Trường Thiếu sinh quân đầu tiên trong cả nước
Trên mảnh đất Vĩnh Thuận, ngày 23-10-1948, Trường Thiếu sinh quân Quân khu 9 là Trường Thiếu sinh quân đầu tiên trong cả nước thành lập với mục tiêu: “Cuối Tổ quốc giữa miền Tây hùng tráng/ Hoà nhịp Cửu Long hào khí đất U Minh/ Cùng về đây xây sự nghiệp vinh quang/ Thế hệ trẻ luyện thành gang thép”.
Thế hệ 1 có khoảng 300 học sinh là con em cán bộ, bộ đội, thương binh, liệt sĩ; nhỏ nhất mới 7 tuổi. Thầy cô Thiếu sinh quân là bộ đội có trình độ văn hóa cao nhưng sức khỏe yếu hoặc thương binh. Tất cả tập trung đốn cây, cất nhà, dựng trường; tự chăm sóc bản thân; thầy trò yêu thương nhau như ruột thịt, cùng vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
 |
Thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang hôm nay.
|
Bà Trần Thị Tám là Thiếu Sinh quân Thế hệ 1, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang kể: “Tháng 6-1949, tại Trường Thiếu sinh quân diễn ra sự kiện lịch sử khi thầy trò dùng vật nhọn rạch tay lấy máu viết tâm thư nhờ Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ ra Hà Nội dự hội nghị trao tận tay Bác Hồ. Chúng tôi hứa học tập tốt để sau này xứng đáng con cháu Bác Hồ. Quyết tâm đó không phải lúc viết thư mà đến nay, chúng tôi luôn giữ lòng trung kiên với Đảng, với Bác, với nhân dân”.
Cuối năm 1954, tại kênh Chắc Băng, trong gần 200 ngày đêm, hơn 10.000 lượt người ở khu căn cứ tháo gỡ cản đất, cản cây, xây cất lán trại cho cán bộ đội dừng chân; đồng thời bố trí chỗ ăn nghỉ cho hơn 5.000 đồng bào từ vùng địch kiểm soát vào thăm, đưa tiễn người thân tập kết ra Bắc. Đó là cuộc chia tay dài nhất trong lịch sử với nhiều niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười lẫn nước mắt, có hy vọng và cả âu lo. Trên bến nước chia ly đã trao gửi niềm tin son sắc: “Đi vinh quang, ở anh dũng”, nhưng không ngờ sau đó bước vào cuộc chiến đấu mới vô cùng gian khổ, ác liệt trước đế quốc xảo quyệt và tàn bạo...
Đại tá Lê Hoàng Vũ, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Sau ngày đất nước thống nhất, LLVT tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Thuận tổ chức tìm kiếm, cất bốc được 3 hầm mộ liệt sĩ (mỗi hầm từ 30 đến 40 hài cốt), 6 gói hài cốt và 30 bộ hài cốt liệt sĩ riêng lẻ; trong đó, nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn, không xác định được danh tính. Tháng 8-2020, tại Hội thảo cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ khu vực rừng tràm Bang Biện Phú do Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kiên Giang tổ chức, các cán bộ lão thành cách mạng xác định hiện còn khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ. Đây là cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh thông tin, tiến hành khẩn trương tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại khu vực này thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay trước sự hy sinh của những người đi trước”.
Nhiều hoạt động tri ân
Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện Vĩnh Thuận có 2.073 liệt sĩ; hơn 4.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, du kích và người dân bị địch bắt tù đày; 987 thương bệnh binh. Cùng với đó, hơn 12.000 nam, nữ thanh niên trực tiếp chiến đấu ở địa phương và khắp các chiến trường.
 |
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu Chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biên Phủ và Đề thờ Anh hùng liệt sĩ ngày 6-1-2024. |
Ông Huỳnh Ngọc Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận chia sẻ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Vĩnh Thuận đánh 670 trận, diệt và làm bị thương hơn 4.000 tên địch, trong đó có 15 cố vấn Mỹ… Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, huyện Vĩnh Thuận, 5 xã và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và LLVT huyện thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, chăm sóc các đối tượng chính sách; tổ chức, duy trì nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào nghĩa tình đồng đội, an sinh xã hội”.
Toàn huyện có hơn 200 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó nhiều gia đình có từ 2-5 con là liệt sĩ. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai, năm nay trên 90 tuổi kể: “Mẹ có 11 đứa con, hai người hy sinh năm 1970 và 1971. Mỗi tháng và dịp lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ đến thăm, trò chuyện giúp mẹ bớt cô đơn vì bên cạnh có rất nhiều con là bộ đội. Mẹ luôn mong các con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Vĩnh Thuận phát triển giàu đẹp”.
Với cựu chiến binh Trần Thanh Dân, sinh năm 1950, ngụ xã Vĩnh Phong, tham gia kháng chiến lúc tròn 15 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác ở Đoàn 630, Cục Kinh tế (Quân khu 9). Năm 1989, sức khỏe yếu do 3 lần bị thương hồi đánh Mỹ, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Đoàn 630. “Từ đó, tôi có thời gian dạy dỗ, nuôi nấng các con học hành. Rất mừng là cả ba đứa đều trưởng thành, hai đứa là công an, một đứa làm ở Trung tâm Khuyến nông huyện. Cuộc sống gia đình nếu so với xóm làng thì tôi hàng trung bình khá. Dịp lễ, Tết, Ban CHQS huyện đến thăm, tặng quà, động viên tôi nỗ lực hơn, dạy các con cháu noi theo ông nội, cha nó để làm tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước phân công”, ông Dân phấn khởi nói.
 |
Ban CHQS huyện Vĩnh Thuận thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai. |
Cùng với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua huyện Vĩnh Thuận còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực qua mô hình dân vận khéo Tết quân dân… Thượng tá Trần Văn Tươi, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vĩnh Thuận cho biết thêm: “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thông qua các hoạt động Tết quân dân đã huy động hàng chục nghìn ngày công của cán bộ, LLVT và bà con tham gia xây dựng, chất lượng các công trình không những nâng lên mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư. Xuân Ất Tỵ 2025, huyện tổ chức Tết quân dân tại xã Vĩnh Thuận với các hoạt động an sinh xã hội giúp địa phương này sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Qua miền Vĩnh Thuận - nơi thành lập Chi bộ Ranh Hạt, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; là địa phương được công nhận huyện nông thôn mới năm 2020; vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất “Vì đã có thành tích xuất sắc trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả cao”, từ đó thêm yêu mến mảnh đất nằm cuối vùng Miệt Thứ chịu nhiều hậu quả chiến tranh, càng ngưỡng mộ Vĩnh Thuận không ngừng phấn đấu đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tự hào hơn khi thành tích đó minh chứng thế hệ hôm nay đã và đang kế thừa, phát huy những kết quả trong giai đoạn trước, thể hiện sự tri ân đất và người vùng quê cách mạng tạo sức lan toả trong xã hội, xứng đáng với truyền thống Vĩnh Thuận anh hùng.
Bài ảnh: KIÊN GIANG - PHƯƠNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.