Trong trại tâm thần ở quận Döbling, phía bắc thủ đô Vienna của Áo mùa hè năm 1865, một nhà khoa học người Hungary mắc chứng mất trí nhớ sống vô vọng trong hai tuần cuối cùng của cuộc đời mình. Bị bạn bè và cha mẹ đưa vào đây, Semmelweis không còn gì ngoài những cơn thịnh nộ và oán giận cả thế giới. Các nhân viên trong trại tâm thần đã đáp trả bằng những đòn đánh trước hành vi bạo lực của người đàn ông có sức khỏe tâm thần sa sút. Ngày 13-8 cùng năm, Semmelweis qua đời, để lại cho thế giới một di sản y học nhưng chỉ được công nhận sau này.

Cứu tinh của các sản phụ

Năm 1846, tại bệnh viện đa khoa Vienna ở thủ đô nước Áo, Ignaz Philipp Semmelweis, 28 tuổi, đang là một bác sĩ nội trú khoa sản. Đó là thời kỳ mà một căn bệnh kỳ lạ được gọi là sốt hậu sản lan tràn khắp châu Âu. Semmelweis thống kê được rằng, tại bệnh viện mà ông làm việc, cứ 5 phụ nữ thì có một người chết sau khi sinh con do sốt hậu sản. Cùng năm đó, một giáo sư giải phẫu là bạn của Semmelweis đã chết vì bệnh nhiễm trùng tương tự như những sản phụ, sau khi ông này vô tình để dao mổ cứa vào ngón tay.

Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà khoa học, vốn am hiểu y học cổ đại, tin rằng mọi bệnh tật đều là do sự mất cân bằng của 4 yếu tố cơ bản (không khí, lửa, nước, đất) thấm vào cơ thể con người. Nhưng không ai lý giải được nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sốt hậu sản ở phụ nữ sau sinh. Họ đưa ra nhiều giả thuyết gây sốt, như sai sót trong quá trình mang thai, mất cân bằng ure trong máu, áp lực tử cung tác động lên các cơ quan nội tạng….

leftcenterrightdel

Semmelweis quy định rửa tay khi làm việc ở nhà xác và khám bệnh nhân, từ đó giúp tỷ lệ tử vong khi sinh nở giảm xuống. Ảnh: slate.fr

Hằng ngày làm việc ở bệnh viện đa khoa Vienna, Semmelweis chứng kiến các bác sĩ không đeo găng tay. Họ chỉ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi dùng chính đôi bàn tay đó khám cho các sản phụ. Mùi hôi còn đọng lại trên tay các bác sĩ xác nhận sự tồn đọng của các “hạt” tí hon từ xác những sản phụ qua đời tại bệnh viện, thứ mà Semmelweis phỏng đoán là virus gây ra sốt hậu sản.

Do đó, Semmelweis đã đưa ra quy định rửa tay bằng dung dịch calcium hypochlorite trong khi làm việc ở nhà xác và khám bệnh nhân, sau đó mở rộng các biện pháp vệ sinh đối với các dụng cụ dùng trong sinh nở. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong do bệnh sốt hậu sản giảm rõ rệt.

Semmelweis cùng học trò sau đó đã xuất bản một số ấn phẩm trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Vienna, trong đó nêu rõ việc thực hành rửa tay có tác dụng trong việc ngăn chặn sốt hậu sản lây lan qua chính bàn tay các bác sĩ. Ông cũng đã gửi thư đến các bác sĩ trưởng khoa sản ở châu Âu đề nghị họ cho ý kiến về giả thuyết các “hạt” gây bệnh của mình. Thế nhưng, đa số các phản hồi đều khiến Semmelweis thất vọng.

Trong khi đó, lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của bác sĩ người Hungary, Giáo sư Johann Klein đã yêu cầu Semmelweis rời khỏi chức vụ của mình vào năm 1849.

Semmelweis đề nghị được làm việc như một bác sĩ sản khoa không lương nhưng yêu cầu này chỉ được chấp nhận sau 18 tháng với điều kiện ông không được tiếp cận các xác chết và chỉ được sử dụng ma-nơ-canh khi tiến hành thí nghiệm.

Bực bội vì bị coi thường, Semmelweis trở về quê hương và phụ trách khoa sản của bệnh viện Szent-Rókus ở Budapest.

Công thức của Semmelweis đã phát huy tác dụng thần kỳ ở quê nhà. Từ năm 1851 đến năm 1855, chỉ có 8 bệnh nhân chết vì sốt hậu sản trong số 933 ca sinh được ghi nhận tại bệnh viện trong thời kỳ này. Semmelweis lúc này đã trở thành giáo sư và biện pháp rửa tay của ông đã được giới thiệu tại phòng khám của Đại học Pest cũng như nhiều bệnh viện khác ở Hungary.

Số phận nghiệt ngã

Semmelweis kết hôn, từ chối lời đề nghị tới Zurich, viết một loạt bài báo bảo vệ phương pháp gây tranh cãi của mình và giải quyết sự hoài nghi của các đồng nghiệp trong một tác phẩm công bố năm 1861 tổng hợp những khám phá của ông. Tức giận trước một số đánh giá không thuận lợi về cuốn sách của mình, Semmelweis tấn công những người gièm pha mình, gọi họ là “những kẻ sát nhân vô trách nhiệm” và “những kẻ ngu dốt đen tối”. Nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục bác bỏ học thuyết của Semmelweis khiến ông rơi vào địa ngục.

leftcenterrightdel
Chân dung GS Ignaz Philipp Semmelweis, bản khắc đồng của Jenö Doby, 1860. Ảnh: Slate.fr

Mong muốn thuyết phục đồng nghiệp về tính xác thực các lý thuyết của mình luôn ám ảnh Semmelweis. Ông chỉ nghĩ đến cơn sốt hậu sản. Những bức chân dung được chụp từ năm 1857 đến năm 1864 cho thấy tình trạng lão hóa của Semmelweis ngày càng trầm trọng khi ông chỉ mới ngoài 40 tuổi. Semmelweis bị suy nhược thần kinh, chìm vào chứng nghiện rượu và ngày càng rời xa gia đình.

Hành vi của Semmelweis khiến chính các đồng nghiệp và gia đình phải cảm thấy xấu hổ. Tháng 7-1865, họ sắp đặt một kế hoạch hoàn hảo để đưa ông vào trại tâm thần. Ferdinand Ritter von Hebra, một bác sĩ cũng là đồng nghiệp trước đây từng ủng hộ lý thuyết rửa tay của Semmelweis, giả vờ mời ông đi thăm cơ sở y tế mới của mình. Cùng đi có cả chú của Semmelweis-người bằng cách nào đó đã xoay sở được một giấy chứng nhận ghi rằng Semmelweis bị bệnh tâm thần. Nhưng thực ra, hai người đã áp tải ông đến một trại tâm thần ở Vienna.

Semmelweis lờ mờ nhận ra kế hoạch ấy nhưng quá muộn. Ông cố gắng chạy trốn, gào thét trong bất lực nhưng bị những người bảo vệ tại trại tâm thần đánh gục. Không lâu sau đó, những vết thương của Semmelweis bị nhiễm trùng và ông chết vì chính những “hạt” gây bệnh mà mình đã tiên đoán.

15 năm sau cái chết của Semmelweis, nhà sinh học vĩ đại người Pháp Louis Pasteur mới hoàn thiện “Lý thuyết mầm bệnh”, đưa ra những chứng cứ thuyết phục chứng minh những “hạt” mang bệnh từ tử thi mà Semmelweis tiên đoán chính là những vi khuẩn. Streptococcus pyogenes chính là virus gây ra sốt hậu sản, lây nhiễm từ các thi thể mà bác sĩ khám nghiệm, từ các ổ nhiễm trùng của bệnh nhân này, qua tay các bác sĩ thăm khám họ, đến người bệnh nhân khác.

Trong cuốn tiểu thuyết tiểu sử “The Pariah of the Danube” xuất bản năm 1984, tác giả Jean Thuillier viết: “Hầu như bị phớt lờ, bị coi thường, ngược đãi vì những ý tưởng của mình, Semmelweis đang được các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh trên khắp thế giới phục hồi danh tiếng”. “Nhiều bác sĩ và đặc biệt là công chúng không biết gì về công việc và câu chuyện bi thảm của nhà khoa học này, người đã phải kết thúc cuộc đời trong trại tâm thần. Sự điên rồ của Semmelweis là lý do của một người đứng lên chống lại bất công chỉ vì mù quáng của đối thủ” nhà văn Jean Thuillier đồng thời là một bác sĩ tâm thần nhấn mạnh.

Năm 2020, giữa đại dịch Covid-19, Google Doodle đã vinh danh bác sĩ Ignaz Semmelweis. Ngày nay, không ai tranh cãi về sự cần thiết phải khử trùng tay để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.

PHƯƠNG LINH (theo Slate.fr)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.