Nhóm nghiên cứu tại Đại học Trung Quốc đã tiến hành bổ sung một loại men vi sinh mới cho những bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi kiểm tra và phát hiện tình trạng nghiêm trọng của bệnh có liên quan tới số lượng lợi khuẩn trong đường ruột.
Giáo sư Ng Siew-chien, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vi sinh vật đường ruột tại Đại học Trung Quốc cho hay, đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về vi khuẩn đường ruột của bệnh nhân Covid-19 và họ thấy rằng lợi khuẩn sẽ giảm dần khi cơ thể nhiễm bệnh.
 |
Giáo sư Paul Chan Kay-sheung trình bày kết quả nghiên cứu. |
“Lợi khuẩn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, vì thế nếu thiếu những vi khuẩn có lợi trong đường ruột, cơ thể sẽ dễ nhiễm trùng hơn”, bà Ng Siew-chien nói.
Trong khi đó, Giáo sư Paul Chan Kay-sheung, Trưởng khoa Vi sinh thuộc Đại học Trung Quốc nhận định, các cơ quan trong cơ thể con người rất phức tạp nên hệ vi khuẩn đường ruột cũng được coi là một cơ quan riêng biệt. Cơ quan này giống như một bức rào chắn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh, chẳng hạn bệnh cúm hay bệnh nhiễm khuẩn E-coli.
Ban đầu, nhóm thực hiện nghiên cứu trên 15 bệnh nhân mắc Covid-19 với các triệu chứng như sốt, ho, ho có đờm, sổ mũi và khó thở. Chỉ 1 người bị tiêu chảy, cũng là triệu chứng mới của Covid-19.
Dù có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng tất cả bệnh nhân đều bị mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, trong đó, bệnh nhân có nhiều vi khuẩn có hại bị nhiễm trùng nặng hơn. Việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể sẽ kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm, ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục.
 |
Từ trái qua phải: Giáo sư Francis Chan Ka-leung, Giáo sư Ng Siew-chien và Giáo sư Paul Chan Kay-sheung tại buổi công bố kết quả nghiên cứu. |
Sau đó, nhóm tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên 150 bệnh nhân Covid-19 khác với độ tuổi từ 20 đến 70 và 1.500 người khỏe mạnh. Khi hoàn tất tổng hợp và phân tích trên máy tính, nhóm khoa học đã phân lập được 4 chủng lợi khuẩn đường ruột mà bệnh nhân thiếu.
Dựa vào kết quả này, các nhà khoa học đã phát triển một chất bổ sung vi sinh và hy vọng sẽ đưa ra thị trường tiêu thụ trong vòng vài tháng tới. Loại men vi sinh này có khả năng chịu nhiệt và độ ẩm tốt hơn hơn các loại men vi sinh khác, giúp đảm bảo thời hạn sử dụng lâu và đạt hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, Giáo sư Francis Chan Ka-leung, Phó khoa Vi sinh thuộc Đại học Trung Quốc nhấn mạnh, men vi sinh chỉ có chức năng bổ sung chứ không dùng để điều trị Covid-19. Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các bước thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa loại men vi sinh trên vào danh sách thuốc điều trị, góp phần tăng cường miễn dịch, sức đề kháng của cộng đồng trước Covid-19.
MAI HÀ (theo SCMP)