Trước giờ xuất quân lực lượng Quân y tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đứng trong đội hình cùng đoàn cán bộ y, bác sĩ Quân khu 2, Thiếu úy Kiều Thị Thủy Nguyên cảm thấy đầy háo hức, tự hào trước chuyến đi đặc biệt, nhiều ý nghĩa này. Thủy Nguyên thổ lộ: “Đoàn công tác Bệnh viện Quân y 109 tăng cường cho các tỉnh phía Nam lần trước em đã viết đơn xung phong vào tâm dịch, nhưng nộp đơn hơi muộn. Lá đơn ấy em cất giữ cẩn thận để chờ cơ hội được vào miền Nam dập dịch. Thật may mắn đợt này Quân khu có đợt tăng cường lực lượng quân y cho các tỉnh phía Nam nên em vội nộp đơn đăng ký tham gia”. Tốt nghiệp Học viện Y Dược học cổ truyền, tháng 7 năm 2020, Kiều Thị Thủy Nguyên về nhận công tác tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 109, Cục Hậu cần Quân khu 2. Với nhiệm vụ thu dung khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, công việc hằng ngày của Thủy Nguyên ở khoa là khám và điều trị cho bệnh nhân thần kinh và bệnh nhân cơ, xương, khớp; làm bệnh án. Hơn một năm công tác tại bệnh viện giúp cô có trải nghiệm thực tế trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân nội khoa.
Viết đơn xung phong vào tâm dịch, hành trang mà Thiếu úy Kiều Thị Thủy Nguyên mang theo bên cạnh chiếc vali nhỏ chứa vật dụng cá nhân, bộ đồ bảo hộ còn cả những kiến thức đã được học trên giảng đường và thực tiễn công tác. Trước khi nhận nhiệm vụ chống dịch Covid-19, Thủy Nguyên tìm hiểu nhiều thông tin trên trang điện tử của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế; tìm hiểu sâu về cơ chế bệnh học; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Thiếu úy Kiều Thị Thủy Nguyên bộc bạch: “Khi em thông báo về gia đình việc tình nguyện vào các tỉnh phía Nam chống dịch, bố mẹ em đều rất tự hào và động viên con gái khi khoác lên mình sứ mệnh người thầy thuốc áo lính hãy đến bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc và bệnh nhân cần, mẹ em còn dặn dò phải luôn giữ gìn sức khỏe, thực hiện tốt công tác phòng dịch”.
 |
Điều dưỡng Lê Thị Lan Phương (bên trái) và đồng nghiệp test Covid-19 cho người dân phường 14, quận 6, TP Hồ Chí Minh. |
Cùng viết đơn tình nguyện xung phong chống dịch tại các tỉnh phía Nam đợt vừa qua, Điều dưỡng Lê Thị Lan Phương, Khoa Nội tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 109 cho rằng: Bản thân chị mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng đồng nghiệp chia sẻ khó khăn với người bệnh, là chỗ dựa cho bệnh nhân trong lúc họ cần mình. “Tôi và đồng nghiệp lên đường trong tâm thế luôn sẵn sàng, khi nào dịch bệnh được đẩy lùi, chiến thắng chúng tôi mới trở về”- chị Lan Phương chia sẻ. Được biết gần 20 năm gắn bó với “Ngôi nhà chung” - Bệnh viện Quân y 109, có hơn 4 năm chị Lan Phương làm việc ở Khoa Nội tâm thần kinh. Công tác ở Khoa, ở Viện chị có nhiều kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh về thần kinh, đột quỵ và bệnh nhân tuổi cao. Tình nguyện xung phong vào tâm dịch miền Nam đợt này Điều dưỡng Lê Thị Lan Phương cảm thấy công việc của mình tại bệnh viện sẽ phù hợp khi chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và bệnh nhân lớn tuổi. Nhìn về hậu phương, chị Lan Phương luôn cảm thấy an tâm, bởi sự đồng cảm, sẻ chia của chồng chị, Thiếu tá Đỗ Đức Hùng, công tác tại Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 109.
Trong số nhiều “bóng hồng” viết đơn tình nguyện vào tâm dịch miền Nam của lực lượng vũ trang Quân khu 2 đợt vừa qua, chúng tôi còn thấy sự góp mặt của Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Hồi sức cấp cứu; Đại úy QNCN Đỗ Thị Hiền, Khoa Tai Mũi Họng; Đại úy QNCN Phạm Thị Hương, Khoa Truyền nhiễm Da liễu thuộc Bệnh viện Quân y 109. Các điều dưỡng viên mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, song đều có chung một ý chí, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch Covid-19.
Theo Bác sĩ Tạ Xuân Tùng, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 109, Đoàn trưởng đoàn công tác: Sau khi vào miền Nam, chúng tôi ăn, ở, sinh hoạt tập trung tại Trung đoàn Gia định, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Thời gian này đoàn tham gia tập huấn các nội dung về phòng, chống dịch cho các trạm quân y cơ động; tìm kiếm các thông tin về hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2; tìm hiểu các nguồn tài liệu của Bộ Y tế và Học viện Quân y về dịch bệnh Covid-19; xem video hướng dẫn của Bộ Y tế cách lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2… Bác sĩ Tạ Xuân Tùng thông tin, sau thời gian ở tập trung tại Trung đoàn Gia Định, sáng 4-9, đoàn công tác nhận nhiệm vụ chính thức; trong đó có 6 tổ công tác làm việc ở Quận 6; 19 tổ làm việc trên địa bàn quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Mỗi tổ công tác thành lập một trạm y tế lưu động, có nhiệm vụ tăng cường chăm sóc, điều trị các bệnh nhân F0; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, tiêm vaccine giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế.
Dù công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn các tỉnh phía Nam còn nhiều gian nan, khó khăn phía trước, song bằng nhìn ánh mắt cương nghị của những nữ thầy thuốc quân y nơi tâm dịch, đủ cho chúng ta vững tin họ sẽ trở về trong buổi bình minh tươi sáng.
Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG