Với tinh thần vì nhân dân phục vụ và quyết tâm góp phần chiến thắng đại dịch, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế do lực lượng quân y Quân khu 7 chủ trì đã làm chủ công việc ngay từ ngày đầu, tuần đầu, dành cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất...

Lan tỏa tinh thần vì nhân dân phục vụ

Vào ca trực, Thiếu tá, bác sĩ Lê Thanh Sơn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 BQP lại cùng nhân viên y tế kiểm tra cụ thể từng hồ sơ bệnh án, dự trù thuốc, tình huống và khởi động các máy móc, thiết bị bảo đảm hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ. Theo bác sĩ Sơn, đây là những kinh nghiệm được anh và đồng nghiệp đúc rút từ nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng. Mỗi ca bệnh đều được các anh, các chị ghi chép, theo dõi thường xuyên, liên tục, cẩn thận.

Ngày 14-7, bệnh nhân Đ.N.Y, 63 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh nhập viện. 6 giờ ngày 20-7, bệnh nhân vẫn dậy vệ sinh cá nhân, ăn uống bình thường, thế nhưng chỉ một giờ sau, bệnh nhân đột ngột khó thở, có biểu hiện suy hô hấp. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Lê Thanh Sơn triển khai ngay ê kíp cấp cứu. Bệnh nhân bị tụt huyết áp rất nhanh, chỉ còn 40/80. Bác sĩ Sơn cho bệnh nhân uống thuốc vận mạch, kháng viêm và đặt nội khí quản thở máy, hồi sức tích cực. Theo dõi chăm sóc chu đáo, sau hơn hai giờ hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, SpO2 đạt hơn 58%, huyết áp 70/120. Bệnh nhân ổn định trở lại, được chuyển lên tuyến trên an toàn.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Cùng thời điểm đó, bệnh nhân H.T.G, 49 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, có biểu hiện mệt, khó thở, bệnh chuyển nặng đột ngột. Bệnh nhân được chuyển ngay lên Khoa Hồi sức cấp cứu và cũng như nhiều trường hợp khác, các bác sĩ, nhân viên y tế đã cấp cứu, điều trị thành công.

Bác sĩ Lê Thanh Sơn cho biết: "Những bệnh nhân Covid-19 như trên nếu không được phát hiện kịp thời, hồi sức cấp cứu tích cực, bệnh sẽ diễn biến nặng dẫn đến nguy kịch trong thời gian rất ngắn, nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, các bác sĩ, nhân viên y tế phải luân phiên túc trực, kiểm tra, theo dõi sát diễn biến từng người bệnh, nhất là các biểu hiện về thiếu oxy, suy hô hấp. Khi thực hiện hồi sức cấp cứu, mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng, tập trung cao độ, "chạy đua" với thời gian từng giây để cứu bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân suy hô hấp cấp, thời gian dành cho các bác sĩ nhiều khi chỉ tính bằng tích tắc. Và đó là khoảng thời gian "vàng" quyết định sự sống chết của người bệnh".

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhân Covid-19 là một cháu bé 4 tuổi và một cháu 11 tuổi. Các cháu nhập viện nhưng không có người thân đi cùng và cũng không có vật chất, thực phẩm, sữa mang theo. Khi xuống khỏi xe cứu thương, hai cháu sụt sùi, mếu máo khóc. Đại úy QNCN, điều dưỡng viên Lý Thị Lan Hương, Khoa Khám bệnh và các đồng nghiệp phải vỗ về, an ủi hai cháu. Được chăm sóc ân cần, hai cháu ngoan ngoãn theo các cô vào bệnh viện.

Trong những ngày qua, các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 BQP đã nhường sữa, thức ăn cho bệnh nhân là trẻ em, người già, người neo đơn, lan tỏa nét đẹp vì nhân dân phục vụ của đội ngũ thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ. Hiện bệnh viện có nhiều bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn, được các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo. Bệnh nhân L.T.K.T, 45 tuổi, sức khỏe yếu, không thể đi lại, được các nhân viên y tế chăm sóc, phục vụ mọi sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân L.T.S, 65 tuổi, bị liệt bẩm sinh hai chân, mọi sinh hoạt cũng đều do các thầy thuốc quân y chăm sóc. Ông S tâm sự: "Lúc được đưa vào bệnh viện, tôi rất lo lắng, hoang mang. Nhưng giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi được chăm sóc, phục vụ rất chu đáo. Tôi mang ơn các thầy thuốc quân đội nhiều lắm!".

Gác việc riêng lên đường chống dịch

Thượng tá, bác sĩ Phạm Hồng Hà, Giám đốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 BQP cho biết: "Đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện được điều động, bổ sung từ các bệnh viện, đơn vị y tế thuộc Quân khu 7 và một số đơn vị phía Nam. Dù đến từ nhiều đơn vị, mỗi người một hoàn cảnh, song tất cả đều bắt nhịp với nhiệm vụ một cách nhanh chóng trên tinh thần đoàn kết, thống nhất cao. Đây là lợi thế đặc thù của đội ngũ cán bộ quân y. Anh chị em đều gác việc riêng để tình nguyện lên đường vào tâm dịch đánh “giặc Covid-19” với quyết tâm sớm chiến thắng dịch bệnh". 

Một trong những tấm gương sáng của bệnh viện là Trung úy, bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hảo, đến từ Bệnh viện Quân y 7B (Quân khu 7). Bác sĩ Hảo vừa mới kết hôn nhưng đã gác lại hạnh phúc riêng tư, xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Chồng chị Hảo là anh Dương Thanh Tùng, cũng là đồng nghiệp của vợ, đã động viên, khích lệ và trực tiếp chuẩn bị quân tư trang, nhu yếu phẩm để chị lên đường làm nhiệm vụ. Đại úy QNCN Lý Thị Lan Hương, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 7B, có chồng bị bệnh, hoàn cảnh khó khăn nhưng vì nhiệm vụ cũng tình nguyện lên đường chống dịch. Trước ngày lên đường, chị được chồng động viên rằng mình tuy có khó khăn nhưng nhiều bệnh nhân, đồng bào đang khó khăn hơn, cần đến sự giúp đỡ của thầy thuốc nên cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ của Thiếu tá, bác sĩ Lê Thanh Sơn tâm sự: Thấu hiểu đặc thù công việc của chồng đang điều trị bệnh nhân Covid-19 vô cùng bận rộn, vất vả nên khi hai con nhỏ của chị ngày nào cũng hỏi bao giờ bố về, chị Duyên khéo léo vỗ về động viên hai con: "Bố là bác sĩ đi đánh “giặc Covid-19”. Vì thế, khi nào hết “giặc” thì bố mới về".      

Bài, ảnh: DUY HIỂN - HÀ LAN