Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 về nội dung này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết vai trò của lực lượng quân y trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên.  

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, Bộ Quốc phòng được giao nhiều trọng trách và Trung tâm chỉ huy điều hành chiến dịch được đặt tại Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo chiến dịch đặt tại Cục Quân y. Sau khi có quyết định thành lập, các cán bộ của Bộ Y tế và Cục Quân y đã phối hợp chặt chẽ để triển khai văn phòng thường trực, thực hiện nhiệm vụ điều hành, điều phối, kết nối các tiểu ban giúp ban chỉ đạo tổ chức thành công chiến dịch.

Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng, số lượng vaccine nhập về nước qua nhiều nguồn khác nhau ngày càng nhiều, dự kiến, thời gian tới, số lượng sẽ rất lớn. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Cục Quân y đã phối hợp với các đơn vị triển khai nâng cấp đồng bộ mọi mặt 8 kho quân y của các quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đạt tiêu chuẩn GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc đối với vaccine), tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, lực lượng phục vụ các kho để tiếp nhận, bảo quản vaccine. Đến nay, các kho đã sẵn sàng tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, tham gia vận chuyển vaccine theo kế hoạch. Cùng với đó, Cục Quân y đã chỉ đạo toàn ngành thành lập các điểm tiêm, tổ tiêm chủng, tổ hồi sức cấp cứu trong toàn quân, vừa trực tiếp thực hiện tiêm chủng trong quân đội vừa tham gia hỗ trợ tiêm chủng cho người dân trên địa bàn.

PV: Hiện nay, việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong quân đội được triển khai thế nào, kết quả đạt được ra sao, thưa đồng chí?

Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) tiêm vaccine cho các nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ảnh: ĐĂNG GIÁP 


Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine quốc gia, Cục Quân y đã tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine trong quân đội với mục tiêu 100% quân nhân được tiêm vaccine an toàn, hiệu quả. Để chiến dịch thành công, cục đã chỉ đạo hệ thống quân y toàn quân, từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên thành lập và tập huấn cho gần 500 tổ tiêm, hơn 140 tổ hồi sức cấp cứu để thực hiện tiêm chủng cho bộ đội và nhân dân.

Các tổ chuyên môn đã và đang hoạt động tích cực, hiệu quả, đến nay đã tiêm vaccine mũi 1 cho hơn 50% quân nhân tại các cơ quan, đơn vị toàn quân. Đối với các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch (PCD) và tại các địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, hầu hết quân nhân đã được tiêm chủng mũi thứ hai, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với thực hiện tiêm vaccine cho các quân nhân, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, TP Hà Nội, lực lượng quân y còn phối hợp với y tế địa phương thực hiện tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm chủng của cả nước.

PV: Đồng chí có thể cho biết những nét chính về công tác tiêm chủng trong quân đội?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc là PCD chủ động cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng, cụ thể là tối thiểu 70% dân số được tiêm vaccine và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Từ mục tiêu đó, căn cứ lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ cho quân đội, Cục Quân y đã tham mưu lập kế hoạch, xác định phấn đấu trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tất cả quân nhân, người lao động trong toàn quân đủ điều kiện sức khỏe đều được tiêm vaccine.

Về phân bổ vaccine, Cục Quân y dựa vào tình hình dịch trên địa bàn các đơn vị đóng quân để phân bổ phù hợp. Cụ thể trong tháng 5 và tháng 6-2021, ưu tiên cho các đơn vị đóng quân tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện nay, tập trung phân bổ cho các đơn vị tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Đối tượng ưu tiên tiêm trước là các lực lượng có nguy cơ lây nhiễm cao, trực tiếp làm nhiệm vụ PCD, như: Quân y, biên phòng, phục vụ các khu cách ly tập trung, tham gia truy vết, điều tra dịch tễ, phóng viên, thành viên ban chỉ đạo PCD các cấp...

Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) tổ chức tiêm vaccine cho bộ đội các đơn vị trên địa bàn. Ảnh: ANH THẮNG 

 

PV: Quá trình tiêm chủng trong quân đội hiện nay gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Biện pháp giải quyết các khó khăn đó ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Hiện nay, việc tổ chức tiêm vaccine chủ yếu do các bệnh viện quân y và viện y học dự phòng đảm nhiệm. Đây là các đơn vị có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế, thuốc men đầy đủ nên khi có diễn biến bất thường có thể xử trí kịp thời, hiệu quả. Bộ đội cơ bản được rèn luyện, sức khỏe tốt, không có hoặc ít bệnh nền; quân y đơn vị quản lý sức khỏe nghiêm túc, được khám sàng lọc trước nên thuận lợi trong chỉ định và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Sau tiêm, các quân nhân được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố. Ngoài ra, giữa các bên có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức khoa học, bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật và các quy định PCD nên các điểm tiêm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, quá trình triển khai tiêm chủng cũng gặp một số khó khăn, bất cập, đó là: Số lượng người cần tiêm khá lớn, trong khi các cơ sở tiêm, điểm tiêm, số vaccine được phân bổ có hạn nên tiến độ có thời điểm còn chậm. Một số đơn vị đóng quân xa cơ sở tiêm, làm nhiệm vụ nhỏ, lẻ tại các tổ, chốt..., việc cơ động đến địa điểm tiêm khó khăn và ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trên, Cục Quân y đã chỉ đạo quân y các đơn vị tăng cường tập huấn, huấn luyện, cập nhật kiến thức cho đội ngũ quân y tại chỗ, hoàn thiện thủ tục pháp lý để tăng công suất tiêm. Các đơn vị hoạt động độc lập, nhỏ lẻ, xa trung tâm, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại các đồn, chốt biên giới thực hiện cơ chế kết hợp quân dân y, nhờ lực lượng y tế địa phương hỗ trợ tiêm giúp.

Sắp tới, khi số lượng vaccine về nhiều, ngoài nhiệm vụ tiêm cho bộ đội, lực lượng quân y còn tham gia cùng ngành y tế cả nước tiêm chủng cho nhân dân nên quân y các đơn vị từ tuyến trung đoàn và tương đương trở lên được huy động tham gia với số lượng các tổ tiêm, tổ hồi sức cấp cứu hợp lý. Với lực lượng, trang bị, phương tiện, năng lực chuyên môn, y đức và trách nhiệm cộng đồng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, học viên ngành quân y, tôi tin tưởng rằng lực lượng quân y toàn quân sẽ đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào thành công của chiến dịch tiêm chủng, cùng cả nước sớm dập tắt đại dịch Covid-19.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN (thực hiện)