Tham gia kíp phân loại, sàng lọc bệnh nhân, nhiệm vụ hằng ngày của Trung tá, bác sĩ Trương Xuân Quý, Phó chủ nhiệm Khoa Răng-hàm-mặt và các cộng sự là tiếp đón, hướng dẫn tất cả mọi người khi đến khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, viết tờ khai y tế trước khi vào cổng. Với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, tức ngực hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 sẽ được phân luồng, hướng dẫn vào khu vực khám riêng. Làm việc trong môi trường độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên phải “giam mình” trong những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, ngột ngạt, anh Quý gầy hẳn đi. Hiện nay, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của khoa và tham gia kíp phân loại, sàng lọc bệnh nhân, anh còn là thành viên tích cực trong Đội Phẫu thuật cứu chữa cơ bản số 2 của bệnh viện, cả ngày lẫn đêm luôn sẵn sàng tâm thế lên đường cấp cứu bệnh nhân.

Trung tá, bác sĩ Trương Xuân Quý tư vấn, hướng dẫn người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 17.

Vợ anh Quý là Thượng úy QNCN Hà Thị Thu Phương, Y công Khoa Xét nghiệm, tuy không phải “trực chiến” 24/24 giờ như chồng, nhưng công việc cũng vất vả, hiểm nguy chẳng kém. Cả ngày tất bật tham gia xử lý, sát khuẩn, đóng gói mẫu xét nghiệm, tối về chị Phương lại thay chồng chăm lo dạy dỗ các con. Mới học lớp 6 nhưng cháu lớn của vợ chồng anh chị đã biết phụ mẹ nấu cơm, rửa bát, quét nhà và chăm em rất khéo. Thương vợ, mỗi sáng, anh Quý đều dậy sớm, pha vài gói Oresol mang lên Khoa Xét nghiệm nhờ mọi người gửi cho chị Phương. Sự quan tâm, động viên của anh tuy nhỏ, song cũng đủ để chị cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Làm cùng bệnh viện, thường xuyên “chạm mặt” nhưng có lúc anh chị chẳng nhận ra nhau do cả hai đều mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang kín mít.

Đến Khoa Ngoại, chấn thương, chỉnh hình, chúng tôi được nghe mọi người kể rất nhiều về chị Lê Thị Thanh Thảo, nhân viên hộ lý, người luôn tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân. Đang tất bật lau dọn hành lang, thấy chúng tôi hỏi chuyện, chị Thảo cho biết: “Công việc của tôi là lau chùi, quét dọn vệ sinh, cấp phát, thay mới chăn màn, gối chiếu, đưa cơm cho các bệnh nhân trong khoa. Với những bệnh nhân nặng, đi lại khó khăn, đau đớn, biếng ăn, tôi thường quan tâm, chăm sóc, động viên, giúp đỡ rất tận tình nên mọi người ai cũng quý, cũng thương. Tôi làm việc ở đây tuy vất vả, nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với "ông xã" bên Khoa Thận-lọc máu. Bởi từ khi các bệnh viện lớn của TP Đà Nẵng bị phong tỏa, lượng bệnh nhân đến chạy thận, lọc máu tại Bệnh viện Quân y 17 tăng gấp 3 lần, rất căng thẳng và áp lực”.

Y, bác sĩ Khoa Nội tim, thận, khớp tiến hành thăm khám, chăm sóc người bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi khi vừa tan ca trực, Đại úy QNCN Trần Hữu Nhựt, Điều dưỡng trưởng (chồng chị Thảo) cho biết: “Có 50 bệnh nhân đang chạy thận tại đây. Trong đó, nhiều người vừa lọc máu, vừa thở máy nên cùng một lúc chúng tôi phải theo dõi, vận hành rất nhiều trang thiết bị, máy móc. Công việc áp lực, đòi hỏi sự tập trung và chính xác rất cao. Sự quan tâm, động viên kịp thời của hậu phương, gia đình giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Sau một thời gian dài thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, vừa trở lại bệnh viện được ít ngày, Trung tá QNCN Phạm Văn Tuyên, Điều dưỡng viên Khoa Nội thần kinh tiếp tục được cấp trên tin tưởng cử sang tăng cường cho Khoa Cấp cứu ban đầu, nơi mỗi ngày thường tiếp nhận từ 150 đến 200 bệnh nhân nặng đến khám và điều trị. “Chung một chiến hào” trên tuyến đầu chống dịch, vợ anh-Thiếu tá Trần Thị Kim Dung, điều dưỡng viên Khoa Nội tim, thận, khớp, cũng hết lòng chăm sóc, đón tiếp bệnh nhân. Cả ngày vất vả với công việc, tối về, một tay chị lo quán xuyến gia đình, là hậu phương lớn để chồng yên tâm công tác.

Phát huy phẩm chất cao quý của người thầy thuốc Việt Nam “Lương y phải là như từ mẫu”, những cặp đôi “thiên thần áo trắng” của Bệnh viện Quân y 17 vẫn ngày đêm âm thầm lặng lẽ cứu người, chung tay góp sức cùng đồng đội quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Bài và ảnh: TRỌNG KHANG