Tích cực thực hiện giãn cách tại Bệnh viện Đà Nẵng

Từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Dã chiến, nơi có thể thu dung 2.000 bệnh nhân.

Về công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện Đà Nẵng hiện nay, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội Điều trị cho biết, hiện đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm việc trực tuyến với Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Y tế - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng. Ảnh Trần Minh

Báo cáo từ điểm cầu Bệnh viện Đà Nẵng, PGS, TS Trần Như Dương đã đề xuất cách ly tập trung đối với các trường hợp F1. Đồng thời, PGS, TS Dương cũng đề xuất thành lập các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, thành viên là cán bộ tổ dân phố có mối quan hệ tốt trên địa bàn dân cư. Hàng ngày các cán bộ này sẽ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở tuyên truyền các gia đình thực hiện tốt Chỉ thị 16 và hỏi han, quan sát, phát hiện người dân có dấu hiệu gì bất thường để báo cho cơ quan chức năng về y tế quản lý. Các gia đình thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.

Lắng nghe ý kiến của Ban thường trực và các chuyên gia, phát biểu từ điểm cầu Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhất trí kiến nghị của tiểu ban điều trị, đồng thời yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này

Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng yêu cầu phải giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện nhân viên y tế ở đây quá nhiều, phải giảm số lượng nhân viên y tế ở đây, đưa ra ngoài cách ly khách sạn. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng vấn đề này. Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ bố trí xe đưa đón, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây.

"Đặc biệt, các Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực-Chống độc, Hô hấp, Tim mạch là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào đây điều trị nữa, đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải chỉ đạo quyết liệt chuyện này”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa tạo thông khí cho bệnh viện, tránh việc môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng cũng đồng ý với việc Bệnh viện C Đà Nẵng phải xét nghiệm lần 2, sau đó tiếp nhận điều trị nhưng phải phân luồng, phân tuyến rất kỹ. Với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, phải biến đây thành bệnh viện sạch, thu dung điều trị bệnh nhân nặng.

Trung tâm Y tế Hoà Vang (công suất 200 giường), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (công suất 100 giường) sẽ tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Điện Bàn.

Đồng thời, GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, đối với bệnh nhân thận nhân tạo, cần tách bệnh nhân dương tính với virus SARC-CoV-2 ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm, nếu không sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân. Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh, việc Bộ chỉ huy tiền phương dưới sự điều hành chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn toàn quyền quyết định những vấn đề tại khu vực này. Bắt đầu từ ngày mai (2-8), Bộ Y tế sẽ giao ban định kỳ với Giám đốc các Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Buộc cách ly tập trung với tất cả đối tượng F1

Nhất trí hoàn toàn với đề xuất của PGS, TS Trần Như Dương, GS, TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định. Đồng thời triển khai thành lập các Tổ Covid-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.

Theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, hiện có đến 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng nên không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ. Các Tổ này cần được tập huấn để phát huy hiệu quả tại cộng đồng dân cư.

Đối với việc lấy mẫu tại cộng đồng, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị TP Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, quận Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế.

Hiện năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã đáp ứng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày. Theo thống kê có khoảng 11.000 người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong giai đoạn này, do đó các địa phương và chính quyền địa phương phải quản lý các đối tượng này.

Về thẩm định Phòng xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thẩm định xét nghiệm với quan điểm các phòng xét nghiệm có máy PCR và đảm bảo an toàn sinh học là được phép xét nghiệm sàng lọc. “Cần phải huy động tổng lực cho xét nghiệm”, GS, TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Với việc lấy mẫu xét nghiệm ở Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, lấy mẫu thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành bao vây ngay.

Về việc thành lập bệnh viện dã chiến, Quyền Bộ trưởng lưu ý phải kiểm tra rất kỹ, đảm bảo an toàn, phòng vô khuẩn, phòng cách ly…

Lưu ý Đà Nẵng là điểm nóng nhưng không được quên Quảng Nam cũng là nguy cơ cao, quyền Bộ trưởng đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải rà soát, kiểm tra khu vực này. PGS, TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, sẽ cùng các chuyên gia vào Quảng Nam trong ngày mai để cùng trao đổi, bàn thảo về công tác phòng, chống dịch của địa phương này.

Cần thành lập ngay tổ giám sát Covid-19 tại cộng đồng

Chiều 1-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đã có buổi làm với với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng đang dồn toàn lực cho công tác phòng, chống Covid-19, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đang có mặt tại thành phố, chắc chắn Đà Nẵng sẽ chiến thắng đợt dịch này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra việc lắp đặt trang thiết bị tại các cơ sở y tế Đà Nẵng. Ảnh: Tuấn Dũng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hoan nghênh tinh thần và quyết tâm chống dịch của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Thứ trưởng tin tưởng rằng, bằng quyết tâm, sử dụng công cụ mạnh để truy vết, với sự vào cuộc và nỗ lực, chúng ta sẽ thành công.

Hiện nay các lực lượng chi viện của Bộ Y tế bao gồm: Đội Điều tra, giám sát dịch; Đội điều trị; Đội xét nghiệm đang phối hợp tích cực với y tế Đà Nẵng và các lực lượng trên địa bàn để nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị, giúp y tế Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bổ sung ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiêm Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch khuyến cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng, cần siết chặt việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Đồng thời đề nghị TP Đà Nẵng cần thành lập ngay tổ giám sát Covid-19 tại cộng đồng. “Kinh nghiệm của Hà Nội và nhiều địa phương khác là tổ giám sát này có vai trò rất quan trọng. Mỗi tổ chỉ cần 1-2 người địa phương có uy tín trong tổ dân phố, đi từng nhà, động viên, thăm hỏi để biết người dân có ai ốm, ho, sốt… rồi báo ngay cho y tế”, PGS, TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội điều trị cho biết, cần phải tăng cường kiểm soát cách ly, phân loại phát hiện nhanh các ca bệnh. Thông tin từ các bệnh viện cho thấy, xuất hiện nhiều bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 có bệnh lý nền. Do đó, chúng ta cần cảnh giác và quan tâm hơn.

Đồng tình với các ý kiến, đề xuất của Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước đây, Đà Nẵng đã có sẵn các tổ giám sát dịch tại cộng đồng. Đến nay, thành phố đã cho kích hoạt lại tổ giám sát với nhiệm vụ truyền thông, giám sát chặt, phát hiện sớm các ca nghi ngờ. Hiện nay, Đà Nẵng đã yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn phải giám sát chặt chẽ người lao động, thực hiện nghiêm việc giãn cách tại nhà máy, công ty. TP Đà Nẵng đã chuẩn bị cho các phương án, tình huống phải cách ly thêm số lượng người nghi nhiễm lớn hơn.

Huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực tham gia xét nghiệm Covid-19

Ngày 1-8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm. 

Việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22-4 của Bộ Y tế. Các đơn vị có đủ năng lực phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur có trách nhiệm đánh giá, thẩm định. Các đơn vị muốn thực hiện xét nghiệm khẳng định cần liên hệ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận. Các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định thì không cần gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính. 

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý phối hợp với các đơn vị y tế thuộc tuyến Trung ương, các bộ, ngành khác để lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực để tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Thêm 9 địa điểm và hai chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Bộ Y tế vừa có thông báo khẩn số 21 lưu ý các hành khách trên các chuyến bay VJ1379 từ Quảng Nam đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 28-7 và VJ647 từ Đà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 22-7; những người đã đến các địa điểm: Chùa Bảo Thắng, phường Sơn Phong (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 22-7; Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (đường số 5, khu Công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) từ ngày 16 đến 20-7 và từ ngày 24 đến 26-7; Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) từ 8-9 giờ ngày 17-7; Phòng khám của bác sĩ Phi Anh (số 840 Trần Cao Vân, Thanh Khê Đông, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chiều 17-7 và chiều 25-7; chợ Đống Đa (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ngày 20-7; quán Moss Coffee, (140/2 Hải Phòng, Hải Châu, Đà Nẵng) từ ngày 20 đến 22-7; Bệnh viện Phụ sản Nhi (TP Đà Nẵng) từ ngày 21 đến 23-7; nhà hàng Táo đỏ (số 20 Nguyễn Thiện Thuật, Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chiều 22-7; quán Tuyết Mơ (đường Nguyễn Phan Vinh, TP Đà Nẵng) tối 22-7.

 

Bộ Y tế đề nghị những người thuộc diện nói trên liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình theo các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế); 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng); 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam); 0869.577.133 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh) Những người thuộc các trường hợp nêu trên cũng cần khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covi-19: https://www.bluezone.gov.vn.

Đà Nẵng tích cực triển khai lấy mẫu xét nghiệm  

Ngày 1-8, Trung tâm Y tế dự phòng quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tiến hành lấy khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm cho bà con nhân dân sống quanh khu nơi bệnh nhân 416 sinh sống.

Lấy mẫu xét nghiệm cho bà con nhân dân sống quanh khu nơi bệnh nhân 416 sinh sống.

Tại cuộc làm việc tối 31-7 với PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện đã huy động 600 sinh viên y khoa, 100 kỹ thuật viên để triển khai việc lấy mẫu nhanh gọn, hiệu quả, quyết liệt trên toàn thành phố để ngăn chặn tình trạng lây trong cộng đồng. Theo đó, từ ngày 1-8, bình quân mỗi ngày có thể lấy từ 8.000 đến 10.000 mẫu xét nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, công tác lấy mẫu đang diễn ra rất khẩn trương tại nhiều điểm trong thành phố. Việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sớm sẽ khống chế được việc lây lan trong cộng đồng và tạo tâm lý yên tâm cho người dân.

Chiều 1-8 tại điểm lấy mẫu máu xét nghiệm tại khu lấy mẫu Khánh An (phường Khánh Hòa Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), từ đầu đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu, từng chốt chặn của lực lượng chức năng được dựng lên để đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân đến khu lấy mẫu.

Khu vực lấy mẫu được dựng rạp, bố trí khoa học, có không gian rộng, ghế ngồi chờ đến lượt cách nhau 2m theo quy định. Lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng quận Liên Chiểu cho biết, trong ngày 1-8 dự kiến lấy hơn 1.000 mẫu máu để xét nghiệm của người dân 2 tổ 58 và 59, phường Khánh An.

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp xúc với bệnh nhân 517 đều âm tính với SARS-CoV-2

Chiều 1-8, Bệnh viện Chợ Rẫy có thông báo khẩn gửi đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về quá trình bệnh nhân N.T.H. (BN517) khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo Báo cáo, ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện kiểm tra và rà soát lại ngay quá trình tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện, khoanh vùng những nhân viên y tế đã có tiếp xúc với ca bệnh này.

Cụ thể, bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đối với các nhân viên y tế có khả năng tiếp xúc gần với bệnh nhân; tiến hành phun khử khuẩn khu vực nhận bệnh, phòng khám Chuyên khoa Nội Thận và Phòng lấy mẫu xét nghiệm số 20; cung cấp nước súc miệng, khẩu trang N95 cho tất cả nhân viên y tế có khả năng tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Sau khi phối hợp HCDC trích xuất hệ thống camera, bệnh viện tiếp tục phát hiện thêm một số nhân viên có tiếp xúc gần với bệnh nhân (nhân viên Khoa Cấp cứu, thang máy, Công tác xã hội). Ngoài ra, do bệnh nhân lên xuống thang máy, nên có một số nhân viên bệnh viện đã vô ý đi cùng thang máy với bệnh nhân (nhân viên phục vụ Khoa Khám bệnh, bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh).

Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy đã và đang thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho các nhân viên y tế tại các khoa, phòng liên quan có tiếp xúc với bệnh nhân. Đến 10 giờ sáng ngày 1-8, Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm 23/23 nhân viên y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Trước đó, vào ngày 23-7, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, có tiếp nhận bệnh nhân N.T.H, sinh năm 1965 (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi). Bệnh nhân khám BHYT theo giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán: Viêm mô tế bào bàn tay phải, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, hội chứng thận hư.

Vào lúc 7 giờ 10 phút, bệnh nhân (đi cùng thân nhân, giới tính nam) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào cổng cấp cứu và được hộ lý Khoa Cấp cứu hỗ trợ đưa vào phòng sàng lọc bằng băng ca. Sau đó, bệnh nhân được thân nhân đưa bằng xe lăn đến phòng khám với sự hỗ trợ của nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khoảng 9 giờ, bệnh nhân vào phòng khám Chuyên Khoa Nội thận và chỉ thực hiện xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, khoảng 13 giờ 24 phút, bệnh nhân quay lại Phòng Nội thận để bác sĩ kê toa thuốc. Đến 13 giờ 59 phút, thân nhân thực hiện thanh toán viện phí và lãnh thuốc lúc 14 giờ 30 phút. Tất cả nhân viên y tế bệnh viện Chợ Rẫy khi tiếp xúc với bệnh nhân đều mang khẩu trang.

THÁI SƠN (tổng hợp)