Thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 (đóng tại Sư đoàn 317, Quân khu 7) vào thời điểm dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam ngày càng phức tạp nên điều dưỡng Lê Phước Phương cùng đồng đội hầu như không kịp nghỉ ngơi. Mỗi ngày, anh dành chút thời gian buổi tối để theo dõi tình hình dịch bệnh nơi quê nhà (Nhơn Trạch, Đồng Nai), rồi gọi điện động viên, nhắn nhủ vợ chú ý giữ gìn sức khỏe, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch.
 |
Vợ và con gái mới chào đời của Đại úy QNCN Lê Phước Phương. |
Rạng sáng ngày 5-8, trong lúc đang cùng kíp trực thực hiện nhiệm vụ, điều dưỡng Phương nhận được tin vợ có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình đã đưa lên Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để chuẩn bị sinh. Dù rất lo lắng vì vợ sức khỏe không tốt, lại phải sinh mổ, nhưng nghĩ đến những ca bệnh đang chờ được cứu chữa, chăm sóc, anh Phương chỉ kịp động viên vợ và gia đình yên tâm chờ đợi, rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5.
 |
Điều dưỡng Phương (ngoài cùng bên phải) chúc mừng bệnh nhân Covid-19 được xuất viện. |
Đại úy QNCN Lê Phước Phương, chia sẻ: “Lúc vợ tôi lên bàn mổ, tôi rất lo, dù động viên gia đình nhưng ruột gan tôi nóng như lửa đốt. May mắn là sau hơn 1 giờ vào phòng sinh, gia đình gọi điện thông báo, vợ tôi sinh con gái, “mẹ tròn, con vuông”. Lúc đó, tôi vừa mừng, vừa hồi hộp, chỉ mong chạy thật nhanh về bên vợ, để được ôm con vào lòng!”…
 |
Đại úy QNCN, điều dưỡng Lê Phước Phương đưa bệnh nhân nhí xuất viện về nhà. |
Đại úy QNCN Lê Phước Phương đã có hơn 13 năm phục vụ trong quân ngũ, từng công tác 2 năm tại đảo Trường Sa Đông và nhiều lần tham gia các nhiệm vụ khác phải xa gia đình trong thời gian dài. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên anh lo lắng bởi vợ sinh khó, lại đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên diện rộng mà Đồng Nai là một trong những điểm nóng.
Đến nay, con gái anh đã 4 ngày tuổi. Niềm vui “mẹ tròn, con vuông” đã giúp điều dưỡng Phương phấn chấn tinh thần, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. “Sau này, khi dịch bệnh qua đi, tôi sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc vợ con, để bù đắp lại quãng thời gian mình xa gia đình nhiều năm liên tục. Tôi cũng sẽ kể cho con gái nghe về những khó khăn, vất vả của cha mẹ và cả nước khi bé được sinh ra trong đại dịch để cháu luôn biết trân trọng giá trị của cuộc sống yên bình...” - Đại úy QNCN Lê Phước Phương bộc bạch.
Bài và ảnh: XUÂN HOAN - THANH BÌNH