* Bộ Quốc phòng triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B tại tỉnh Bình Dương

QĐND - Tính đến ngày 21-7, tỉnh Bình Dương có 4.689 ca Covid-19, chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch lần này. Quyết tâm cùng hệ thống chính trị và nhân dân đẩy lùi dịch Covid-19, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Dương đang dồn toàn lực, triển khai toàn diện, hiệu quả những nhiệm vụ được giao.

Những cán bộ “kiêm nhiệm”

12 giờ, và vội bát cơm, Trung tá Nguyễn Đức Trí, Chính trị viên phó Ban CHQS TP Thuận An (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương) lại lên xe đi kiểm tra các chốt phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 và các địa điểm cách ly. Trên đường đi, anh kể: "TP Thuận An đang là tâm dịch của tỉnh Bình Dương, nên phần lớn cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS thành phố được huy động thực hiện nhiệm vụ quản lý các khu cách ly tập trung và phối hợp với các lực lượng kiểm soát tại những khu vực trọng điểm. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đều phải kiêm nhiệm thực hiện tất cả mọi việc thường ngày vốn là nhiệm vụ của trợ lý, nhân viên, chiến sĩ. Cơ quan Ban CHQS thành phố cả ngày vắng hoe, chỉ xôm tụ ít phút ban trưa, khi các đầu mối ào về ăn cơm và tranh thủ báo cáo tình hình PCD".

Dừng lại tại chốt PCD cầu Phú Long, địa điểm giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, anh Trí vào kiểm tra. Đây là chốt PCD quan trọng bậc nhất của tỉnh Bình Dương nên các lực lượng của quân đội, công an, dân quân, y tế, thanh tra giao thông... tham gia đầy đủ. Dù trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng phương tiện giao thông qua chốt cầu Phú Long vẫn khá đông, đặc biệt vào buổi sáng, khi các công nhân, cán bộ, công chức đi làm. Vì thế, lực lượng trực chốt phải căng sức bảo đảm giao thông, không để ùn tắc kéo dài. Đại úy Nguyễn Văn Hòa, trợ lý binh chủng, Ban CHQS TP Thuận An, cho biết: “Chốt trực đã thành lập được gần một tháng. Cán bộ, chiến sĩ ở đây trực 24/24 giờ. Do lực lượng mỏng nên anh em phải “quay ca” liên tục; thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng rất lớn sức khỏe, lại phải tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ tại chốt cầu Phú Long đều quyết tâm thực hiện thật tốt công tác PCD, vì sự an toàn của nhân dân”.

Bộ CHQS tỉnh Bình Dương tổ chức phun khử khuẩn tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B. 

Rời chốt PCD cầu Phú Long, chúng tôi tới điểm cách ly tại Trường THCS Nguyễn Trung Trực, phường Hưng Định. Thiếu tá Dương Chí Nguyễn, trợ lý chính trị, Ban CHQS TP Thuận An, phụ trách điểm cách ly, đã gần hai tháng nay chưa về nhà. Lúc cao điểm, nơi đây tập trung hơn 200 ca F1; trong quá trình cách ly đã phát hiện 28 ca chuyển thành F0. Dù vất vả và nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, nhưng anh Nguyễn khẳng định: “Quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, anh em chúng tôi luôn hết tâm, hết sức thực hiện tốt nhất công việc được giao với mong muốn thành phố mau hết dịch, nhân dân sớm được trở lại với nhịp sống thường ngày”.

Tới TP Thủ Dầu Một cũng là một điểm nóng về dịch Covid-19 ở tỉnh Bình Dương, chúng tôi vào điểm cách ly Trường Tiểu học Phú Lợi 2. Theo cán bộ phụ trách khu cách ly-Đại úy Nguyễn Quang Hiệp, trợ lý dân quân, Ban CHQS TP Thủ Dầu Một, nơi đây đã hoàn thành cách ly cho 372 người/507 người; số ca F1 chuyển thành F0 là 27. Hiện tại, điểm cách ly này đang có một số ca F0 không có triệu chứng. Ban đầu vào cách ly, công dân rất hoang mang, lo lắng nên khung cách ly phải động viên, lực lượng y tế nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, những ca F0 lập tức được cách ly riêng. Lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm cách ly luôn cố gắng phục vụ các công dân cách ly chu đáo nhất trong điều kiện có thể. Chiến sĩ dân quân Nguyễn Huỳnh Thái Trân (Ban CHQS phường Phú Tân) kể: “Tôi vào đây làm nhiệm vụ đã gần một tháng, chủ yếu phục vụ cơm nước và những đồ dùng thiết yếu cho người cách ly. Bà con chấp hành rất tốt các quy định và hài lòng với chất lượng phục vụ”.

Mặc bộ quần áo bảo hộ phòng dịch vào gặp các công dân cách ly tìm hiểu, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Tố Linh (thường trú tại thị trấn Thuận An, đã xét nghiệm 3 lần âm tính và chuẩn bị hoàn thành cách ly) cho biết: “Ban đầu vào đây, tôi cũng hơi lo lắng. Nhưng được sự chăm sóc tận tình của các anh bộ đội, dân quân, tôi dần ổn định tâm lý. Bây giờ, tôi thấy ở đây cũng giống như ở ngoài thôi. Đồ ăn rất ngon, mỗi ngày hai buổi sáng, chiều chúng tôi đều có người tới đo nhiệt độ và hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mọi người trong khu cách ly đều yên tâm, thực hiện đầy đủ các quy định để bảo đảm công tác PCD”.

Kiểm tra thân nhiệt cho công dân trong khu cách ly do Ban CHQS TP Thủ Dầu Một (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương) phụ trách. 

“Bình Dương từ thời bình chuyển sang thời chiến”

Sau Lễ công bố quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập lâm thời và triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương), đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, trao đổi với chúng tôi: “Trong công tác PCD ở địa phương, vai trò của LLVT Quân khu 7 và Bộ CHQS tỉnh Bình Dương rất to lớn. Chúng tôi đã được LLVT giúp sức cả về con người, trang thiết bị rất tích cực. LLVT đang sát cánh cùng tỉnh Bình Dương chống dịch như tính chất của thời bình chuyển sang thời chiến”.

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương diễn biến rất khó lường, số ca nhiễm tăng nhanh do tính chất phức tạp của virus biến chủng Delta. Bình Dương có mật độ dân số đông, nhiều nhà máy và khu nhà trọ đan xen, trong khi nguồn nhân lực y tế còn thiếu, kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế khó khăn... Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PCD. Quán triệt quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các ban CHQS huyện, thị xã, thành phố phối hợp với y tế địa phương chủ động đề xuất lập các khu cách ly, tạo nguồn lương thực, thực phẩm, tiến hành mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để PCD; phối hợp với Quân đoàn 4 tiến hành phun khử khuẩn các khu vực phong tỏa; phối hợp với các ngành duy trì hoạt động tại các điểm cách ly, trạm, chốt và tổ tuần tra, kiểm soát dịch Covid-19 trên cả đường bộ, đường sông với tổng số hơn 2.800 người tham gia. LLVT tỉnh đã huy động hơn 15.000 ngày công của lực lượng dân quân tự vệ để chuẩn bị các khu vực cách ly, phong tỏa; chuẩn bị được 20.877 giường/117 điểm cách ly tập trung. Các điểm cách ly được gắn camera giám sát việc chấp hành quy định của người cách ly... 

Cán bộ Ban CHQS TP Thuận An (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương) phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng dịch. 

Thiết thực giúp nhân dân trong lúc gian khó, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương cùng với Tỉnh đoàn tổ chức trao tặng 500 chiếc giường lắp ráp (trị giá 300 triệu đồng) cho các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyến đầu tại các trạm, chốt PCD Covid-19 và hỗ trợ nhân dân trong các khu phong tỏa với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và các địa phương triển khai Chương trình “Cây ATM gạo tình nghĩa 0 đồng”, nguồn gạo do LLVT tỉnh vận động các doanh nghiệp ủng hộ; điều động phương tiện, lực lượng vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly, khu phong tỏa...

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, công tác PCD đang được tỉnh Bình Dương triển khai quyết liệt, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị với quyết tâm sớm đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ngày 21-7, Bộ tư lệnh Quân khu 7 công bố quyết định và đưa vào vận hành Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B tại tỉnh Bình Dương. Bệnh viện có quy mô 500 giường (có thể triển khai thêm 100 giường) với 11 khoa, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay sau khi công bố quyết định, bệnh viện tiến hành thu dung và điều trị cho bệnh nhân.

 

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG - SONG DUY