Tiêm vaccine giúp giảm biến chứng và tử vong
Theo đó, GS, TS Đặng Đức Anh khẳng định, tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Hiện nay không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, tức sau tiêm vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.
Vì thế, theo GS, TS Đặng Đức Anh, có thể có trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó mắc bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.
 |
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đưa dẫn chứng, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hầu hết các trường hợp nhân viên y tế (đã được tiêm vaccine) mắc Covid-19 đều không có triệu chứng, trừ 1 người sốt nhẹ. Các nhân viên y tế này vẫn sinh hoạt, thậm chí có thể làm việc bình thường dù đang tiếp tục được cách ly, điều trị. Bệnh cảnh lâm sàng của họ khác so với những bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm mũi nào đang điều trị trong bệnh viện này.
Theo GS, TS Đặng Anh Đức, nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Cần kiên trì phương châm mới “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi
Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 - 95%. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm một liều từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên số tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm hai liều, số trường hợp tử vong giảm gần 100%.
"Điều này cho thấy tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra", GS, TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Để hiệu quả phòng dịch cao nhất, theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau khi tiêm vaccine, mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 5K để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Tiêm vaccine Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine và theo dõi sức khỏe.
Tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, với chủng mới từ Ấn Độ và Vương quốc Anh, có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch. |
Ngày 14-6, Bộ Y tế có 2 công văn hỏa tốc gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 viện vệ sinh dịch tễ đầu ngành, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
|
THANH HẢI