Về đến Đại đội trong một ngày nắng rực lửa trên thao trường, bãi tập. Song ngọn lửa nhiệt tình trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) đã giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, hăng say luyện tập. 

Được thăm phòng giao ban của chỉ huy Đại đội và phòng Hồ Chí Minh cấp Tiểu đoàn, trực tiếp ngắm hai lá cờ “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân“ do nhà nước tặng cho Đại đội 61; xem lại bức ảnh chụp tập thể cán bộ chiến sĩ Đại đội 61 sau Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và kỷ vật lịch sử quý giá là quyển sổ tay: “Thành tích Đại đội 61 từ 1965 - 1975“ do các thế hệ cán bộ chính trị Đại đội ghi chép sau từng trận đánh, từng thời gian tham gia chiến dịch của Đại đội, những bài học kinh nghiệm, các gương chiến đấu tiêu biểu… chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ tới bao thế hệ cán bộ chiến sĩ đã cống hiến, đóng góp mồ hôi, xương máu và biết bao đồng đội đã hy sinh, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Đại đội. 

Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đội 61 thuộc Tiểu đoàn 44 bộ đội địa phương tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1962 Đại đội 61 được chuyển sang Trung đoàn 18 bộ đội chủ lực. Đầu năm 1965, Đại đội 61 trong đội hình Tiểu đoàn 6 lên đường vào Nam chiến đấu, chiến trường hoạt động chủ yếu ở tỉnh Bình Định. 

leftcenterrightdel

Quán triệt nội dung Mỗi tuần 1 điều luật cho chiến sĩ tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (ngày nay). Ảnh: Baoquankhu1  

Trải qua 10 năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Đại đội đã tham gia 6 chiến dịch lớn của cấp trên và chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ khác. Trực tiếp đánh 96 trận lớn nhỏ, trong đó có 25 trận quy mô trong đội hình Tiểu đoàn trở lên, 71 trận quy mô cấp Đại đội trở xuống. Tiêu diệt gần 3.340 tên địch, bắt sống hơn 1.210 tên địch, diệt gọn 11 đại đội, 9 Trung đội. Thu 257 súng các loại, trong đó có 2 pháo 105, 2 cối 81, 23 máy thông tin, bắn cháy 15 máy bay trực thăng, phá hủy 119 xe quân sự trong đó có 14 xe tăng, xe bọc thép, thu 4 xe tăng, xe bọc thép, bắt sống 1 xe thiết giáp. 

Tiêu biểu là các trận đánh như: Ngày 28-9-1965, đại đội trong đội hình Tiểu đoàn 6 phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 22 (Cọp đen) của địch đi giải tỏa cho đồn Phủ Cũ. Trận phục kích quân Mỹ đổ bộ ở xóm 6 Phú Hữu, huyện Hoài Ân ngày 1-12-1966 kéo dài 9 tiếng đồng hồ, đại đội đánh bại 3 đợt đổ quân của địch, cơ bản diệt gọn một đại đội địch, bắn rơi 3 trực thăng. Cùng với đội hình Tiểu đoàn 6 lập nên những chiến công xuất sắc qua các trận chiến đấu như: Trận Long-Lộc-Giang, ngày 17-12-1966; trận Chóp Chài (Phù Mỹ) ngày 25-5-1967; trận Mỹ Thắng ngày 28-6-1967; trận Đập Đá trong chiến dịch T25 và trận Vạn Thiện ngày 23-9-1968… 

Đại đội 61 là trong những Đại đội trở thành ngọn cờ đầu đánh thắng của Trung đoàn. Từ năm 1969 đến năm 1972, Đại đội trong đội hình Tiểu đoàn 6 làm nhiệm vụ chốt chặn, đánh giao thông trên Đường 19 đoạn đèo An Khê. Từ những trận diệt 1-2 xe, nâng hiệu quả chiến đấu diệt 27 xe, 32 xe. Trận đánh lớn nhất diệt đoàn xe 42 chiếc của địch. Có đợt chốt giữ, cắt Đường 19 liên tục 23 ngày đêm, góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên năm 1972. Từ năm 1973-1974 Đại đội trong đội hình Tiểu đoàn, Trung đoàn hoạt động ở vùng Tây Bắc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Vận dụng linh hoạt các chiến thuật để đánh địch như: Chốt kết hợp với cơ động; vận động tiến công; phục kích; tập kích hiệp đồng binh chủng đánh địch trong công sự… góp phần đánh bại chiến dịch tấn công lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng ở Tây Bắc Hoài Nhơn-Bình Định. Đại đội đánh nhiều trận xuất sắc như: Trận phục kích vận động ngày 15-8-1973 ở thôn Hội An, xã Hoài Châu diệt một đại đội địch chỉ còn 5 tên chạy thoát. Trận tập kích hiệp đồng binh chủng ở thôn An Quí 2, xã Hoài Châu, Đại đội tiến công trên hướng chủ yếu của Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng tiểu đoàn diệt gọn 1 Đại đội lính biệt động của địch trong công sự. 

Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử, đại đội trong đội hình của cấp trên tiến công địch trên Đường 19, cắt đứt sự chi viện của địch từ Bình Định lên Tây Nguyên... Đại đội đánh nhiều trận, trong đó có trận đánh xuất sắc: Độc lập tiến công tiêu diệt 1 đại đội thiếu của địch trong công sự. Sau khi Bình Định hoàn toàn giải phóng, Đại đội trong đội hình cấp trên hành quân tiến công địch ở Phan Rang. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công địch ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Rạng sáng ngày 29-4-1975, Đại đội 61 đi đầu đội hình Tiểu đoàn, sử dụng xe tải thu được của địch thọc sâu vào trung tâm thành phố Vũng Tàu, phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch, bắn cháy 1 xe, bắt sống 1 xe thiết giáp và một tên đại úy thủy quân lục chiến của địch.

Rạng sáng ngày 30-4-1975, hàng trăm tên địch ở nhiều đơn vị, nhiều binh chủng khác nhau chạy về co cụm tại Khách sạn Palace (nay là khách sạn Hòa Bình) ngoan cố chống cự. Quân ta vừa tiến công vừa sử dụng tên đại úy hàng binh kêu gọi quân địch đầu hàng nhưng chúng chống trả quyết liệt... Mặc dù lúc 11 giờ 30 ngày 30-4, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, song bọn địch cố thủ khách sạn Palace vẫn ngoan cố chống cự. Khoảng 13 giờ 30 chúng dùng lựu đạn ném xuống và dùng súng bộ binh bắn ra dữ dội vào đội hình xung phong của ta làm 6 đồng chí hy sinh. Khoảng 14 giờ, được sự chi viện hỏa lực của Tiểu đoàn, Đại đội 61 đưa hỏa lực lên các nhà cao tầng xung quanh để chế áp địch. Để trả thù cho các đồng chí đã ngã xuống, cán bộ chiến sĩ dũng mãnh xung phong đánh chiếm tầng 1, bao vây cô lập, tiến công quân địch ở các tầng trên. Khoảng 14 giờ 30 ngày 30-4-1975, bọn địch cố thủ trong Khách sạn Palace buộc phải đầu hàng. Thành phố Vũng Tàu được hoàn toàn giải phóng. Trong trận này ta diệt 83 tên địch, bắt sống 896 tên trong đó có 1 tên trung tá, 1 tên đại úy.

Đón các cựu chiến binh về lại đơn vị, chỉ huy Đại đội cho chúng tôi biết Đại đội luôn quan tâm nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy. Trong huấn luyện ngoài những tài liệu trên cấp, đơn vị lấy ngay kinh nghiệm truyền thống chiến đấu của Đại đội qua 2 cuộc chiến tranh để giới thiệu cho bộ đội. Qua đó cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu thêm, càng tự hào về truyền thống đơn vị.

Cứ vào dịp 30-4 hàng năm kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại được nghe đọc bài báo: “Trận quyết chiến giải phóng thành phố Vũng Tàu” đăng trên Nguyệt san “Sự kiện và nhân chứng“ của Báo Quân đội nhân dân, tác giả Lê Văn Quế - nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 chỉ huy Tiểu đoàn đánh trận ấy. Cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ ở Trung đoàn hiểu biết sâu sắc thêm thành tích của đơn vị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, càng tự hào về truyền thống đơn vị. 

Ngắm những cán bộ trẻ và chiến sĩ trẻ hăng hái luyện tập dưới cái nắng và sức nóng gần 40 độ C, mồ hôi lăn đầy trên má, tham quan nơi nơi ăn ở, nội vụ sắp xếp gọn gàng thống nhất, chăn, màn được gấp thành hàng thẳng tắp trong từng Tiểu đội, doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp. Qua chỉ huy Trung đoàn cho chúng tôi biết: Đại đội 61 (nay là Đại đội 9) vẫn luôn là một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua nhiều năm qua của Trung đoàn.

Trong lòng chúng tôi - những cựu chiến binh từng là những cán bộ chiến sĩ trẻ của Đại đội thời ấy (1975) nay hầu hết đã gần tuổi “thất thập cổ lai hy” trào dâng một nỗi niềm xúc động, yêu quý các đồng chí thời nay của đơn vị mình. Chúng tôi thấy tự hào và tin tưởng rằng: Các cán bộ trẻ, chiến sĩ trẻ ngày nay luôn trân trọng, tự hào về truyền thống đơn vị anh hùng, luôn phát huy truyền thống đó trong thời kỳ mới của quân đội. Họ sẽ xây dựng đơn vị "Vững mạnh toàn diện mẫu mực tiêu biểu“ để góp phần xây dựng Quân đội ta “Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại“ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho. 

Đại tá ĐẶNG TỐ KIM, Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 61 (1975-1976)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.