Nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới
Chiến thắng 30-4-1975 mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên nước nhà được hoàn toàn độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối.
Trên thực tế, trong suốt tiến trình cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta vẫn luôn có sự lãnh đạo thống nhất của một đảng, sự chiến đấu của một quân đội. Đó là Đảng Cộng sản Đông Dương-Đảng Lao động Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì thế, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa III) đã nhận định: “Cách mạng thắng lợi trong cả nước, chế độ thực dân mới do đế quốc Mỹ áp đặt ở miền Nam bị đập tan, nguyên nhân chia cắt đất nước ta hoàn toàn bị thủ tiêu, thì đương nhiên cả nước ta độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ nay, Tổ quốc ta từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ đất liền đến hải đảo, vĩnh viễn độc lập, thống nhất trên cơ sở chủ nghĩa xã hội”.
 |
Hai đồng chí trưởng đoàn dự Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc - Nam sau lễ ký các văn kiện chính thức. Ảnh tư liệu |
Hội nghị lần thứ 24 BCH Trung ương Đảng (khóa III) cũng nêu rõ: “Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của Tổ quốc”. Từ đó, Hội nghị lần thứ 24 BCH Trung ương Đảng (khóa III) nêu ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Theo phân tích của đồng chí Trường Chinh (khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thì: Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc hiện nay, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là khâu then chốt, nó tạo điều kiện để hoàn thành thống nhất nước nhà về các mặt khác một cách thuận lợi. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước tức là chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Hội nghị hiệp thương chính trị hai miền Bắc - Nam
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc-Nam để bàn việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đã được tổ chức tại Sài Gòn. Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 người do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử ra ngày 27-10-1975. Đoàn đại biểu miền Nam gồm 25 người, gồm đại biểu được cử ra tại Hội nghị liên tịch mở rộng Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Hội đồng Cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ, trí thức miền Nam. Hội nghị diễn ra trong bầu không khí dân chủ, hào hứng, sôi nổi. Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí trên tất cả các vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi và biện pháp nhằm thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Ngày 21-11-1975, hai đồng chí trưởng đoàn đại biểu hai miền đã ký bản Thông cáo của hội nghị. Thông cáo nêu rõ: Hội nghị đã nhất trí về thể thức thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước: Sớm tổ chức tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, Quốc hội sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976, theo đúng nguyên tắc dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Số đại biểu Quốc hội sẽ tính theo số dân. Khoảng mười vạn dân được bầu một đại biểu.
 |
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI. Ảnh tư liệu |
Phụ trách công tác bầu cử chung trong cả nước là Hội đồng bầu cử toàn quốc, bao gồm đại biểu của hai miền với số lượng ngang nhau. Hội đồng bầu cử toàn quốc có nhiệm vụ giám sát cuộc bỏ phiếu trong phạm vi cả nước, tổng kết bầu cử, tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử, cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử và báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội.
Ở mỗi miền, sẽ tổ chức cơ quan phụ trách việc bầu cử của miền. Cơ quan chủ trì cuộc bầu cử ở miền Bắc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ở miền Nam là Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việc triệu tập Quốc hội và chủ tọa phiên họp đầu tiên của Quốc hội, trước khi bầu ra Đoàn Chủ tịch của kỳ họp, sẽ do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đảm nhiệm.
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất
Với sự thống nhất về ý chí giữa nhân dân hai miền được thể hiện rõ trong kết quả hội nghị hiệp thương chính trị hai miền, các bước chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất nhanh chóng được triển khai.
Ngày 25-4-1976, hơn 23 triệu cử tri trên cả nước nô nức cầm lá phiếu trên tay, lần đầu tiên thực hiện quyền công dân trong hòa bình để bầu ra Quốc hội-cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu cử đạt 98,77%, trong đó ở miền Bắc đạt 99,36%, ở miền Nam đạt 98,59%. Kết quả, cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra được 492 đại biểu Quốc hội khóa VI đại diện cho đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, LLVT, thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số, tôn giáo...
Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội khóa VI đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Phó chủ tịch nước; đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Văn Bạch làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; đồng chí Trần Hữu Dực làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Quốc hội cũng bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 thành viên chính thức và 2 thành viên dự khuyết; thành lập 6 ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn các Phó thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Việc bầu thành công Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất và việc Quốc hội lần đầu tiên thành lập bộ máy Nhà nước thống nhất cho cả nước đã thực sự trở thành một dấu mốc quan trọng để “chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc” như nhận định của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh.
Quốc hội khóa VI đã thông qua các quyết định quan trọng như đổi tên nước, chọn Hà Nội làm Thủ đô, thông qua Hiến pháp năm 1980, thiết lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, xác lập mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa, quy định quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước... Với nhiều quyết sách được Quốc hội khóa VI thông qua, toàn quân, toàn dân ta đã ra sức lao động sản xuất, kiến thiết nước nhà, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc...
TS HOÀNG MINH HIẾU, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Quốc hội khóa XV
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.