Nặng lòng với chiến sĩ, đồng bào
Trong chuyến công tác về thăm xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, tình cờ tôi được nghe câu chuyện rất dung dị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chuyện là, tháng 4-2004, khi biết tin Đại tướng về thăm lại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng ai cũng lo lắng vì đoạn đường từ nơi trực thăng đáp xuống vào đến vị trí ấy đường sá lầy lội, rất khó đi. Có ý kiến đề xuất làm một chiếc kiệu hoa văn thật đẹp mang sắc màu Tây Bắc để kiệu Đại tướng vào, vì sức khỏe của Tổng Tư lệnh đã khá yếu. Chuyện thế nào mà lại lọt đến tai Đại tướng. Ông nghe xong rất giận, liền nói: “Nếu các anh làm thế, tôi sẽ về ngay trong đêm nay...”. Sau đó, Đại tướng và phu nhân cùng nhân dân đi bộ vào tận Sở chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vậy, luôn dung dị, gần gũi “dĩ công vi thượng”, không phô trương, bày vẽ.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm Điện Biên Phủ năm 2004. Ảnh: TRẦN HỒNG |
Cũng trong chuyến trở về chiến trường xưa lần cuối cùng ấy, Đại tướng gói trọn cả tấm lòng thương nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ, những đồng chí, đồng đội anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa trong dòng người đón Đại tướng trở về Mường Phăng năm ấy, ông Phạm Bá Miều, ở phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 76, Tiểu đoàn 938 (Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) hồi tưởng: “Ngày 8-5-1954, khi chúng tôi mai táng 58 liệt sĩ ở nghĩa trang xong thì Đại tướng trầm ngâm rất lâu rồi căn dặn: Các đồng chí đừng để một đồng đội nào hy sinh mà không được về nghĩa trang với đồng đội”. Cũng tại xã Mường Phăng, trong buổi mít tinh chào mừng chiến thắng, Đại tướng dặn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phải bảo vệ, giữ gìn di tích thật cẩn thận bởi đó là xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.
Với nghĩa cử tri ân cao cả, tấm lòng trước sau như một với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống nên khi đáp xuống Điện Biên Phủ năm đó, việc đầu tiên là Đại tướng đi viếng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt nhất trên ngọn đồi A1. Tại đây, Đại tướng trồng cây tùng lưu niệm, với tâm niệm bóng cây sẽ che mát hương hồn của những người đồng đội ưu tú đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc. Sau đó, Đại tướng thăm bản Noong Nhai ở xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), nơi thực dân Pháp từng tập trung dân ta lại, giết hại hơn 400 người. Đứng trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang Độc Lập, nơi phần lớn chiến sĩ Điện Biên Phủ nằm lại, Đại tướng không khỏi day dứt bởi còn rất nhiều nấm mộ chưa có tên. Thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng đội, Đại tướng đã ghi vào sổ lưu niệm những dòng chữ đầy xúc cảm: “Đây là những chàng trai Phù Đổng từng đánh giặc, làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, nay đã về trời. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ...”.
Trái tim nhân văn của Đại tướng
Chúng tôi đã gặp nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhắc đến Tổng Tư lệnh, ai cũng dành tình cảm trân quý. Bởi trong những thời điểm cam go, bom đạn quyết liệt nhất, Đại tướng vẫn luôn lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ của bộ đội. Trong chiến dịch, ông Phạm Đức Cư ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, là trợ lý tham mưu thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Tháng 1-1954, sau khi Tiểu đoàn 394 kéo pháo bằng sức người về tập kết tại Nà Nhạn thì ông Cư được lệnh cùng cấp trên khẩn trương tập trung để nghe Đại tướng quán triệt giao nhiệm vụ. Khi mọi người có mặt, Đại tướng yêu cầu cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị phải quan tâm hơn nữa vấn đề hậu cần cho bộ đội, không được để bộ đội đói rét, để bảo đảm sức khỏe chiến đấu. Đại tướng giao nhiệm vụ mỗi đại đội pháo cao xạ làm sao bắn rơi 1 máy bay của quân địch, nhưng với quyết tâm cao, toàn đơn vị đã bắn rơi hơn 50 chiếc. Vào dịp mồng 5 Tết Nguyên đán năm 1954, trời tối đen như mực, sương giá phủ khắp núi rừng, từ sở chỉ huy, Đại tướng đã đến thăm, động viên, chúc Tết bộ đội pháo binh Đại đoàn 351. Các cựu chiến sĩ Điện Biên còn kể, có trận thắng vang dội, nhưng mất mát nhiều quá, Đại tướng lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy. Đại tướng cũng dành nhiều tình cảm đặc biệt đến dân công, thanh niên xung phong đã tham gia phục vụ chiến dịch. Trong thư gửi đồng bào khu Tây Bắc sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã bày tỏ lòng cảm ơn toàn thể đồng bào đã hết sức giúp đỡ cung cấp lương thực cho bộ đội, hăng hái đi dân công, đã gửi thư, quà tặng bộ đội, hết lòng chăm sóc, giúp đỡ thương binh.
Đại tướng cũng thể hiện là một trái tim rất nhân văn khi đối xử với quân địch bại trận. Sau chiến dịch, Đại tướng cùng đồng chí Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 vào thực mục sở chỉ huy của De Castries. Biết chuyện có hơn 1000 binh lính của địch bị thương nặng nằm trong hầm, Đại tướng đã yêu cầu điều động Đội điều trị 3 để cứu chữa thương binh và bảo đảm ăn uống cho tù binh, đồng thời, cho phía Pháp xuống lấy thương binh nặng. Có một người lính da đen trước khi rời Mường Thanh đã ứa nước mắt nói với một bác sĩ: “Thưa ông, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra, bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương...”.
Tấm lòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vậy, thật đúng với những lời nhận xét của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh... Anh Văn xứng đáng là người Anh Cả toàn quân, trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”.
PHẠM KIÊN