Màu xanh vốn là màu của sự sống bền vững, là màu của hy vọng và tượng trưng cho hòa bình. Trong buổi chia tay, những tâm tình, lời hứa chắc chắn và vững tin, quyết tâm cùng các địa phương phía Nam đẩy lùi dịch của 25 y, bác sĩ đã khiến màu xanh của những bộ quân phục, màu xanh của chiến sĩ quân y đẹp hơn bao giờ hết. Trong buổi chia tay, hình ảnh Trung úy Phạm Thị Huệ, bác sĩ đa khoa, nhân vật nữ duy nhất trong đoàn xung phong vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ đợt này cứ bám riết trong suy nghĩ của tôi. Nữ bác sĩ đa khoa dáng người nhỏ nhắn và mang cặp kính cận ấy cúi xuống và đôi tay thoăn thoắt chỉnh chiếc ba lô cóc có đôi dép rọ màu đỏ thẫm buộc ở bên ngoài đã gợi cho tôi nhớ về hình ảnh nữ Liệt sĩ, bác sĩ, Anh hùng LLVT Đặng Thùy Trâm.

Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1 (ngoài cùng, bên phải), động viên y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 lên đường vào miền Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: Đình Hiệp

Trong những dòng “nhật ký có lửa”, chị đã ghi lại lời của Nikolai Alexeevich Ostrovsky để lấy làm lẽ sống: "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí”. Vâng, dù thời bình, trong lúc mọi người hưởng hạnh phúc, an vui, dù có một số đã có phần lãng quên sự cống hiến, nhưng với người lính, nhất là với các bác sĩ quân y ở đây, lẽ sống mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã chọn vẫn không hề thay đổi. Ở họ, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân hay nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là cuộc chiến đấu bằng tinh thần cống hiến bền bỉ; đó là những hành động có ý nghĩa thiết thực góp phần vì màu xanh hy vọng, vì tương lai đất nước. Tinh thần cống hiến ấy đã trở thành lẽ tự nhiên giống như một tiên đề, định lý toán học không gì có thể thay đổi.

Từ sau nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến hết tháng 7 vừa qua là thời điểm các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 hoạt động với cường độ cao. Trong hai tháng ấy, chúng tôi đã có nhiều lần đến bệnh viện công tác và tận mắt thấy những chiến sĩ áo trắng của bệnh viện lặng lẽ làm việc, quên mình chiến đấu với "giặc" Covid-19. Dù trong nắng hè gay gắt nhưng nhiều y, bác sĩ vẫn mặc những bộ bảo hộ cấp 3 và cấp 4 để tiếp đón, tư vấn, test nhanh virus SARS-CoV-2; khám, chữa bệnh cho nhiều công dân. Điều đó khác rất nhiều so với sự vắng vẻ ở các bệnh viện khác vì nhân dân phải thực hiện giãn cách, cách ly theo quy định của chính quyền địa phương. Độ đó, sau những thắc mắc rất vật lý của chúng tôi, Đại tá PGS, TS Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 thông tin, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, bệnh viện đã thiết lập quy trình sàng lọc 3 cấp độ theo 3 vùng khác nhau. Với cách làm này, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, bệnh viện đã trụ vững, được coi là vùng an toàn, “vùng xanh” nơi tâm dịch, đồng thời phát hiện 9 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, bảo vệ đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.

Còn theo thống kê chi tiết của Bệnh viện Quân y 110, từ khi dịch bùng phát mạnh ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, bệnh viện đã nhận lệnh và tổ chức thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 3 đặt tại cơ sở 2 ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) với quy mô 150 giường; cử hơn 1.000 lượt y, bác sĩ, đến các ổ dịch làm nhiệm vụ. Lúc cao điểm, có 10 tổ công tác của bệnh viện đến các ổ dịch lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm. Tính đến chiều 7-7, bệnh viện đã xét nghiệm được hơn 220.000 mẫu, phát hiện, khẳng định hơn 800 mẫu dương tính với virus SARS CoV-2. Nhìn vào những dòng chữ và những con số thống kê này, khó có thể hình dung ra những khó khăn vất vả mà các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 đã trải qua trong hai tháng đằng đẵng.

Cuộc "chia tay màu xanh" trong buổi chiều đầy nắng đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp của chiến sĩ quân y, đặc biệt là trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Đình Hiệp

Từ nhiều năm nay, với chức năng là bệnh viện tuyến cuối của Quân khu 1, Bệnh viện Quân y 110 đã khẳng định được uy tín, thương hiệu trong khám, điều trị thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Cựu chiến binh, thương binh hạng 1/4 Phạm Công Ruộng ở xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) năm nay 74 tuổi từng kể với tôi rằng, hồi tháng 5, trong lúc huyện Thuận Thành bị dịch Covid-19 "oanh tạc" dữ dội và phải cách ly xã hội, đi lại khó khăn thì vết thương cũ ở đầu của ông tái phát nguy kịch. Khi đến khám, ông được ưu tiên test Covid-19; được điều trị kịp thời nên bệnh nhanh thuyên giảm. Mỗi năm, cựu chiến binh Phạm Công Ruộng đến điều trị ở đây ít nhất là hai lần, có năm nằm viện dài ngày tới 3 lần. Với ông, Bệnh viện Quân y 110 là “ngôi nhà thứ hai” thân thiết và đội ngũ y, bác sĩ ở đây giống như những người bạn, người thân trong gia đình. Trò chuyện và tham khảo các thương binh cao tuổi như Nguyễn Xuân Chữ (xã Hoàng Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hay Lưu Xuân Tọa (xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) từng nằm điều trị tại Khoa Tim thận khớp, chúng tôi đều nhận được những lời khen chân tình, đáng quý về trách nhiệm, sự tận tâm trong khám, điều trị, chăm sóc người bệnh của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Quân y 110.

Giữa tâm dịch Covid-19, Bệnh viện Quân y 110 giống như một “ốc đảo” bình yên, là "vùng lõm màu xanh” an toàn, là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nay, khi dịch ở các tỉnh miền Nam bùng phát, họ lại đưa những "hạt giống đỏ" ở “vùng xanh” ấy vào Nam, cùng đội ngũ thầy thuốc các địa phương và lực lượng chức năng chữa bệnh cứu dân, đẩy lùi dịch Covid-19, thu hẹp “vùng đỏ”.

Với tôi, sứ mệnh gieo màu xanh sự sống của họ quả đáng trân quý.

MẠNH THẮNG