Sự chia lửa từ hậu phương là liều thuốc tinh thần vô cùng quý giá giúp các thầy thuốc áo lính vững tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ cam go nơi tuyến đầu chống dịch.

Hậu phương quan tâm, chia sẻ

Bốn ngày sau khi Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tổ chức lễ xuất quân tăng cường 40 cán bộ, nhân viên giàu nhiệt huyết, năng lực tham gia đội hình của Học viện Quân y vào miền Nam chống dịch, trò chuyện với tôi, Đại tá Trương Ngọc Dương, Chính ủy bệnh viện cho biết: Kể từ khi đoàn vào với đồng bào miền Nam, lãnh đạo, chỉ huy bệnh viện và cán bộ các phòng, khoa, ban luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với trưởng đoàn và các thành viên, bất kể sớm, khuya để chỉ đạo công việc, động viên anh em. Tất cả các thông tin mới về lịch trình, hoạt động của đoàn đều được cập nhật liên tục để từ nhà, những người có trách nhiệm của bệnh viện kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các “chiến binh” nơi tuyến đầu xử trí kịp thời khó khăn, vướng mắc cả về chuyên môn lẫn các thủ tục, sinh hoạt khác. Lãnh đạo, chỉ huy bệnh viện cũng thường xuyên liên hệ, thăm hỏi, động viên gia đình, người thân của cán bộ, nhân viên yên tâm tư tưởng, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc để người lính tuyến đầu vững vàng hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác trước lúc lên đường vào miền Nam chống dịch. Ảnh: CHIẾN VĂN

Nghe chia sẻ của người Chính ủy bệnh viện, tôi cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm mà lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên bác sĩ ở hậu phương gửi cho đồng đội nơi “tiền tuyến”. Sự quan tâm đó là hết sức cần thiết bởi hiện tại, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang giống như một chiến trường thực sự. Trong chiến trường cực kỳ cam go ấy, “kẻ địch” là con Corona giấu mặt không màu, không mùi, không vị nên những người lính không thể nhìn thấy. Trong khi, chỉ cần sơ suất, chủ quan, chúng có thể lặng lẽ tấn công các chiến binh áo trắng bất cứ lúc nào.

Đồng chí Giám đốc và Chính ủy bệnh viện động viên, dặn dò các thành viên đoàn công tác trước lúc lên đường vào nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: CHIẾN VĂN

Trước “kẻ địch” đáng sợ ấy, lại mới hành quân đến tăng cường “tác chiến” trên địa bàn lạ, những người thầy thuốc ấy không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, nhất là khi nhiệm vụ chuyên môn của thành viên trong đoàn hầu hết không liên quan đến bệnh truyền nhiễm… Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, những thầy thuốc xung kích nơi tuyến đầu cần thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về chuyên môn, nghiệp vụ; sự chia sẻ, động viên về tinh thần của các lãnh đạo, chỉ huy, đồng nghiệp bệnh viện và những người thân yêu trong gia đình của mình.

Tuyến đầu vững vàng xông pha

Sau cuộc trò chuyện với anh Dương, tôi liên hệ với Thiếu tá, TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo, Trưởng đoàn công tác của bệnh viện để hỏi thăm, chia sẻ với nỗi vất vả của đoàn. Phải sau nhiều lần nhắn tin, tôi mới nhận được phản hồi. Lúc Tuấn nhắn lại đã gần 12 giờ đêm. Qua dòng tin nhắn vội, anh chia sẻ: “Ngay khi vào địa bàn, thực hiện chỉ đạo của chỉ huy các cấp, đội hình của bệnh viện nhanh chóng chia tổ theo phân công tỏa về các vị trí để làm nhiệm vụ. Công việc chính của các tổ là quản lý và điều trj F0 tại nhà, cấp cứu F0 chuyển nặng, chuyển viện, xác nhận tử vong (nếu có); lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine... Bình thường mỗi ngày một tổ phải xử lý từ 5-7 ca cấp cứu, có ca xuyên đêm. Như hôm nay, sau cả ngày quần quật đưa đội hình vào tận các hẻm để tìm, khám, cấp cứu bệnh nhân, lúc về, dù đã muộn chúng tôi vẫn phải họp trực tuyến cùng nhóm bác sĩ Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh bàn cách kết hợp giữa các đội của 2 hai bên trên địa bàn Quận 8 để hoạt động sao cho hiệu quả nhất”.

Gương mặt tràn đầy quyết tâm của các thành viên đoàn công tác trong lễ xuất quân. Ảnh: CHIẾN VĂN 

Chờ lát sau, khi Tuấn vừa ăn vội suất cơm đã nguội, tôi được anh chia sẻ thêm với giọng đầy lạc quan: “Hiện tại, biên chế Trạm y tế các phường của Quận 8 chúng tôi phụ trách chỉ có 5-6 cán bộ, nhân viên. Khi vào đây, các tổ quân y cơ động của viện tăng cường thêm cho mỗi phường từ 2-4 tổ, với tổng số từ 6 -16 người, cùng với lực lượng dân sự được tăng cường khác sẽ giúp cho các pháo đài chống Covid tại chỗ trở nên mạnh mẽ, sắc bén, bền bỉ hơn”.

 Các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cùng đồng nghiệp đến tận nhà bệnh nhân F0 để khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: NVCC

Trong câu chuyện lúc nửa đêm với Tuấn, tôi được biết, từ khi vào tăng cường cho địa bàn, hiếm khi nào anh ngủ trước 1h sáng. Và hôm sau, khi chưa tỏ mặt người, anh và các đồng đội đã phải dậy để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu căng sức mới. Cường độ làm việc của bác sĩ, điều dưỡng quá lớn, trong khi chế độ dinh dưỡng bổ sung lại khiêm tốn nên cùng với lòng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao độ, những người lính quân y tuyến đầu rất cần “liều thuốc tinh thần” từ hậu phương. “Anh em trong đoàn hầu hết đều tình nguyện lên đường, xác định trước được khó khăn nên tư tưởng vững vàng. Là trưởng đoàn, tôi cũng thường xuyên động viên mọi người cùng đoàn kết, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, thách thức vì đây là lúc bà con cần mình nhất. Đã vào đến tận tuyến đầu thì danh dự không cho phép người lính bỏ cuộc. Nhờ lãnh đạo, chỉ huy bệnh viện và hậu phương gia đình thường xuyên quan tâm hỏi thăm, động viên nên mọi người có thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”- Thiếu tá, TS Hoàng Thanh Tuấn tâm sự.

 Trưởng đoàn Hoàng Thanh Tuấn và đồng đội chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc cật lực mới, với quyết tâm "Hết mình vì nhân dân phục vụ". Ảnh: NVCC

Anh Tuấn phấn khởi kể thêm, có những trường hợp như Thiếu tá, BS Trần Thanh Tuấn, công tác tại Khoa Gây mê, khi khoác ba lô lên đường vào Nam chống dịch cũng là lúc vợ gần tới ngày sinh em bé thứ hai. Vào đến nơi, khi anh cùng đồng đội vừa sắp xếp, ổn định chỗ ở xong thì hôm sau, cô con gái chào đời. Lần vợ sinh cháu bé đầu tiên, Tuấn bận rộn công việc, chủ yếu phải nhờ bà nội, bà ngoại thay phiên phụ giúp chăm sóc. Lần này, anh định sẽ dành nhiều thời gian cho vợ hơn nhưng cuối cùng đành thất hứa vì tiếng gọi thiêng liêng từ đồng bào miền Nam đang giục giã. Hiểu được công việc của chồng nên vợ anh, chị Trần Thị Kim Ngân không hờn trách, chỉ động viên chồng giữ gìn sức khỏe, an toàn bản thân và sớm cùng đồng đội chiến thắng trở về…

“Sợi dây kết nối giữa tuyến đầu với hậu phương càng bền chặt sẽ càng giúp chúng tôi có thêm động lực, như được truyền thêm sức mạnh để vượt qua mọi cam go, nguy hiểm, chung tay cùng các lực lượng quyết tâm khống chế thành công dịch Covid-19 trên địa bàn”, Thiếu tá, TS Hoàng Thanh Tuấn nhắn nhanh cho tôi dòng chữ đầy cảm xúc ấy rồi chào tạm biệt đi ngủ. Lúc ấy đã hơn 1 giờ sáng. Và chỉ vài tiếng sau, anh sẽ cùng đồng đội lại vùng dậy, tiếp tục khoác lên mình bộ bảo hộ kín mít để rà từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận, chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho những bà con trên địa bàn đang bị “kẻ địch” Covid-19 bủa vây.

VĂN CHIỂN