Với số lượng F0 tiếp tục tăng mạnh, nhiều tỉnh, thành phố đứng trước nguy cơ quá tải hệ thống điều trị. Một số tỉnh đang có số F0 tăng đột biến như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh... Tại Hà Nội, Sở Y tế cũng dự báo số F0 có thể tăng lên đến 1.000 ca/ngày.

Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương có số ca mắc trong ngày cao. Hiện Hà Nội đã lựa chọn và áp dụng phương án điều trị F0 tại nhà để giảm gánh nặng cho y tế cơ sở. Các biện pháp như cấp túi thuốc, trạm y tế lưu động và quy chế quản lý F0 cũng được Hà Nội lên kế hoạch kỹ lưỡng. Với việc đẩy nhanh tiêm vaccine, Hà Nội cơ bản đã khống chế được dịch bệnh.

leftcenterrightdel

Nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuyển túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh do bệnh viện cung cấp. 

Về khả năng đáp ứng, ngành y tế Hà Nội đã sẵn sàng ứng phó với tình trạng cấp độ 4-cấp độ dịch cao nhất. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cấp cứu 100.000 ca bệnh, phân luồng khoa học không để xảy ra tình trạng quá tải: Bệnh nhân nhẹ điều trị tại nhà, tại cơ sở, thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố đáp ứng khoảng 22.000 giường; quận/huyện 7.000 giường; các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khoảng 8.000 giường. Ngoài ra, Hà Nội cũng bảo đảm 1.000 giường cấp cứu, huy động thêm 1.000 giường từ các bệnh viện Trung ương, bảo đảm trang thiết bị, bình oxy.

Sở Y tế TP Hà Nội đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai đưa mô hình giao thông doanh nghiệp vận tải F0, F1; chuẩn bị 1.200 xe khách chuyển thành xe vận chuyển người bệnh cùng với vận chuyển xe cứu thương, Trung tâm Cấp cứu 115. Để kiểm soát tốt F0 điều trị tại nhà, F1 cách ly tại nhà, Sở Y tế đã giao y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình.

Đến nay, đã rà soát 2,1 triệu hộ gia đình, có hơn 8.000 hộ đủ điều kiện. Hiện Hà Nội cách ly khoảng 21.000 F1 và điều trị 150 F0 tại nhà. 83% bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hà Nội cũng nghiên cứu triển khai tiêm vaccine mũi 3 theo sự điều phối vaccine của Bộ Y tế.

Cùng với Hà Nội, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam gia tăng, trong đó, rất nhiều F0 tại cộng đồng. Việc gia tăng ca mắc khiến cho không ít địa phương phải điều chỉnh cấp độ dịch, mở rộng cơ sở điều trị, thu dung; triển khai cách ly, điều trị và theo dõi F0 tại nhà. Bộ Y tế đã chỉ đạo 14 bệnh viện tuyến Trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các địa phương có số ca mắc tăng cao để hỗ trợ điều trị và triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y, bác sĩ tại chỗ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch, lơ là, chủ quan... khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng. Và đương nhiên, số bệnh nhân nặng và tử vong cũng tăng theo. Do vậy, những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4 để có thể kiểm soát được ca mắc, giảm số ca tử vong trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 128.

Mặc dù số lượng F0 tiếp tục tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, song các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang quá khi các ca mắc tăng cao mỗi ngày. Vấn đề này đã được Chính phủ lường trước khi vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế, vừa phải kiểm soát dịch bệnh.

Việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, có kế hoạch bảo đảm nguồn vaccine, thuốc điều trị, kit xét nghiệm, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch là phương cách hiệu quả đối với phòng, chống dịch để phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới; kể cả bối cảnh xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm và lây lan nhanh hơn trước.

DIỆP CHÂU

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ