Trong môi trường khắc nghiệt, nghĩa tình quân dân đã sáng lên những nghĩa cử ân tình, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, dọc biên giới tỉnh Long An không còn nhộn nhịp cảnh giao thương, thay vào đó là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cắm chốt, bám đường biên ngăn chặn dịch bệnh.

Chốt canh gác chống dịch trên biên giới thuộc địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. 

Sau hơn một năm phục vụ tại khu cách ly tập trung, Trung úy Lê Minh Nhựt, Phó đại đội trưởng Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa, vừa được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục phụ trách các chiến sĩ đại đội tăng cường lên biên giới bám chốt, phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Thạnh làm nhiệm vụ. Sau những giờ tuần tra, canh gác tại khu vực được giao, đồng chí Nhựt cùng đồng đội tận dụng những mảnh đất nhỏ cạnh chốt để tăng gia, trồng rau, cải thiện đời sống. Hỏi Lê Minh Nhựt, lên biên giới làm nhiệm vụ, anh lo nhất điều gì? Anh nói:

- Chúng tôi đã quen rồi nên nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt. Ở miền Tây sông nước mùa này, kẻ thù ngán nhất, đáng sợ nhất là... muỗi. Buổi tối đứng gác hay tuần tra, phục kích đối tượng nhập cảnh trái phép, bị những đàn muỗi đói, nhiều như trấu tấn công, thực sự là nỗi ám ảnh...

Từ những lán tạm che bằng tăng, bạt đến các chốt kiên cố, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và dân quân đang ngày đêm túc trực ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống tội phạm trong điều kiện như thế. Đã nhiều ngày nơi biên cương, các chiến sĩ chưa đêm nào được ngủ tròn giấc. Thường xuyên đứng gác, tuần tra giữa những cơn mưa tầm tã, toàn thân ướt sũng, muỗi chích sần da nhưng tinh thần, ý chí của người chiến sĩ vẫn không hề nao núng.

Mùa mưa, khí hậu ẩm, miền biên cương kênh rạch cây cối rậm rạp, muỗi sinh sôi nhiều vô kể. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng thực hiện nhiệm vụ. Một trong những nguồn động viên lớn của các anh là được sự giúp đỡ, động viên của bà con trên tuyến biên giới. Ông Phan Văn Đường, nhà tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng là một hậu phương nồng ấm của cán bộ, chiến sĩ. Thương bộ đội chống “giặc Covid-19" vất vả, hằng đêm, ông Đường tổ chức nấu cháo cá cho bộ đội bồi dưỡng. Ông tâm sự: "Thấy các chú bộ đội vất vả ngày đêm chống dịch như chống giặc, tui thương lắm. Tui muốn làm những việc có ích để hỗ trợ các chú làm nhiệm vụ".

Là người vùng sông nước, rành rẽ nghề chài lưới, hằng ngày, ông Đường rong ruổi trên các tuyến kênh rạch, đồng nước đánh bắt cá. Cuối ngày, ông lựa những con cá lóc, cá tra thật to để chế biến, nấu cháo dinh dưỡng cho bộ đội ăn. Cháo cá ăn với rau đắng là món ẩm thực truyền thống lâu đời, nức tiếng của người dân sông nước Cửu Long. Giỏi đánh bắt, khéo nấu ăn, nồi cháo cá nóng hổi, thơm lừng, bốc khói nghi ngút của ông Đường được bộ đội rất ưa thích. Sau giờ canh gác, tuần tra, kiểm soát, trong màn đêm se lạnh của vùng Đồng Tháp Mười, tô cháo cá mang đến cho cán bộ, chiến sĩ cảm giác ấm áp, tình cảm thương yêu như ở chính nhà mình.

Những người làm việc nghĩa, bình dị mà cao quý như ông Đường trên tuyến biên giới này có rất nhiều. Và đó là điểm tựa, nguồn động viên, cổ vũ tinh thần chống dịch của bộ đội. Nhiệm vụ của các anh không kể thời gian, giờ giấc, cứ có lệnh là đi, có tình huống là sẵn sàng. Thượng úy QNCN Trần Văn Tú, Ban CHQS huyện Tân Hưng kể lại câu chuyện vừa diễn ra đêm trước:

- Đang mơ màng trong giấc ngủ thì tiếng chuông điện thoại reo. Bắt máy nghe, đồng đội thông báo có nhóm đối tượng vượt biên trái phép về Việt Nam, đề nghị chi viện. Vậy là tôi và các chiến sĩ vừa hoàn thành ca gác, lại tiếp tục lao vào màn đêm, hướng về phía đồng đội để kịp thời phối hợp, bắt giữ các đối tượng nhập cảnh trái phép. Thực hiện xét nghiệm nhanh, trong số 10 đối tượng bị bắt giữ phát hiện 3 đối tượng dương tính với Covid-19...

Trên tuyến biên giới dài 134km tiếp giáp với nước bạn Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Long An, Bộ CHQS, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, tăng cường số lượng các chốt canh trực và lực lượng làm nhiệm vụ tại những khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Bên cạnh các đồn, trạm biên phòng, hiện toàn tuyến biên giới đã được tăng cường 45 tổ, chốt, bao gồm 36 chốt cố định, 6 tổ kiểm soát lưu động, 3 tổ tăng cường... với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ.

Cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 diễn ra cam go, phức tạp trên mọi mặt trận, nhưng ở tuyến đầu biên giới, sự cam go ấy có những sắc thái rất riêng mà nếu không trực tiếp trải nghiệm, khó có thể hình dung được...

Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG