“Khóa chặt", "đông cứng” những vùng có ca nhiễm cao
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương nói rằng: “Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương tăng cao; ngày 20-8 vượt cả TP Hồ Chí Minh với 4.223 ca. Đây là kết quả của việc xét nghiệm mở rộng, nhưng cũng cho thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn rất phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh chủ trương siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) tại một số nơi”.
Hiện nay, trên địa bàn TP Thuận An và thị xã Tân Uyên có rất nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Nhiều phường ở hai địa phương này được coi là những “vùng đỏ đậm đặc”. Vì thế, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất “khóa chặt", "đông cứng” 11 phường của hai địa bàn trên từ 0 giờ ngày 22-8 đến 6-9. Cụ thể là các phường: Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa của TP Thuận An và các phường: Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp của thị xã Tân Uyên. Người dân của 11 phường nói trên không được ra khỏi nhà, kể cả việc mua lương thực, thực phẩm. Trong 15 ngày, ngành y tế sẽ tiến hành xét nghiệm nhiều lần cho người dân để truy tìm và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, bảo đảm duy trì các trạm y tế cố định, các cơ sở khám, chữa bệnh, thành lập trạm y tế lưu động cùng với các tổ phản ứng nhanh nhằm đưa các điều kiện chăm sóc y tế đến gần người dân nhất. Đây là những biện pháp mạnh để đánh tan các "vùng đỏ".
 |
Bộ đội Ban CHQS TP Thuận An phân chia hàng hóa để chuyển đến nhà dân. |
Ngày 21-8, tại TP Thuận An và thị xã Tân Uyên đã ra mắt các trạm y tế lưu động. Đây là sự kết hợp giữa 3 lực lượng: Y tế, công an và quân đội. Trạm y tế lưu động sẽ kịp thời ứng cứu, cấp cứu tại chỗ và ứng cứu di chuyển những trường hợp mắc Covid-19 nặng, nguy kịch đến cơ sở cách ly điều trị Covid-19. Trạm này cũng chủ động liên lạc với người mắc Covid-19 bằng mọi hình thức, phát tờ rơi và hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người bệnh một cách tận tình, chu đáo. Khi cần thiết, các y sĩ, bác sĩ sẽ chuyển lên tuyến trên trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Việc tổ chức các trạm y tế lưu động để PCD có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. Hy vọng sẽ giúp các địa phương thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, tiến tới dập tắt dịch Covid-19 trên địa bàn”.
Đối với các huyện: Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo hay Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương chủ trương bảo vệ an toàn những vùng chưa hoặc có rất ít ca nhiễm (vùng xanh). Các biện pháp PCD ở đây được thực hiện nghiêm ngặt với quy định 5K, cách ly chặt chẽ với "vùng đỏ", xét nghiệm kịp thời các trường hợp nghi nhiễm...
Tăng cường xét nghiệm, hạn chế tử vong
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện quyết tâm "bảo vệ vùng xanh, đánh tan vùng đỏ”. Tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm nhằm phát hiện người mắc Covid-19. Phương pháp xét nghiệm là gộp số khu cách ly nhỏ, đang thu dung ít lại để tăng cường nhân lực dồn cho những nơi nguy cơ cao; tăng cường xét nghiệm ở những “vùng đỏ đậm đặc”.
Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã thiết lập thêm một bệnh viện hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Quốc tế Becamex Thuận An với năng lực điều trị là 337 giường hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bệnh viện này là sự hỗ trợ tích cực của Tổng công ty Becamex IDC và lực lượng y tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hiện nay, nơi đây đang được lắp đặt thêm trang thiết bị y tế để tăng năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, công tác PCD của Bình Dương đang đi đúng hướng. Ông Hiếu cho rằng: Với 3 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế Becamex Thuận An và Bệnh viện Lao-Bệnh phổi, địa phương sẽ có đủ điều kiện để cứu chữa bệnh nhân nặng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tỉnh Bình Dương đã cung cấp đủ oxy y tế cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là những nơi điều trị cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Khi được điều trị sớm, điều trị tích cực, các bệnh nhân nhẹ sẽ không chuyển biến nặng. Vừa qua, có ngày, số bệnh nhân được xuất viện ở Bình Dương là gần 5.000 người, điều này chứng tỏ hiệu quả điều trị là khá tốt.
Hiện tỉnh Bình Dương đang cố gắng hạn chế thấp nhất số bệnh nhân tử vong và coi đây là ưu tiên hàng đầu, địa phương nào PCD không nghiêm túc sẽ xử lý kỷ luật lãnh đạo địa phương đó. Ngày 23-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã có cuộc họp, xem xét, kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến công tác PCD trên địa bàn thị xã Tân Uyên. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thay thế Giám đốc Trung tâm Y tế và khiển trách Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên do lơ là trong công tác PCD.
Chăm lo tốt đời sống nhân dân
Cùng với việc tăng cường công tác PCD, tỉnh Bình Dương tập trung chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con ở những nơi cách ly, phong tỏa, người lao động nghèo. Từ ngày 21-8 đến nay, tỉnh đang khẩn trương cấp hơn 8.300 tấn gạo cho 11 phường “vùng đỏ đậm đặc” ở TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. Các hộ dân nơi đây còn được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày. Sở Công Thương tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương này để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho bà con nơi “khóa chặt", "đông cứng”. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh sẽ tăng cường công tác hỗ trợ bà con nghèo về lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu.
Trong thời gian này, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương không chỉ tổ chức các khu cách ly, thu dung ở gần hai địa phương là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên mà còn phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm điều phối, hỗ trợ tiền ăn, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho người dân. Bộ đội sẽ tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ, sau đó phân loại, đóng gói và vận chuyển đến từng nhà dân trong “vùng đỏ”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Văn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS TP Thuận An cho biết: “Chấp hành chỉ đạo của trên, chúng tôi đã tổ chức tiếp nhận lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho 387 hộ dân ở 4 phường "vùng đỏ đậm đặc". Bộ đội sẽ dùng mọi phương tiện để đưa hàng hóa đến tận nhà cho người dân”. Ngày 24-8, Ban CHQS TP Thuận An đã tiếp nhận nhiều tấn gạo, cùng các loại rau, củ, quả. Sau khi phân loại, đóng gói, các chiến sĩ đã lên đường hỗ trợ người dân ngay trong buổi chiều. Với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, sự góp sức tích cực của quân đội, công an, đời sống của bà con sẽ bớt khó khăn hơn; người dân cũng yên tâm "ai ở đâu ở đó", cùng địa phương PCD hiệu quả, tiến tới khống chế và dập tắt dịch bệnh.
Bài và ảnh: PHI HÙNG - THANH LIÊM
-----------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP