Sống sót sau 3 ngày nhờ túi khí

Tháng 5-2013, một con tàu với thủy thủ đoàn gồm 12 thành viên đang rẽ sóng ngoài khơi Nigeria thì bất ngờ biển động. Con tàu bị đánh chìm lúc 4 giờ 30 phút sáng 26-5.

 Harrison Okene được phát hiện khi đã hết oxy. Ảnh: CBC

Trong khi 11 thành viên trên tàu thiệt mạng khi bị kẹt trong phòng ngủ thì người đầu bếp Harrison Okene may mắn thoát nạn do thời điểm đó anh đang trong nhà vệ sinh. Trong bóng tối, Okene đã cố thoát ra khỏi nhà vệ sinh và tìm được một ống thông khí. Anh lấy được một lon coca, một chiếc áo phao với 2 chiếc đèn pin. Rồi anh bò theo ống thông khí và vào trong khoang lái của con tàu. Lúc này, tàu đã bị lật úp và chìm xuống nước.

Ở đây, Okene tìm thấy một túi khí đọng lại trong con tàu. Anh đã sống sót nhờ thở dưỡng khí từ túi khí trước khi được các thợ lặn biển sâu-những người đã phát hiện vụ đắm tàu-giải cứu. Theo kênh truyền hình CTV News của Canada, khi đó Okene đã hết oxy và không thể sống được bao lâu nữa.

Sau này, Okene thường gặp ác mộng và thề sẽ không bao giờ đi biển nữa. Tuy nhiên, vận mệnh trớ trêu, giờ đây Okene trở thành một thợ lặn giỏi và có thể lặn xuống độ sâu 150 mét mà không sợ hãi.

76 giờ giải cứu dưới đáy đại dương

Vào tháng 8-1973, cách đảo Cork của Ireland khoảng 240km, tàu lặn Pisces III cùng hai thủy thủ Roger Mallinson và Roger Chapman gặp nạn dưới đáy biển sâu gần 500m.

Lực lượng cứu hộ giải cứu thành công hai thủy thủ Roger Mallinson và Roger Chapman. Ảnh: thetimes.co.uk

Vụ tai nạn xảy ra lúc 9 giờ 18 phút ngày 29-8-1973 khi tàu Pisces III nổi lên, chờ được kéo lên mặt nước và đưa trở lại tàu mẹ. Khi vừa nổi lên mặt nước, một cửa sập bị gãy khiến tàu lặn bị chìm.

Chiến dịch giải cứu ngay lập tức được kích hoạt. Ba tàu lặn, một số tàu chiến, máy bay và trực thăng đã tham gia vào các hoạt động cứu hộ. Đến 13 giờ 17 phút ngày 1-9-1973, tàu lặn Pisces III được nâng lên khỏi mặt nước sau 76 giờ nằm dưới biển. “Khi được cứu, chúng tôi chỉ còn lượng oxy đủ cho 12 phút”, thủy thủ Chapman nói.

Còn người đồng hành Roger Mallinson thừa nhận: “Không ai trong chúng tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ sống sót”.

58 ngày lênh đênh trên biển không nước, không thức ăn

Roland Omongos, một ngư dân 21 tuổi người Philippines, đã sống sót trên chiếc thuyền nhỏ trôi dạt 58 ngày trên biển, không có nước, không thức ăn.

Roland Omongos và vị trí được đưa lên bờ sau khi được giải cứu. Ảnh: Post courier

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 21-12-2016 khi chàng trai trẻ rời cảng General Santos cùng với người chú của mình và một số ngư dân khác. Ngày 10-1-2017, một cơn bão bất ngờ ập đến. Chiếc xuồng máy mà Roland Omongos và người chú đang điều khiển bị sóng đánh bật ra ngoài, tách khỏi con tàu lớn. Năm ngày sau, xuồng máy hết nhiên liệu. Để thoát khỏi những con sóng lớn, hai chú cháu quyết định tháo động cơ xuồng máy, ném xuống biển.

Một tháng sau, người chú không thể trụ được vì kiệt sức nên đã qua đời. Còn Rolando Omongos sống sót nhờ nước mưa và rêu mọc trên thân chiếc xuồng dài 2,5m. Cậu thanh niên Philippines cuối cùng được một tàu đánh cá Nhật Bản cứu và đưa vào bờ ở Papua New Guinea, cách nơi cậu xuất phát 12.000km. “Tôi chưa bao giờ mất hy vọng. Tôi luôn cầu nguyện”, Omongos nói. Cũng kể từ sau vụ tai nạn, Omongos không đặt chân lên tàu nữa.

Uống nước tiểu, ăn cá sống để sống sót

Ngày 21-12-2012, ông José Salvador Alvarenga cùng thanh niên Ezequiel Cordoba, 24 tuổi, rời Mexico trên chiếc tàu dài 7m để đi đánh bắt cá mập. Tuy nhiên, con tàu của họ đã chết máy sau khi gặp bão khiến họ mất phương hướng và trôi dạt khoảng 12.000km trên Thái Bình Dương.

 Ông José Salvador Alvarenga được các bác sĩ hỗ trợ khi được đưa lên bờ. Ảnh: New York Post.

Lực lượng cứu hộ từ bỏ cuộc tìm kiếm họ sau hai ngày do một cơn bão có cường độ cực lớn đổ bộ vào Thái Bình Dương.

Để giữ mạng sống, ông Alvarenga phải ăn sống cá, rùa và uống nước mưa để có thể sống sót 14 tháng trước khi trôi dạt vào quần đảo Marshall (thuộc lãnh thổ Mỹ). Thậm chí, ông còn uống nước tiểu của mình để chống khát.

Trong khi đó, người đồng hành Ezequiel Cordoba đã qua đời sau 4 tháng lênh đênh trên biển.

29 giờ lênh đênh trên biển mà không có áo phao

Tháng 4-2013, Brett Archibald cùng 9 người bạn thuê tàu Naga Laut đi lướt sóng. Con thuyền đang đi dọc theo eo biển Mentawai, thuộc tỉnh Tây Sumatra, Indonesia thì gặp bão. Do trước đó bị ngộ độc thức ăn, nên khi bước tới mạn thuyền, Brett bị choáng và rơi xuống biển. “Tôi cố bơi hết sức nhưng không đuổi kịp con tàu”,  Brett hồi tưởng lại buổi tối 17-4 định mệnh.

 Brett Archibald được các thợ lặn đưa lên tàu cứu hộ. Ảnh: Sydney Morning Herald 

Ông bố hai con cho biết, ông suýt chết ít nhất 8 lần. Ông bị sứa đốt và bị hải âu tấn công. Cuối cùng, Brett Archibald đã được vận động viên lướt sóng người Australia Dave Carbon cứu sống trong tình trạng suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng. Brett Archibald sống sót thần kỳ khi lênh đênh trên biển trong 29 giờ mà không có áo phao.

Vài tháng sau khi được giải cứu, Brett Archibald đã trải qua hai cơn hoảng loạn nghiêm trọng. Năm 2016, ông viết lại cuộc phiêu lưu khủng khiếp của mình trong cuốn sách “Alone: Lost Overboard In The Indian Ocean”.

Giải cứu tàu ngầm lịch sử

Một trong những nhiệm vụ giải cứu tàu ngầm nổi tiếng nhất diễn ra cách đây gần một thế kỷ.

Tàu ngầm USS Squalus sau khi được trục vớt. Ảnh: seacoastonline.com 

Theo Naval Technology, 7 giờ ngày 23-5-1939, tàu ngầm USS Squalus của Mỹ với 56 thủy thủ đoàn và 3 kỹ sư tiến hành lặn thử ở đảo Shoals. 7 giờ 40 phút, một sự cố van nghiêm trọng đã khiến nước tràn vào chiếc tàu ngầm. Trong tích tắc, chiếc tàu ngầm ngưng hoạt động và chìm xuống độ sâu khoảng 74m ngoài khơi New Hampshire. Thuyền trưởng nhanh chóng ra lệnh đóng kín cửa các khoang còn lại để ngăn không cho nước tiếp tục tràn vào tàu.

Một phao đánh dấu đã được tàu ngầm USS Squalus thả lên trên mặt biển để báo hiệu vị trí gặp nạn cho đội cứu hộ. Pháo sáng cũng được bắn định kì để ra hiệu cho mọi người. Do độ sâu quá lớn và phao đánh dấu bị đứt nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Quá trình giải cứu kéo dài 13 giờ và 33 người bị mắc kẹt được đưa lên bờ an toàn. Tuy nhiên, 26 thủy thủ khác đã thiệt mạng.

PHƯƠNG LINH (theo Daily Mail, GEO)