi người cùng đọc".
Năm 2011, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, vốn vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ Đại tướng, tôi đã viết thư chúc mừng sinh nhật và gửi kèm cuốn sách tiếng Nhật này kính tặng Đại tướng. Cuốn sách hiện vẫn được lưu giữ tại nhà riêng của Đại tướng lừng danh.
Đại tá, PGS, TS ĐẶNG THANH BÌNH