Tỉnh Đồng Tháp là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, có đường biên giới giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50km với 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà. Địa giới tỉnh Đồng Tháp có phía đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía bắc giáp tỉnh Prey Veng của Campuchia và tỉnh Long An. Nếu không kiểm soát tốt các đường biên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Tháp sau đó di chuyển đến các tỉnh, thành phố lân cận là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp, ban ngành và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã và đang thực hiện nghiêm các biệt pháp phòng chống dịch bệnh, gồm: tăng kiểm soát biên giới gồm cả tăng cường lực lượng, tăng các đợt kiểm tra, các chốt chặn (gồm cả đường sông và đường dân sinh, đường mòn lối mở); vận động người dân vùng biên tố giác những trường hợp nhập cảnh trái phép; cách ly chuyên gia, công dân Việt Nam tại các khu cách ly tập trung do tỉnh quản lý và quản lý người sau cách ly 14 ngày; triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn…

Tuy nhiên, công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh đang gặp một số khó khăn, do địa bàn biên giới quá rộng trong khi lực lượng mỏng, khó khăn trong công tác tiếp nhâ%3ḅn, quản lý các đối tượng nhâ%3ḅp cảnh từ nước bạn. Cơ sở vật chất ở một số khu cách ly tập trung của tỉnh chưa đủ điều kiện. Chưa có khách sạn đăng ký cách ly cho đối tượng là chuyên gia, doanh nhân nước ngoài. Công tác triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 do thời gian triển khai ngắn với đối tượng triển khai đa dạng nên các đơn vị y tế gặp khó khăn trong hoạt động thống kê đối tượng, mời đối tượng đến triển khai. Ông Đoàn Tấn Bửu đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc rà soát, thống kê đối tượng và tổ chức tiêm vắc xin Covid-19.

Tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự (khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng, Campuchia), các cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch cho biết, từ sau khi tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, tại cửa khẩu đã dừng công tác xuất cảnh cho người dân trừ các trường hợp xuất cảnh làm nhiệm vụ chống dịch bệnh hoặc chuyên gia xuất cảnh đến Campuchia làm việc. Hiện nay tại cửa khẩu chỉ tiếp nhận giao thương hàng hoá, công tác xuất - nhập khẩu hàng hoá được kiểm soát nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thăm các cán bộ "cắm chốt" tại đường biên giới trên địa bàn huyện Hồng Ngự. 

Đối với công tác quản lý nhập cảnh, theo chỉ đạo, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về cũng được kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân các cán bộ sẽ từ chối làm thủ tục nhập cảnh. Những trường hợp có giấy tờ tuỳ thân sẽ được áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh: đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế, đeo khẩu trang… được cách ly đúng quy định sau khi nhập cảnh.

Đánh giá công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua kiểm tra thực tế, các cấp ban ngành tại Đồng Tháp đã triển khai cơ bản đầy đủ các chỉ đạo biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh tại các nước láng giềng đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng cao mỗi ngày, các biện pháp cần được triển khai tốt hơn nửa. Cụ thể, cần kiểm soát thật chặt biên giới đường sông, đường bộ, đường mòn lối mở, phát hiện thật sớm và kiêm quyết cách ly xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, kịp thời khoanh vùng kiểm soát các nguy cơ không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

“Khí hậu tại Đồng Tháp rất đặc thù, 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cần xây dựng những phương án chống dịch phù hợp với từng mùa để đạt hiệu quả cao nhất. Các phương án chống dịch cần đảm bảo “4 tại chỗ”, sẵn sàng các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 khi trường hợp số ca bệnh tăng lên. Đồng thời, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, tại các cửa khẩu bên cạnh phòng chống dịch bệnh cần đảm bảo giao thương hàng hoá để phát triển kinh tế…”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh cần rà soát, ban hành kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với tình huống có dịch bùng phát trong cộng đồng như chuẩn bị cơ sở cách ly với số lượng lớn, phương án xét nghiệm trên diện rộng, thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng.

Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông để người dân thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là rất quan trọng. “Đồng Tháp cần giữ chặt biên giới, nỗ lực hết sức không để dịch xâm nhập, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt là những đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp “lách” quy định, nhập cảnh trái phép vào địa bàn huyện Hồng Ngự. Tại cửa khẩu, bao gồm cả chốt chặn đường sông và chốt chặn đường dân sinh, thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng “cắm chốt” đã phát hiện trên 40 vụ với khoảng 60 người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn. Để kịp thời chặn nhập cảnh trái phép, lực lượng kiểm soát đường biên đã được tăng cường, hiện nay với 20km đường biên trên địa bàn các lực lượng liên ngành đã triển khai 21 chốt cố định.

Tại một chốt chặn dựng bằng tôn sát với đường dân sinh, cách đất bạn Campuchia không bao xa, 6 cán bộ bộ đội biên phòng được thay ca trực cả ngày lẫn đêm. Quyết tâm không rời chốt trực, các chiến sĩ biên phòng ăn uống, sinh hoạt ngay tại chốt. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên “nhập vai” là một người nhập cảnh trái phép: “Nhân lúc trời tối, tôi vượt qua bờ ruộng để về Việt Nam. Các đồng chí phát hiện được sẽ làm gì?”. Đồng chí Dương Hoàng Anh, người phụ trách chốt cho biết: Lực lượng kiểm soát ngay lập tức giữ người ngập cảnh, kiểm tra thân nhiệt, các giấy tờ cá nhân… trong quá trình đó cán bộ đều mặc trang phục bảo hộ chống dịch. Dù trường hợp có giấy tờ hay không có giấy tờ đều báo cáo đồn trưởng Đồn biên phòng để có biện pháp xử lý.

Ở một chốt chặn khác cách đó khoảng 2km, đồng chí Nguyễn Trần Chí Trung - bộ đội biên phòng huyện Hồng Ngự cho biết, thời gian qua lực lượng đã phát hiện 45 trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý khoảng 25 trường hợp, 1 trường hợp tổ chức môi giới dẫn đường nhập cảnh trái phép bị khởi tố, còn lại là áp dụng biện pháp giữ người giáo dục và trả về nước bạn.

Thêm 4 ca mắc Covid-19 tại Hà Nội, Phú Yên và Đà Nẵng

Tối 22-4, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 đều là trường hợp nhập cảnh đã cách ly ngay tại Hà Nội, Phú Yên và Đà Nẵng.

Bệnh nhân 2.813, nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ngày 17-4, bệnh nhân từ Singapore nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay BL116 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21-4, dương tính với virus ARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Bệnh nhân 2.814, nữ, 56 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Bệnh nhân 2.815, nam, 37 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 21-4, bệnh nhân 2.814-2.815 từ Nga nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VN5062 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 21-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh nhân 2.816, nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Ngày 16-4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Cam Ranh trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Phú Yên. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 22-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Như vậy tính đến nay, Việt Nam hiện có tổng cộng 2.816 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 1.570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.191 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 518 người; ách ly tập trung tại cơ sở khác là 23.688 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 14.985 người.

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

Lào Cai: 398 người tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn

Ngày 22-4, Lào Cai bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19  tại 7/12 điểm tiêm trong toàn tỉnh. Kết thúc buổi sáng tiêm chủng đầu tiên đã có 398 người được tiêm vaccine phòng Covid-19 đảm bảo an toàn.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Lào Cai. 

Theo kế hoạch, Lào Cai sẽ có 12 điểm tiêm, trong đó 3 điểm tiêm ở tuyến tỉnh được đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Sản Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 điểm tiêm còn lại đặt ở các bệnh viện huyện, thị xã, thành phố, cho tổng số 8.000 người được tiêm. Các đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt này là cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, phóng viên báo chí, người làm việc tại khu cách ly và tình nguyện viên chống dịch.

Trước khi triển khai, các đơn vị được giao phụ trách điểm tiêm đã lập kế hoạch triển khai chiến dịch, chuẩn bị chu đáo các điều kiện đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

THÁI SƠN