Sát cánh cùng các lực lượng hơn 2 tháng qua, các nữ y, bác sĩ nơi đây đã không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng hy sinh lợi ích, hạnh phúc riêng, tận tình chăm sóc tốt cho sức khỏe người bệnh.

Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hường, Chủ nhiệm Khoa Dược trang bị là một trong 20 nữ y, bác sĩ ở tuyến đầu tại BVDC truyền nhiễm số 6. Gia đình chị Hường ở Thành phố Cần Thơ, hai con còn nhỏ, chồng cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại Sư đoàn 330 (tỉnh An Giang). Để tham gia thực hiện nhiệm vụ, chị Hường mang hai con gửi ông bà ngoại chăm sóc. “Ở BVDC số 6, ngoài đảm bảo vật tư, trang bị y tế, chúng tôi còn phải hoàn chỉnh các kế hoạch, xây dựng danh mục thuốc, cũng như cấp phát, cung ứng thuốc hằng ngày. Nhiều khi rất nhớ nhà, nhớ con nhưng tôi luôn xác định đã tình nguyện tham gia tuyến đầu là chấp nhận phải thiếu thốn, phải gác lại cuộc sống riêng tư, xa gia đình, người thân, công việc được giao tôi luôn cố gắng hoàn thành”, chị Hường chia sẻ.

 Các nữ y, bác sĩ BVDC truyền nhiễm số 6 thăm hỏi, động viên bệnh nhân.

Với Thượng úy QNCN Nguyễn Thành Lệ Nhân, Điều dưỡng Khoa Điều trị bệnh nhân nhẹ, mỗi ngày hai lần chị đều phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân để thăm khám, lấy mẫu bệnh phẩm cho hàng chục lượt người bệnh tại khu điều trị của BVDC truyền nhiễm số 6. Trong môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy chị phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác; tận tình chăm sóc, phục vụ người bệnh. Thượng úy QNCN Nguyễn Thành Lệ Nhân, tâm sự: “Ông xã tôi công tác tại Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, con gái năm nay vào lớp 4 nên tôi phải gửi cho người chị gái chăm sóc. Cháu rất nhớ mẹ, tranh thủ những lúc ít việc tôi cũng hay gọi điện thoại về hỏi thăm, động viên con. Làm việc trong khu điều trị rất áp lực, những ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân ở nhà ai cũng rất lo lắng cho tôi. Vất vả, nhiều lúc kiệt sức vì công việc nhưng tôi luôn xác định phải cố gắng”.

Công tác tại Bệnh viện Quân y 121 (TP Cần Thơ) gần 20 năm, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên Đại úy QNCN Nguyễn Đông Trúc, Nhân viên phân loại xử lý chất thải, Khoa chống nhiễm khuẩn, BVDC truyền nhiễm số 6 phải xa gia đình với thời gian dài như lần này. Trong môi trường đặc biệt, nhân lực mỏng, bệnh nhân đông nên trong mọi công việc chị Trúc phải tính toán thật cẩn thận. “Phân loại, xử lý rác thải y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nếu không xử lý chính xác, kịp thời thì sẽ cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của nhiều người. Để thu gom, phân loại số lượng, trọng lượng từng loại chất thải theo đúng quy định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước phòng hộ, nhất là khâu mặc và thay trang phục phải đúng trình tự, bỏ đúng nơi quy định; đặc biệt là phải sắp xếp thời gian hợp lý, thời điểm ít người qua lại, nhất là không được làm trong giờ hành chính”, chị Trúc tâm sự.

Các nữ y, bác sĩ BVDC truyền nhiễm số 6 thăm hỏi, động viên bệnh nhân. 

Trong sự nỗ lực trên tuyến đầu này còn có Đại úy QNCN Phan Thị Huyền Linh. Là bác sĩ Khoa điều trị bệnh nhân nhẹ, những ngày này là khoảng thời gian chị vô cùng trân quý và thấy nghề y đầy thiêng liêng. Tuy cùng làm chung một bệnh viện, nhưng đây là lần đầu tiên sau 13 năm, chị Linh và chồng là Đại úy QNCN Nguyễn Văn Công (Nhân viên Khoa dược trang bị BVDC số 6) không được gặp nhau, bởi do đặc thù công việc của mỗi người. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hằng ngày chị Linh luôn tận tâm phục vụ, chăm sóc hàng chục người bệnh trong khu điều trị. Nếu gặp hôm thời tiết dễ chịu thì đỡ vất vả, còn gặp trời nắng gắt thì vô cùng ngột ngạt, khó thở, di chuyển rất khó khăn. Chị Linh, tâm sự: “Những ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân, ba mẹ ở nhà cũng rất lo lắng cho tôi. Nhưng bản thân đã xác định, đã là một bác sĩ quân y cho dù có khó khăn, vất vả đến mấy thì cũng phải vượt qua. Chưa bao giờ tôi thấy sự đồng lòng và sứ mệnh của nghề lại đặc biệt như những ngày qua”.

Ở BVDC truyền nhiễm số 6 còn nhiều chị có chồng cũng là quân nhân công tác xa nhà, phải gửi con cho người thân để tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch như Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Vân, Thượng úy QNCN Lê Hạnh Trâm, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Dương (Điều dưỡng Khoa điều trị bệnh nhân vừa); Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại úy QNCN Phạm Ngọc Bé Tím (Điều dưỡng Khoa chống nhiễm khuẩn). “Vượt qua tất cả, các chị vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm với niềm tự hào được đứng nơi tuyến đầu chống dịch. Những “bóng hồng” ấy đã và đang ngày đêm nỗ lực cùng các đồng nghiệp, làm sáng ngời hình ảnh thầy thuốc mặc áo lính; góp phần cùng cả nước sớm khống chế được dịch bệnh để trả lại cuộc sống bình thường mới cho người dân”, Trung tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Chính trị, BVDC truyền nhiễm số 6 khẳng định.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC