Kỷ vật của Đại tướng
Chiếc đài cassette màu đỏ đã sờn tróc, cũ kỹ, nhiều năm qua vẫn được ông Lò Văn Biên (ở bản Bua, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) giữ gìn như kỷ vật. Ông Biên kể: “Cụ Lò Văn Bóng thân sinh ra tôi từng có nhiều năm làm tự vệ xã, được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài Sở chỉ huy chiến dịch. Đất nước hòa bình, bố tôi lại tự nguyện bảo vệ khu di tích. Năm 2004, dịp trở lại Mường Phăng, Đại tướng đã tặng bố tôi chiếc đài này. Trước lúc nhắm mắt, bố tôi dặn, hãy giữ gìn kỷ vật ân tình của Đại tướng...”.
 |
Đại tướng trao món quà tặng ông Lò Văn Bóng, ở xã Mường Phăng năm 2004. |
Nhâm nhi chén trà hoa vàng trên tầng hai ngôi nhà sàn lộng gió, ông Biên rưng rưng nhớ lại ngày đón Đại tướng trở về Mường Phăng. Khoảng 10 giờ ngày 19-4-2004, bầu trời trên đỉnh núi Pú Đồn như thấp hẳn xuống. Từ hướng Tây Bắc thung lũng Mường Phăng, một chiếc trực thăng hạ dần độ cao rồi hạ cánh. Đại tướng cùng phu nhân và đoàn công tác bước xuống trong tiếng reo hò, vỗ tay không ngớt của dân bản. Từ cụ già tóc bạc, chống gậy, đến các em thơ cũng háo hức ra đón chào vị Tổng Tư lệnh năm xưa.
 |
Chiếc đài cassette của Đại tướng tặng trở thành kỷ vật quý báu của ông Lò Văn Biên. |
Ông Biên nhớ lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đi bộ vào rừng Mường Phăng rồi ngồi vào chiếc bàn làm việc, nơi Đại tướng từng đưa ra nhiều quyết định quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi trò chuyện với nhân dân Mường Phăng, Đại tướng nhiều lần cảm ơn đồng bào vì đã giúp đỡ, chở che bộ đội trong thời gian Sở chỉ huy đóng ở đây. Đại tướng căn dặn bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng say lao động, giữ gìn thật tốt khu di tích cho các thế hệ mai sau. Lúc ấy, dù đã 94 tuổi nhưng Đại tướng vẫn nhớ rõ tên nhiều người. Ngoài cụ Lò Văn Bóng (người được Đại tướng tặng chiếc đài cassette) còn có cụ Lù Thị Đôi là người dân tộc Thái. Thời chống Pháp, cụ Đôi là Tổ trưởng Tổ phụ nữ đi vận động quyên góp lương thực cho bộ đội, đã hai lần được gặp Đại tướng. Năm 2004 là lần thứ ba cụ Đôi được gặp, được chụp ảnh cùng Đại tướng và bức ảnh ấy hiện vẫn được gia đình cụ treo ở nơi trang trọng. Chuyến trở về Mường Phăng lần cuối cùng của Đại tướng vẫn in đậm trong lòng cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng, dù đã hơn 17 năm trôi qua.
Bức tâm thư và công trình giúp dân
Chiều buông nắng vàng như rót mật trên mặt hồ Loọng Luông ở xã Mường Phăng. Hít hà luồng khí trời mát lạnh, ông Lò Văn Biên chỉ tay về hướng những cánh đồng xanh ngát và nói với tôi: “Có được hồ chứa nước Loọng Luông cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp như hôm nay là nhờ công ơn của Đại tướng trong lần về thăm Mường Phăng năm 2004 đấy”.
Chuyện là, trong chuyến trở lại Mường Phăng năm đó, sau khi gặp gỡ, thăm hỏi, biết lâu nay dân bản mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa do khan hiếm nước sản xuất, Đại tướng đã ân cần nhắc lãnh đạo địa phương cần nghiên cứu xây dựng một công trình thủy lợi để sớm giúp bà con. Ngày ấy, ông Lò Văn Biên là Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, ông đã tổ chức họp bàn và soạn văn bản gửi UBND huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đề nghị phê duyệt dự án hồ Loọng Luông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xã Mường Phăng cũng gửi một bức tâm thư bày tỏ tâm nguyện mong được Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý, ủng hộ.
Nhận được thư của Đảng bộ, chính quyền xã Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng (nội dung bức thư đang được trưng bày tại phòng quản lý hồ chứa nước Loọng Luông). Sau đó, dự án hồ chứa nước Loọng Luông được chấp thuận và khởi công xây dựng. Ngày 7-5-2013, đúng dịp kỷ niệm 59 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã khánh thành công trình hồ chứa nước Loọng Luông. Hồ có dung tích 1,2 triệu mét khối, là tổ hợp các công trình, gồm: Tràn xả lũ, hệ thống kênh tưới, hệ thống cấp điện, nhà quản lý...
Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, hồ chứa nước Loọng Luông có vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất của nhân dân xã Mường Phăng, cấp nước ổn định cho hơn 150ha đất trồng lúa hai vụ của bà con các dân tộc ở 14 bản trên địa bàn xã. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, người dân quanh khu vực tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, nâng cao năng suất, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tạo cảnh quan, môi trường sinh thái cho Khu di tích lịch sử Mường Phăng.
 |
Hồ chứa nước Loọng Luông ngày nay ở xã Mường Phăng. |
Ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, nhân dân xã Mường Phăng đã nỗ lực lao động sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%; thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm; hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp khang trang... Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng về bảo vệ khu di tích, ngày nay, Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế; các điểm di tích đều được bà con đặt tên rất trân quý mà thân thuộc, như: Rừng Đại tướng, hồ Đại tướng, đài quan sát Đại tướng; cả xã có 5 trường học thì hai trường mang tên Võ Nguyên Giáp. Đó chính là nghĩa cử tri ân, tấm lòng của người dân các dân tộc ở Điện Biên đối với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người đã góp phần rất quan trọng làm nên Chiến thắng huyền thoại Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN