Xác định số lượng công dân về cách ly lần này có thể sẽ gia tăng đột biến, từ cuối tháng 7, Ban CHQS huyện Tuy Đức (Đắc Nông) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư mở rộng các khu cách ly đặt tại trường chính trị và trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, chỉ trong một ngày một đêm, 7 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân đã lắp đặt thêm được 30 chiếc giường sắt hai tầng, đồng thời tiến hành cải tạo, tổng dọn vệ sinh, nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hệ thống phòng nghỉ, điện, nước, công trình phụ, sẵn sàng tiếp nhận công dân đến cách ly. Rạng sáng 1-8, khi về đến trạm kiểm soát Cai Chanh (giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Nông và Bình Phước), gần 200 công dân cư trú tại huyện Tuy Đức được lực lượng chức năng địa phương ân cần tiếp đón, phục vụ đồ ăn nhanh, hướng dẫn khai báo y tế, dùng xe ca chở về các khu cách ly tập trung.

Lực lượng vũ trang huyện Tuy Đức làm giường sắt phục vụ công dân về cách ly y tế tập trung. 

Suốt mấy ngày nay, mặc mưa dầm ẩm ướt và cái lạnh vùng biên, đêm nào tổ hậu cần do Trung tá QNCN Đinh Văn Lê, nhân viên quân khí Ban CHQS huyện phụ trách cũng phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để bảo đảm cơm ngon, canh ngọt phục vụ bà con. Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các anh, 10 nữ giáo viên Trường Mầm non Hoa Pơ Lang đứng chân trên địa bàn đã xung phong đảm nhận việc nấu cơm để các anh tập trung chế biến đồ ăn, thức uống. Mỗi ngày 3 bữa, hình ảnh chiếc xe quân đội biển đỏ chở theo những suất cơm chan chứa nghĩa tình đã trở nên quen thuộc với những người dân trong các khu cách ly y tế tập trung.

Thượng tá Nguyễn Tiến An, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tuy Đức cho biết: “Tuy Đức là huyện vùng biên, kinh tế-xã hội chưa phát triển nên hiện tại, chính quyền địa phương chỉ có thể miễn phí tiền ăn cho các công dân cách ly thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, còn các đối tượng khác vẫn phải nộp tiền theo quy định. Trước thực tế đó, vừa qua, các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bà con trong vùng đã chung tay ủng hộ bếp ăn của Ban CHQS huyện hàng chục triệu đồng, cùng rất nhiều rau, củ, quả, thịt cá, sữa để chia sẻ phần nào gánh nặng kinh tế với bà con trong khu cách ly”.

Chiến sĩ dân quân huyện Ea H'leo kiểm tra thân nhiệt công dân trong khu cách ly. 

Từ TP Hồ Chí Minh vượt hành trình dài gần 350 cây số bằng xe gắn máy, rạng sáng 2-8, 4 thành viên trong gia đình anh Huỳnh Văn Tân (33 tuổi, trú tại thôn 3, xã Ea Khal, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắc Lắc) cùng hàng trăm công dân khác mới về đến cầu 14 (giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông). Trời mưa tầm tã, quần áo ướt mèm, ai cũng mệt và buồn ngủ, song nghĩ đến chặng đường dài gần 100 cây số nữa mới về đến nhà, họ lại động viên nhau cùng cố gắng. Đang ăn tạm ổ bánh mì, Tân ngỡ ngàng nghe tiếng loa phóng thanh đặt tại chốt kiểm soát thông báo: “Kính thưa bà con, công dân của huyện Ea H'leo, chúng tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương cử đến đây để đón bà con. Mời bà con lên xe giường nằm nghỉ ngơi, thư giãn và ăn khuya. Toàn bộ hành lý, tư trang, xe máy của bà con, chúng tôi sẽ khử khuẩn và đưa về sau bằng xe tải. Bà con cứ yên tâm”.

Theo Trung tá Lê Đức Thiện, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ea H'leo, chiều 1-8, gần 20 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân được lệnh tham gia đoàn công tác của huyện vượt đường xa đi đón bà con. Cả đêm dầm mưa bốc xếp hàng hóa, tư trang, nguy cơ lây nhiễm luôn tiềm ẩn, song các lực lượng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ người dân. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị đã thực hiện lệnh cấm trại, tập trung tối đa quân số cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chăm sóc, phục vụ công dân cách ly và tuần tra, chốt chặn, kiểm soát phòng, chống dịch.

Đêm muộn, từ vị trí chốt chặn trở về đơn vị, bụng đói cồn cào, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo và các chiến sĩ rủ nhau nấu nước, pha mì tôm ăn tạm. Gần hai tháng nay, mì tôm là món ăn khuya quen thuộc của các anh. Mở tủ lạnh khoe với chúng tôi đủ thứ đồ ăn, thức uống cất trong hộp nhựa, xếp đặt khá gọn gàng, anh Hiếu chia sẻ: “Xác định chống dịch là nhiệm vụ lâu dài, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện luôn quan tâm, bảo đảm chu đáo đời sống mọi mặt cho các cán bộ, chiến sĩ, song đôi khi vì công việc, chúng tôi chẳng có thời gian ngồi ăn một bữa cơm ngon cho trọn vẹn. Sáng mai, các chiến sĩ sẽ vào khu cách ly đổi trực để anh em trong đó được nghỉ ngơi, tắm giặt”.

Chiều 3-8, chia tay những người dân trong khu cách ly y tế tập trung, tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ và tâm sự chân tình của vợ chồng anh Tân: “Với những người con xa xứ, được trở về trong vòng tay yêu thương của quê hương, nơi dịch bệnh, lo âu đã nằm sau cánh cửa, thực sự chẳng có hạnh phúc nào bằng”.  

Bài và ảnh: AN KHANG