Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4, tỉnh Tiền Giang là một trong số những địa phương có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao. Để san sẻ một phần khó khăn với địa phương, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã kích hoạt và đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 với quy mô 300 giường đặt tại Tiểu đoàn 261A, Trung đoàn 2, Sư đoàn 8 (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Nhân lực của bệnh viện gồm 135 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Quân y 121 (Cục Hậu cần, Quân khu 9) và bộ phận phục vụ của Sư đoàn 8. 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Công-chị Phan Thị Huyền Linh (ảnh chụp trước khi tham gia Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6). 

Bắt đầu triển khai từ ngày 14-7, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công cùng đồng đội làm việc liên tục, vừa thiết kế vừa lắp đặt hoàn chỉnh các trang thiết bị, vật tư phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Nói về quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Công chia sẻ: “Mất nhiều thời gian nhất là lúc di chuyển, lắp ráp các giường inox từ Bệnh viện Quân y 120 cho phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, chúng tôi còn khẩn trương hoàn chỉnh các kế hoạch, xây dựng các danh mục thuốc, vật tư, trang bị và cấp phát, cung ứng thuốc hằng ngày”.

Là bác sĩ điều trị, với Đại úy QNCN Phan Thị Huyền Linh, những ngày này là khoảng thời gian vô cùng vất vả nhưng cũng thật đáng trân quý. Mỗi ngày, bác sĩ Huyền Linh trực tiếp thăm khám, lấy mẫu bệnh phẩm với hàng trăm lượt người bệnh tại khu điều trị. Dù công việc áp lực, vất vả nhưng chị luôn tận tâm phục vụ, hết mình chăm sóc người bệnh. Trò chuyện cùng chúng tôi, Huyền Linh chia sẻ: “Tôi luôn xác định, là bác sĩ quân y nên dù công việc có áp lực đến đâu thì bản thân phải nỗ lực khắc phục để vượt qua. Vì vậy, trong quá trình thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm tôi hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, bảo đảm chính xác. Bởi tôi biết, chỉ một chút lơ là, chủ quan dẫn đến kết quả sai lệch, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe bệnh nhân và chính bản thân mình”. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, vợ chồng Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công cùng công tác tại Bệnh viện Quân y 120. Anh Công công tác tại Khoa Dược trang bị, còn chị Linh là bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa-Nội tiết-Huyết học. Gần một tháng nay, hai vợ chồng dù đang cùng thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6, nhưng anh chị hạn chế gặp nhau trực tiếp do đặc thù công việc. Việc riêng tư, gia đình được cả hai tranh thủ trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, hoặc gặp nhau qua mạng Zalo... những lúc có thời gian rảnh. Nói về nhiệm vụ của mình thời điểm này, Đại úy QNCN Phan Thị Huyền Linh chia sẻ: “Cứ cách một ngày, tôi tham gia trực đêm để theo dõi bệnh nhân tại phòng điều hành. Mỗi ca trực đêm kéo dài khoảng 5 tiếng. Thi thoảng vợ chồng mới tranh thủ gọi điện cho nhau, vừa để hỏi thăm về công việc, thông báo tình hình gia đình, vừa trao đổi, chia sẻ những kiến thức chuyên môn về thuốc, hoặc điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tôi mong dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi, xã hội trở lại cuộc sống bình thường, các gia đình sớm được đoàn viên”.

Trung tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Chính trị Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6, nhận xét: “Khi nhận nhiệm vụ, vợ chồng Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công xác định rõ thái độ, trách nhiệm của bản thân và niềm tự hào được tham gia ở tuyến đầu chống dịch. Dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào do tổ chức giao cho, anh Công, chị Linh cũng luôn là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm; được người bệnh đánh giá cao, đồng đội tin tưởng”.  

Những ngày này, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, nhiệm vụ của những chiến sĩ áo trắng càng nặng nề hơn bao giờ hết. Với vợ chồng Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công-Đại úy QNCN Phan Thị Huyền Linh, công việc có áp lực hơn nữa, thời gian gặp nhau có ít hơn nữa, nhưng họ luôn xác định rõ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội và quyết tâm không chùn bước trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 đầy cam go, thử thách.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC