Trung tá Nguyễn Văn Sản sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ anh nuôi giấu cán bộ cách mạng ngay tại nhà, ba anh là bộ đội địa phương. Ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Năm 1975, miền Nam được giải phóng, ba anh trở về nhà với chứng bệnh tắc tĩnh mạch chân do kẻ thù tra tấn.
 |
Trung tá Nguyễn Văn Sản, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Phòng không 77. |
Sức khỏe của ba kém, một mình mẹ anh phải gồng gánh nuôi cả gia đình. Đến tận năm 1990, gia đình anh mới vay mượn đủ tiền để đưa ba đi viện cắt chân. Tuy nhiên, do đòn tra tấn dã man của kẻ địch và điều kiện sinh hoạt khắc khổ trong những năm tháng ở tù, ba anh vẫn phải mang trong mình nhiều căn bệnh. Gia đình anh mang gánh nặng nợ nần tiền viện phí của ba. Anh em anh Sản phải làm đủ mọi việc để kiếm sống và trả nợ. Thế rồi, Nguyễn Văn Sản quyết tâm nhập ngũ để cống hiến cho Tổ quốc.
Năm 1999, Nguyễn Văn Sản nhận giấy báo nhập ngũ. Nhập ngũ, sau giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới, Sản được điều động về Tiểu đoàn 31, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Quá trình công tác, anh được đi học hệ cao đẳng lục quân, rồi học chuyển loại tại Học viện Chính trị. Con đường phấn đấu của Nguyễn Văn Sản là một hành trình dài, với thật nhiều nỗ lực. Để đến hôm nay, anh trở thành một cán bộ chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác Đảng, công tác chính trị. Đặc biệt, anh đã trở thành một người “kết nối yêu thương”, đưa những tấm lòng thiện nguyện đến với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
 |
Lữ đoàn Phòng không 77 trao nhu yếu phẩm hỗ trợ xã Phước Thạnh huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
|
Từ đợt dịch Covid-19 thứ hai vào quý III-2020, Nguyễn Văn Sản suy nghĩ, người dân chắc khổ nhiều. Vì thế, anh đã vận động đồng đội trong đơn vị, các mạnh thường quân ủng hộ. Có được kinh phí, cộng với lương của mình, anh chuyển cho vợ mua lương thực, thực phẩm gửi tặng những gia đình nghèo, gặp nhiều khó khăn ở huyện Củ Chi.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, khó khăn của người dân nhân lên gấp bội, Nguyễn Văn Sản càng tích cực vận động những nhà hảo tâm, người thân. Tạm tính đến nay, anh đã huy động được 5 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, 10.000 quả trứng… 1.000 phần quà tình nghĩa gửi tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, các khu nhà trọ trên địa bàn huyện Củ Chi, quận 12, quận 6, công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc/Củ Chi…
 |
Trung tá Nguyễn Văn Sản trao quà tặng gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Củ Chi. |
Cùng hành trình “Kết nối yêu thương”, với trách nhiệm là một cán bộ chính trị, Trung tá Nguyễn Văn Sản đã trở thành một nhân tố tích cực trong cuộc chiến chống lại những luồng thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch. Thông qua việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, anh đã có hàng chục bài viết đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, cũng như lan tỏa những hình ảnh đẹp, gương người tốt việc tốt… góp phần giáo dục bộ đội hướng tới những giá trị chân- thiện- mỹ, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Sản, để có được những bài viết tốt, thu hút sự quan tâm của độc giả, nội dung phải xuất phát từ thực tế. Đó là những người tốt, việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình công tác. Đó là những hoạt động giúp dân vượt qua đại dịch của bộ đội…
Đại tá Hồ Văn Lộc, Chính ủy Lữ đoàn PK 77 nhận xét: "Trung tá Nguyễn Văn Sản là cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, bám sát hoạt động của đơn vị để đề xuất nhiều nội dung về công tác Đảng, công tác chính trị mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, với tình cảm với nhân dân, quê nhà, anh đã có cách làm, vận động người dân, mạnh thường quân ủng hộ nhiều phần quà ý nghĩa, góp phần giúp nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Xuất thân từ một gia đình nghèo, Trung tá Nguyễn Văn Sản hiểu rất rõ người dân đang cần những gì. Vì thế, hành trình “Kết nối yêu thương” của anh ngày càng được mở rộng, đem ngày càng nhiều phần quà nghĩa tình đến với những người đang ngày đêm mong đợi sự giúp đỡ. Anh chia sẻ: “Phải làm cho dân tin, mới có thể đoàn kết để chiến thắng đại dịch!”.
Bài, ảnh: ĐĂNG DUY