Số ca mắc liên tục tăng cao

Mặc dù các địa phương vùng Đông Nam Bộ đều công bố đã kiểm soát được dịch nhưng những ngày gần đây, các địa phương đều có số ca mắc liên tục tăng cao. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 7-11 đến 11-11, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 ca mắc Covid-19, ngày 12-11 tăng vọt lên 1.388 ca.

Trước đó từ ngày 1-11 đến 6-11, trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận hơn 900 ca, có ngày giảm còn 682 ca. Số ca mắc tăng cao chủ yếu ở các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh... Tại huyện Cần Giờ, những ngày cuối tháng 10-2021, bình quân mỗi ngày, địa phương này chỉ ghi nhận 5-9 ca, thậm chí có ngày không có ca nào và được đánh giá là cấp độ dịch 1 “vùng xanh”. Cần Giờ đã chủ động cho học sinh một số trường trở lại học trực tiếp. Nhưng từ ngày 5-11 đến nay, số ca mắc tại Cần Giờ đã tăng lên 20 ca/ngày, có khi tăng vọt lên 46 ca/ngày. Từ cấp độ dịch 1 “vùng xanh”, Cần Giờ đã nhảy sang cấp độ 3 “vùng cam”...

leftcenterrightdel
Tụ tập đông người tại chợ Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. 

Giải thích số ca mắc tăng cao, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cho rằng là do địa phương có nhiều công nhân ở nhà trọ phải qua lại làm việc tại các khu công nghiệp ở những quận, huyện giáp ranh nên đã phát sinh nguồn lây trong các khu nhà trọ. Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố nhận định nguyên nhân số ca mắc tăng cao là do không ít người dân chủ quan lơ là không tuân thủ nghiêm biện pháp 5K khi sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới.

Có mặt tại chợ Hóc Môn, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân đi chợ đeo khẩu trang không đúng cách, khẩu trang cũ chen nhau mua bán tấp nập trong khu chợ chật chội, ẩm thấp, nhếch nhác, các sạp hàng bày bán sát nhau, không có dung dịch sát khuẩn.

Bà Lê Thị Bảy, người dân đi chợ thản nhiên nói: “Địa phương đã công bố kiểm soát được dịch và mình đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên sẽ khó bị nhiễm bệnh và nếu có mắc cũng tự khỏi, không phải nhập viện, không bị chuyển nặng...”. Tâm lý chủ quan này không chỉ bà Bảy mà nhiều người dân cũng thế. Đây chính là nguyên nhân chính khiến số các ca mắc tăng cao tại các quận, huyện vùng ven thời gian gần đây.

Thêm vào đó, tại một số đơn vị, địa phương tại cơ sở khi phát sinh chùm ca nhiễm, ổ dịch tại khu phố, xóm, ấp lại chưa thực hiện tốt việc phong tỏa, truy vết, tầm soát, cách ly y tế nên không ít người dân trong ổ dịch vẫn đi lại nhiều. Mặt khác do trước đây một số huyện ngoại thành có số ca mắc thấp; năng lực, lực lượng y tế mỏng, trong khi lực lượng tăng cường, hỗ trợ chống dịch đã rút, số F0 điều trị tại nhà lại tăng cao, khiến triển khai công tác chuyên môn có mặt còn hạn chế…

leftcenterrightdel
Tiêm vắc xin tại tỉnh Bình Thuận. 

Tương tự tại các tỉnh khác vùng Đông Nam Bộ cũng có số ca mắc liên tục tăng cao. Đặc biệt các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh được đánh giá là “vùng xanh”, nhưng những ngày qua, số ca mắc cũng tăng vọt. Tại tỉnh Bình Thuận, TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đã nhảy từ cấp độ 3 “vùng cam” sang cấp độ 4 “vùng đỏ”. Còn tại tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh đã đánh giá cấp độ dịch cấp tỉnh, Bình Phước đang có nguy cơ dịch nhảy sang cấp độ 2 “vùng vàng”. Đối với cấp huyện, có 10/11 huyện, thị xã, thành phố nguy cơ dịch ở cấp độ 2, riêng thị xã Phước Long nguy cơ chuyển sang cấp độ 3 “vùng cam”. Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nguyên nhân gia tăng ca mắc là do việc thực hiện 5K của người dân hạn chế và kiểm soát người về từ vùng dịch của một số cơ sở còn chủ quan.

Linh hoạt biện pháp chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh, diễn biến của dịch trong trạng thái bình thường mới. Tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố đã chỉ đạo cần linh hoạt thực hiện hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, nhanh chóng thực hiện tốt khâu dự báo, đánh giá, phân tích, xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, không để bị động; tập trung củng cố hệ thống y tế, khoanh ổ dịch, xét nghiệm, bóc nguồn lây, phát hiện sớm F0, giám sát, quản lý, điều trị tích cực, ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm số ca nhiễm, ca tử vong xuống mức thấp nhất, kiên quyết không để tăng cấp độ dịch, bùng phát dịch trở lại.

leftcenterrightdel
Bác sĩ tổ y tế lưu động cấp túi thuốc cho F0 tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. 

Theo đó, thành phố kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” và Đội đặc nhiệm kiểm dịch. Khi cần tư vấn, hỗ trợ, bệnh nhân hoặc người thân hãy gọi tổng đài 1022, bấm phím 4. Sở Y tế thành phố đã kích hoạt ngay các đội phản ứng nhanh và khẩn trương bổ sung 33 trạm y tế lưu động, cụ thể: quận 12: 20 trạm; quận Bình Tân: 1 trạm; huyện Bình Chánh: 8 trạm và huyện Hóc Môn: 4 trạm.

leftcenterrightdel
Đội Đặc nhiệm kiểm dịch TP Hồ Chí Minh ra mắt. 

Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, cho biết, Trung tâm y tế Cần Giờ đã cùng các trạm y tế triển khai các tổ y tế lưu động nắm bắt, hỗ trợ, giám sát những gia đình F0, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, chưa được tiêm chủng khi cùng chung sống để xét nghiệm, theo dõi sức khỏe và triển khai tiêm chủng cho người dân, nhất là công nhân, người lao động từ các địa phương khi trở lại thành phố làm việc chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Tại tỉnh Bình Thuận, ngành chức năng thiết lập các tổ, chốt linh hoạt kiểm soát người từ “vùng đỏ” sang các vùng khác, kịp thời nhắc nhở, xử phạt người dân, hàng quán, chợ truyền thống, chợ tự phát không tuân thủ nghiêm quy định 5K, các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với những gia đình không đủ điều kiện điều trị F0 tại nhà, địa phương có phương án tiếp nhận điều trị tập trung.  

leftcenterrightdel
Hội Chữ thập đỏ Bình Phước hỗ trợ các đơn vị chống dịch trên địa bàn. 

Theo ông Ngô Đình Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Phan Thiết, bên cạnh thần tốc xét nghiệm, truy vết, phong tỏa phạm vi phù hợp, ngành y tế đã phối hợp các ban, ngành tham mưu cho UBND thành phố thành lập các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng tại các khu phố, xóm, ấp. Hàng tuần, lực lượng này đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện 5K cho người biết tự bảo vệ mình, gia đình, cộng đồng và kịp thời xử phạt nghiêm những người từ khu phong tỏa, “vùng đỏ” sang các vùng khác, vi phạm quy định phòng, chống dịch; bố trí sắp xếp lại các sạp hàng trong các chợ truyền thống. Địa phương còn lắp đặt hệ thống camera giám sát dịch tại các khu chợ, nơi thường có đông người tụ tập để kịp thời nhắc nhở, vận động, giải tán.

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN - THẾ PHONG