Trường ca “Giữa mùa đại dịch” đã ra đời trong những ngày “nóng bỏng” ấy, kịp thời động viên, khích lệ và truyền cảm hứng cho mọi người cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Nhà thơ Lê Anh Dũng chia sẻ về Trường ca “Giữa mùa đại dịch”.

Ra mắt cuối tháng 6-2020, “Giữa mùa đại dịch” là tác phẩm văn học thuộc thể loại trường ca đầu tiên của cả nước viết về đề tài dịch Covid-19. Với 5 trường đoạn có độ dài hơn 100 trang in, trường ca đã khắc họa tổng quan về dịch bệnh Covid-19 - một thảm họa y tế mang tính toàn cầu mà nhân loại đang ra sức chống chọi; đi sâu miêu tả các diễn biến tâm lý đa chiều của con người; phản ánh những nỗ lực và sự thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Đồng thời, ca ngợi sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương; ca ngợi những hy sinh thầm lặng của các y sĩ, bác sĩ, những chiến sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Qua đó, thể hiện niềm tin, hy vọng đại dịch Covid-19 sớm được khống chế hoàn toàn, nhân dân quay trở lại nhịp sống bình thường, nhân loại có cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Với cảm quan nghệ thuật tinh tế, nhà thơ Lê Anh Dũng đã thổi hồn vào trường ca, biến những điều tưởng chừng khô khan, khó tiếp thu trở nên mềm mại, đầy uyển chuyển. Từ việc phải đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ, đến chuyện “giãn cách”, khai báo y tế, “yêu nhau thời Covid-19”... đều được “thi vị hóa”, trở thành những điều rất gần gũi, dễ thương giúp người đọc dễ hiểu, tiếp thu và thực hiện. Nhà thơ Thanh Quế, Trưởng đại diện Báo Văn nghệ tại Đà Nẵng, đánh giá: “Lê Anh Dũng tài tình khi sử dụng lồng ghép những khổ nhạc, bài thơ của một số nhạc sĩ, nhà thơ viết về đại dịch mà anh tâm đắc để tạo nên bức tranh tổng thể nhiều màu sắc và cung bậc cảm xúc. Trường ca vì thế thêm mượt mà, đậm chất trữ tình, không khô khan, cứng nhắc. Bên cạnh đó, anh đã đan cài phần miêu tả vẻ đẹp phong cảnh, văn hóa của những vùng đất đã đi qua, từ đó, làm cho diễn tiến của trường ca có sự phát triển, không bị bó hẹp trong phạm vi TP Đà Nẵng, mà được mở rộng ra cả nước; đồng thời khơi gợi tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người. Có thể nói, đây là một trường ca đáng đọc”.

Bìa tập Trường ca “Giữa mùa đại dịch”.

Năm trường đoạn, mỗi trường đoạn là một câu chuyện với những mảnh ghép sinh động, vừa mang tính thời sự, vừa gợi mở những triết lý nhân sinh sâu sắc, thể hiện bút lực mạnh, sự trải đời và cả những trăn trở, chiêm nghiệm của một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm. Dịch giả Bùi Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng nhận xét: “Lê Anh Dũng đã viết những dòng thơ đầy tâm huyết và chứa chan cảm xúc về thảm họa y tế mang tính toàn cầu”. Từ những vấn đề trong đại dịch, Lê Anh Dũng đã liên hệ đến mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, sự gắn kết giữa hiện tại và tương lai và những ngẫm suy về cuộc đời. Giữa đại dịch biết “thương người-thương mình”, “mọi việc thích nghi, thay đổi”; hiểu thấu “trong họa có phúc”, nghiệm rõ nhân quả, sống chậm, biết đủ, con người sẽ có cuộc sống thiện lành, thân tâm an lạc.

Nguyên là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, với tư duy nhạy bén cùng nhãn quan nghệ thuật tinh tế và niềm đam mê viết, nhà thơ Lê Anh Dũng đã xuất bản 4 trường ca, 8 tập thơ và 2 ký, hồi ký. “Giữa mùa đại dịch” là trường ca thứ 5 ghi dấu sự thành công của anh trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, phản ánh kịp thời, sinh động, phong phú về thảm họa dịch bệnh; đồng thời đề cao tính nhân văn cao cả trong cơn đại dịch.

Bài và ảnh: THANH THÚY