Theo phương án mà thành phố được gửi lấy ý kiến 4 tỉnh, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn thành phố và ngược lại.

Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, định kỳ 7 ngày/lần.

Các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức và các quận huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.

Đối với các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh): xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến sở giao thông vận tải các tỉnh để cấp giấy.

 Kiểm soát phương tiện di chuyển trên thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Khoa

Đối với tiêu chí an toàn trong hoạt động vận tải: lái xe, người phục vụ là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Ngoài ra, xe vận chuyển còn tuân thủ một số tiêu chí phòng dịch thuộc lĩnh vực vận tải như trang bị dung dịch khử khuẩn, mức độ thông thoáng phương tiện, bảng khuyến cáo phòng, chống dịch...

Trường hợp sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày sau tiêm khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

* Tỉnh Bình Dương: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông của người dân, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản về việc thực hiện kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Đối với việc đi lại của các huyện thuộc vùng xanh gồm: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, người và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. TP Thủ Dầu Một và Thị xã Bến Cát tổ chức lưu thông liên phường trong nội bộ của từng địa phương. Các địa phương còn lại gồm: TP Thuận An, TP Dĩ An và Thị xã Tân Uyên tổ chức giao thông theo tinh thần “an toàn đến đâu, mở rộng lưu thông đến đó”. Căn cứ tình hình diễn biến dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của 3 địa phương trên quyết định phương án lưu thông trong nội bộ từng địa phương.

Người dân khi lưu thông cần chuẩn bị giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông: là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày kể từ ngày xuất viện và có chứng nhận hoàn thành việc tự theo dõi sức khỏe 14 ngày kể từ ngày xuất viện do Ban chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn cấp hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc tiêm được mũi 1 ít nhất 14 ngày. Đồng thời, thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR tại các địa điểm đến…

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông gồm: Bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải; hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh), tổ chức vận chuyển, đưa đón người lao động và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

* UBND tỉnh Long An đã có công văn số 9583/UBND-KTTC gửi 16 tỉnh, thành phố về việc phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu trở về các địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh Long An đề nghị UBND TP Cần Thơ và UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Gia Lai quan tâm và phân công đơn vị đầu mối để phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Long An tiếp tục thực hiện đón người dân trở về địa phương trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 5-10.

Các địa phương thuộc Long An tổ chức thực hiện nghiêm Công điện 1265/CĐ-TTg ngày 30-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, không để người dân tự phát đi xe máy về quê, nhất là ở các tuyến đường chính như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Đường tỉnh 827…, tuyệt đối không để tình trạng tụ tập, gây nguy cơ dịch bệnh và mất an ninh trật tự.

Đối với việc lưu thông của người dân trong tỉnh Long An, người có “thẻ xanh Covid-19” được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Người có “thẻ vàng” là đã tiêm 1 mũi vaccine đủ ít nhất 14 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính, được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp huyện, trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp di chuyển để phòng, chống dịch bệnh. Đối với người có “thẻ vàng” là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước nếu có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công vụ, đi làm thì được di chuyển trên toàn tỉnh.

* Tại Vĩnh Long: để được đi ra ngoài tỉnh, người dân cần có đơn và các giấy tờ liên quan chứng minh nhu cầu đi ra ngoài tỉnh của mình là rất cấp thiết, được chính quyền cấp cơ sở xác nhận và nộp tại UBND cấp huyện, để trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép và có văn bản đề nghị UBND tỉnh nơi đến đồng ý tiếp nhận.

Khi người dân từ vùng dịch trở về tỉnh phải thực hiện cách ly y tế tập trung và xét nghiệm như đối với trường hợp F1 và trả các chi phí theo quy định. Riêng nhà đầu tư đến làm việc, đầu tư tại tỉnh; công nhân tham gia thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; giáo viên từ các địa phương “vùng xanh” trở về nếu đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy tắc “5K”, khai báo với cơ quan y tế.

* Tại Đồng Tháp: Đối với những người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 ở mức nguy cơ rất cao hoặc đang áp dụng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: chưa được phép trở về tỉnh, trừ lý do đặc biệt được cấp có thẩm quyền đồng ý (thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phân công, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến, đầu tư, tư vấn, xây dựng, phương tiện phục vụ việc cách ly, chăm sóc sức khỏe, tỉnh tổ chức đón, rước…) và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

 Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: dongthap.gov.vn

Đối với những người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 còn lại: Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 sau ít nhất 10 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian 6 tháng phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày trước khi vào địa bàn tỉnh; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương, luôn thực hiện Thông điệp 5K và thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 do người về địa phương tự chi trả. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày trước khi vào địa bàn tỉnh; thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú do người trở về địa phương tự chi trả. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý theo quy định.

Tại tỉnh Đồng Nai cũng triển khai việc tăng cường kiểm soát việc tham gia lưu thông, di chuyển giữa các vùng trong lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tỉnh khuyến khích người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý di chuyển nội địa “VNEID” để khai báo, quét mã QR tại các chốt kiểm soát và cài đặt, sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để chứng minh đã được tiêm vaccine.

UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý việc đi lại trong nội bộ xã, nội bộ huyện của toàn bộ người dân đang thường trú, tạm trú trên địa bàn quản lý. UBND cấp huyện thực hiện cấp, quản lý việc sử dụng giấy đi đường cho người có nhu cầu cấp thiết đi đến các huyện, thành phố vùng xanh thuộc tỉnh hoặc đi đến huyện, thành phố vùng đỏ, cam, vàng trong tỉnh (không được trở lại vùng xanh cho đến khi huyện, thành phố đó trở thành vùng xanh), bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện mà nơi làm việc và nơi ở khác xã, khác huyện thì thủ trưởng đơn vị cấp giấy đi đường, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đối với cấp huyện, cấp xã vùng đỏ, cam, vàng, tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 và siết chặt việc quản lý tham gia lưu thông.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc cấp, quản lý giấy nhận diện phương tiện luồng xanh có mã QR; phối hợp Sở Công Thương cấp mã QR đối với shipper, danh sách phương tiện luồng xanh có mã QR và shipper gửi Công an tỉnh để phục vụ theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

* Tại An Giang: Đối với các huyện, thị xã, thành phố đồng ý tiếp nhận người dân về đến cửa ngõ tỉnh phải bố trí, sắp xếp ổn thỏa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Các đồng chí bí thư, chủ tịch, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp tham gia chỉ đạo thực hiện việc bố trí điểm tập trung và điểm tiếp nhận cách ly người dân, phải bố trí ăn uống ổn thỏa. Tại điểm tập trung người dân và cách ly tập trung phải bố trí lực lượng bảo vệ, phải dự phòng tình huống có thể xảy ra để kịp thời ứng phó.

Một khu vực phong tỏa do Covid-19 tại thị trấn Long Bình, An Phú, An Giang. Ảnh minh họa: cdcangiang.vn 

Ngành y tế phải chuẩn bị đủ lực lượng để thực hiện phân loại, sàng lọc người dân; Công an tỉnh và các địa phương phải bố trí lực lượng chốt chặn, có cách quản lý chặt chẽ đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các điểm tập trung người dân và điểm cách ly tập trung, tuyệt đối không để người dân tự điều khiển xe máy di chuyển về các địa phương trong tỉnh….

* Tỉnh Hậu Giang: Theo Công văn mới nhất của UBND tỉnh (số 1879) về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang theo tinh thần Chỉ thị số 19 (trừ các khu vực, địa phương đang thiết lập vùng cách ly y tế, phong tỏa), có bổ sung, điều chỉnh quy định phù hợp với tình hình thực tế, được áp dụng từ 12 giờ ngày 2-10, thì người dân trong tỉnh được đi lại giữa các địa phương (trừ khu vực đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế) nhưng phải đảm bảo các biện pháp bắt buộc chung,

Với quy định kiểm soát người ra, vào tỉnh: Người dân không tự ý đi ra ngoài tỉnh, trường hợp cấp bách phải được sự cho phép (bằng văn bản) của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19. Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định được di chuyển ra, vào tỉnh. Trường hợp khác phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với các chuyên gia, công nhân, những người tham gia thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh: Nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực phải thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nơi làm việc, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, thực hiện quy định 5K, khai báo với cơ quan y tế (trạm y tế) để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 2 và ngày thứ 7. Người đứng đầu tổ chức tiếp nhận các chuyên gia, công nhân chịu trách nhiệm quản lý các đối tượng và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Đối với các nhà đầu tư đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang phải có văn bản gửi đến UBND tỉnh trước và đảm bảo các điều kiện: Tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định; có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; được bố trí ở và làm việc tại địa điểm lưu trú có phương án phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với người dân đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện) và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực được vào tỉnh nhưng khi đến/về địa phương phải thực hiện theo dõi sức khỏe tại nơi cách ly tập trung trong thời gian 7 ngày, thực hiện quy định 5K; thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.

Trường hợp người chưa tiêm hoặc tiêm 1 liều vaccine phòng Covid-19 hoặc người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung từ ngoài tỉnh tự về, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực thì phải cách ly tập trung 14 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung trong tỉnh; thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7 và ngày thứ 14, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú 14 ngày.

* Tại Bạc Liêu: Các địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch; khi đưa người từ vùng dịch về phải test ngay để phân loại. Huy động toàn lực để giám sát y tế và có từng phương án cụ thể đối với đối tượng này. Đồng thời tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch ở tuyến huyện, thị; thành phố. Ban chỉ đạo các cấp phải xuống tận địa bàn để chỉ đạo cụ thể...

KHOA LAN