Những phần cơm nghĩa tình

Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày, cán bộ, nhân viên nuôi quân của Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc) phải bảo đảm gần 2.000 suất cơm phục vụ người dân và các lực lượng chức năng trong những khu cách ly y tế tập trung. Đại úy QNCN Vũ Thị Thủy, nhân viên hậu cần cho biết: “Bà con thường không quen ăn cơm sáng như bộ đội nên bữa sáng chúng tôi thường nấu bún giò, mì Quảng, cháo gà, bánh mỳ kẹp thịt. Ai muốn ăn món gì thì đăng ký trước với chỉ huy khu cách ly để tổng hợp, gửi thông tin về cho chúng tôi. Bữa trưa, bữa tối, nhà bếp sẽ pha chế, nấu nướng theo thực đơn do Phòng Hậu cần xây dựng”.

Thượng úy QNCN Đào Đức Học, nhân viên hậu cần từ Ban CHQS huyện Cư M'gar lên tăng cường cho bếp ăn chia sẻ: “Việc cùng lúc phục vụ nhiều đối tượng, như: Người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý, bệnh nền... với khẩu vị, định lượng ăn khác nhau tuy khá căng thẳng, áp lực, song cũng giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết và quý báu. Cơm ngon không phải do nhiều tiền, vẫn tiêu chuẩn ấy cộng thêm nhiệt tình, trong mỗi hộp cơm chúng tôi đều gửi gắm tình cảm, niềm tin yêu của mình dành cho các lực lượng ở tuyến đầu và bà con”.

 Chiến sĩ phục vụ đưa cơm đến tận cửa phòng cho công dân trong khu cách ly.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của công việc, Thượng úy QNCN Trần Thị Ái Vy, nhân viên hậu cần cho biết: “Gần nửa năm nay, chúng tôi chẳng biết thứ bảy, chủ nhật là gì, bởi công việc ngày nào cũng bận. Nhiều đêm đang say giấc, nghe chuông báo thức, thấy ngoài trời đổ mưa, lạnh căm căm, chỉ muốn kéo chăn lên ngủ thêm một lúc, song nào có được. Có hôm xong việc thì đã nửa đêm, gọi điện về cho con thì chúng đã ngủ cả rồi, nhớ quá lại lôi ảnh cũ trong điện thoại ra xem...”.

Mái nhà chung ấm áp, sẻ chia

Cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ tiện nghi, lực lượng phục vụ chu đáo, tận tình, tâm lý, từ khi kích hoạt đến nay, khu cách ly y tế tập trung đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Trường Đại học Tây Nguyên) như mái nhà chung ấm áp, chở che, bảo vệ nhân dân giữa đại dịch. Rạng sáng 15-8, từ Đồng Nai trở về Đắc Lắc, mẹ con chị Lê Thị Tân (30 tuổi, trú tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar) rất bất ngờ, cảm động khi nghe cán bộ, nhân viên phụ trách khu cách ly thông báo do có con nhỏ, mẹ con chị và một người phụ nữ khác ở cùng huyện được ưu tiên, bố trí ở chung trong một căn phòng rộng, nằm ở tầng trệt, có cửa sổ hướng ra vườn cây. Nhìn tờ giấy nhỏ in sẵn số điện thoại đường dây nóng, các quy định hướng dẫn, danh mục vật chất, nhu yếu phẩm được cấp phát miễn phí và chăn, màn, chiếu, gối được bộ đội xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp ở từng giường, chị Tân cảm thấy rất ấm lòng.

 Quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp được bộ đội cấp phát kịp thời đến tay người dân.

Bị mắc kẹt ở Bình Dương đã mấy tháng nay, khi biết tin cấp ủy, chính quyền địa phương cho xe xuống tận nơi đón về, Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) rất vui và cảm động. Trong khu cách ly, chứng kiến tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng quân sự, công an, dân quân, y tế, tuy bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn, song chị Hà và mọi người vẫn chú ý nhắc nhau ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, giữ vệ sinh chung, tự giác chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, để sau mỗi ca trực, các "chiến sĩ" áo xanh, áo trắng có thể nghỉ ngơi đôi chút.

Đại tá Nguyễn Văn Mười, Phó giám đốc trung tâm, Chỉ huy trưởng khu cách ly cho biết: “Tuy mới đi vào hoạt động, song qua xét nghiệm, ở đây đã có 23 trường hợp dương tính. Nguy cơ lây nhiễm rất cao. Như những chuyên gia tâm lý, mỗi lần có người dương tính, chúng tôi đều gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, xốc lại tinh thần để họ yên tâm chuyển đi điều trị. Những hôm tiếp đón công dân, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho bà con, toàn bộ lực lượng lại tập trung bốc xếp hành lý, tư trang, xe máy cá nhân của mọi người từ trên xe tải xuống, khử khuẩn, phân loại, đưa về nơi tập kết. Ngày bà con hoàn thành thời gian cách ly, toàn bộ chăn, màn, gối, chiếu, vật chất dùng chung lại được các anh khử khuẩn, giặt giũ, phơi khô, xếp sẵn ở các phòng. Xác định “chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, dẫu vất vả, hiểm nguy, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng, hăng hái. Nửa đêm gà gáy, bà con cần hỗ trợ, chúng tôi đều kịp thời có mặt”.

Cơn mưa chiều xối xả như xua đi cảm giác oi nóng, ngột ngạt trong khu cách ly. Tiếp xúc với các “chiến binh” và bà con trên tuyến đầu chống dịch, chúng tôi luôn đọc được trong mắt họ tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG