Dưới đây là những dòng ghi chép của vợ chồng ông Trần Hùng.

Đừng hiểu sai lòng chúng tôi

"Hà Nội, ngày 5-6-2021,

Mấy ngày nay, sau khi Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức cuộc họp đột xuất theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch, dư luận trên mạng xã hội đâu đó lại rộ lên những tiếng khen chê. Không ít người ngợi khen tân Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo sát sao tiêu thụ nông sản là thiết thực, gần dân, giúp dân nhưng cũng không thiếu người chê bai “quản lý thị trường phải đi lo bắt hàng giả”, làm thế là “nhầm vai”.

Thấy những ý kiến kiểu đó, tôi thật sự buồn! Những người vội chê bai liệu có nghĩ đến trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn thế này, thị trường nhiều mặt hàng bị đóng băng, nông dân khốn khổ trăm bề. “Chống dịch như chống giặc” là mệnh lệnh được Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần kêu gọi toàn dân vậy thì việc quản lý thị trường tạm dừng những công việc khác để tập trung chống “giặc Covid-19”, tập trung giúp dân có gì sai?

 Vợ chồng ông Trần Hùng và bạn bè trao quà hỗ trợ tại tỉnh Bắc Giang.

Những người phán xét vội vàng liệu có biết rằng trong Chỉ thị số 08/CT-BCT mới ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho rất nhiều đơn vị chung tay giúp nông dân, từ Vụ Thị trường trong nước là đầu mối, phối hợp các đơn vị của bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại); kết nối doanh nghiệp phân phối lớn, có biện pháp hỗ trợ lưu thông đến các đơn vị như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để hỗ trợ bà con nông dân kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản.

Tổng cục Quản lý thị trường được giao chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, sở công thương các tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu…

Như vậy đâu có gì là “nhầm vai” như ai đó hẹp hòi đưa ra ý kiến. Hơn nữa, việc này phần nào giúp quản lý thị trường "xuống với dân, gần dân, bám dân...", xây dựng hình ảnh một cơ quan không chỉ có kiểm tra, xử lý, xử phạt mà còn giúp dân, vì nhân dân phục vụ như lời Bác Hồ từng căn dặn. Thế là tốt lắm chứ!

Chợt nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ thời bao cấp năm nào:

Những trầm tư về thế kỷ của ta

Lắm kiểu nói mà giống nhau đến thế

Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ

Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi.

Đừng hiểu sai lòng tôi

Làm việc cô đơn thật là quá sức

(Nói với mình và các bạn – Lưu Quang Vũ-1970)

Vâng! Chỉ mong đừng ai hiểu sai lòng chúng tôi. Soi mói, nhìn đời qua đôi kính đen, thấy người ta làm việc tốt vẫn còn chê trách thì rất dễ, “chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi”."

Ông Trần Hùng vận chuyển nhu yếu phẩm giúp đỡ nhân dân tỉnh Bắc Giang. 

Làm gì góp ích cho đời mới thực sự khó

Đó là chuyện ở cơ quan, còn ở gia đình, ông Trần Hùng cùng vợ, chị Hoàng Thu Hiền, một doanh nhân những ngày qua đã lặng lẽ, hối hả bỏ tiền của và vận động bạn bè, người thân quyên góp trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm giúp lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và nhân dân ở Bắc Giang. Ngày 13-6 vừa qua, vợ chồng ông Trần Hùng và những người bạn đã về tâm dịch Bắc Giang, trao quà tặng trị giá 500 triệu đồng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và nhân dân.

Trên trang cá nhân, chị Hoàng Thu Hiền có những dòng chia sẻ:

“Sáng nay, gia đình tôi, cùng hai xe chất đầy hàng cứu trợ, đội mưa đến với Bắc Giang. Đây là chuyến hàng thứ hai chúng tôi đã gửi đến tỉnh, lần trước cách đây 10 ngày cũng có giá trị tương đương. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt lệnh phong toả, đường phố vắng lặng, các chốt kê khai kiểm dịch thực hiện rất nghiêm túc. Tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, không khí tuy không quá nhộn nhịp nhưng khá khẩn trương, rất đông các y, bác sĩ đang bố trí người chuẩn bị các nhóm đi tiêm vaccine.

Đến giờ Bắc Giang đang chăm sóc gần 4.000 bệnh nhân F0 và sau F0, nhiều bệnh nhân rất nặng và đang phải thở máy như phi công người Anh trước đây ở Việt Nam. Công tác của y bác sĩ của các bệnh viện vô cùng vất vả. Đến nay, điểm sáng đáng mừng là có 600 trong số gần 4.000 bệnh nhân F0 đã khỏi và âm tính trở lại nhưng vẫn cần theo dõi tại chỗ. Tuy nhiên, tại các khu cách ly tập trung, vẫn còn 24,5 ngàn người F1, chủ yếu đang được các đơn vị quân đội chăm sóc phục vụ và hỗ trợ theo dõi. Tại các khu vực phong toả, người dân được khuyến cáo ko đi lại nhiều, đặc biệt là 93.000 người F2 cách ly tại chỗ. Mọi khó khăn đã có chính quyền và các nhà hảo tâm đóng góp qua hệ thống các siêu thị 0 đồng. Nhưng, quả thực, hiện nay nhu cầu đang cực lớn mà khả năng có hạn nên rất cần sự chung tay của những tấm lòng thiện nguyện.

Vợ chồng ông Trần Hùng và bạn bè trong chuyến đi hỗ trợ tỉnh Bắc Giang sáng 13-6. 

Qua cuộc nói chuyện, tôi mới thấu hiểu câu nói: “Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, số lượng công nhân ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp có đến trên 60 ngàn người. Khi dịch bệnh xảy ra, tỉnh chấp nhận đóng cửa và không để các công nhân này trở về địa phương. Điều đó có nghĩa là, tỉnh sẽ bố trí để cung ứng vật chất, hỗ trợ vật chất, y tế cho tất cả số công nhân ngoại tỉnh này, cho đến khi tình hình ổn định trở lại. Điều này nhằm đảm bảo tránh dịch bệnh lây lan ra các tỉnh khác, tránh tạo thêm gánh nặng xử lý dịch bệnh cho các địa phương khác.

Có thể nói, đợt dịch này, tỉnh Bắc Giang đã làm rất tốt việc tổ chức hỗ trợ người dân trong việc theo dõi và chăm sóc y tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hộ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản. Tôi có cảm giác, toàn bộ tỉnh Bắc Giang đều xuống đường để hỗ trợ người dân. Hai người tôi trực tiếp qua quen trên mạng và giới thiệu là em Hoà và chị Hương. Em Hòa là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chồng em làm ở Văn phòng UBND tỉnh. Chị Hương là chủ của chuỗi siêu thị và trường học Thu Hương. Cả hai ngày đêm hỗ trợ và nhắn tin cùng tôi để hỗ trợ tiêu thụ rất nhiều các loại rau củ, dưa hấu và trái cây khác về Hà Nội. 

Khi tôi ngỏ ý muốn hỗ trợ tỉnh các vật chất, phục vụ các khu cách ly, bệnh viện, cũng như cơ sở quân đội, hai chị em đã hỗ trợ tôi rất nhiệt tình chẳng quản ngày đêm. Chị Hương có một siêu thị mà hiện nay không còn bất cứ một loại hàng hóa nào, vì chị đã mở cửa cho những người có nhu cầu có thể đến lấy miễn phí. Hai trường học của chị đã cho học sinh nghỉ, và hiện nay là chỗ ở của các tình nguyện viên, y bác sĩ đến từ tỉnh Hải Dương. Em Hòa thì đi từ sáng đến tối cùng với người nông dân tại ruộng, hỗ trợ đưa nông sản đi tiêu thụ khắp nơi. Em còn ứng tiền ra để mua nông sản của bà con rồi sau đó mới giao cho các nhà phân phối đi tiêu thụ thiện nguyện. Chồng Hoà cũng đi từ sáng đến quá nửa đêm, trẻ con thì gom vào cho bà trông, y như tình trạng thời chiến ngày xưa. 

Để hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp, mỗi ngày, tỉnh lại công bố bảng giá nông sản trong ngày để điều tiết cân đối thị trường, tránh tranh mua tranh bán ồ ạt gây thiệt hại cho bà con. Vì thế, cho đến nay, nông sản của tỉnh vẫn tiêu thụ đều, không bị lâm vào tình trạng bán đổ bán tháo. Đặc biệt, lực lượng quân đội đã căng mình hết sức phục vụ hậu cần các bệnh viện dã chiến và khu cách ly. Chiến công thầm lặng này rất đáng tôn vinh và được hỗ trợ.

Đến giờ thì tôi hiểu: Vì sao Tổ quốc ta, trong bất kỳ gian khó hay khắc nghiệt của chiến tranh, đều thể hiện tinh thần bất khuất, quật cường và tình đoàn kết, đồng bào tương thân tương ái. Khi gặp nguy nan, tinh thần ấy thực sự phát huy toả sáng tạo ra năng lượng vô song. Ngay cả hai lần đi hỗ trợ này, chúng tôi không thể thực hiện được nếu thiếu sự quyên góp, ủng hộ của bạn bè gần xa, của các đơn vị đồng hành như công ty vận chuyển Việt Nhật, các nhà sản xuất… Đây là niềm vui và tấm lòng hướng về đồng bào của tất cả mọi người, mà chúng tôi vinh dự được là người đại diện thực hiện. 

Rất cảm ơn tất cả bạn bè xa gần đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành chuyến đi ý nghĩa này. 

Hiện nay, do số lượng người phải chăm sóc quá đông, cơ sở vật chất và sức người có hạn, nên tỉnh Bắc Giang gặp nhiều thiếu thốn. Thiếu gạo, thiếu thực phầm, thiếu khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ, thiếu test thử, thiếu từ cái giường sắt tại các bệnh viện dã chiến tới chiếc quạt mát cho thông thoáng… Vì vậy mọi sự hỗ trợ lúc này vô cùng đáng quý. Sắp tới, chúng tôi dự kiến có 1 chuyến cứu trợ gồm gạo, đồ bảo hộ cấp độ 4 và thực phẩm... Rất mong nhận được sự ủng hộ vật chất và tinh thần của tất cả các bạn. Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận được “chê bai chỉ trích ngàn lời cũng không khó, làm gì đó góp ích cho đời, để cuộc đời này đẹp hơn mới thực sự khó hơn nhiều”.

Trân trọng cảm ơn tất cả!".

TRẦN HÙNG – HOÀNG THU HIỀN

 (12 Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội)