Một đêm ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi có cơ hội được ở bên họ, để hiểu họ hơn, để chứng kiến cuộc chiến giành lại sự sống cho những bệnh nhân Covid-19.

Đêm trong Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, BVQY 175, tiếng “tèn ten ten” phát ra từ những chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân đều đều vang vọng. Những bước chân vội vã. Những y lệnh ngắn gọn, dứt khoát. Cả những dòng mồ hôi chảy miệt mài trên mặt...

Vào ca!

Không rời mắt khỏi chiếc màn hình khổng lồ đang giám sát toàn bộ các phòng bệnh, Thượng úy, bác sĩ Lương Vũ Dũng nói nhanh: “Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân 24/24 giờ vì diễn biến của những ca Covid-19 nặng rất nhanh. Lơi một giây là hậu quả có thể khôn lường!”. Chiếc màn hình khổng lồ được chia thành hơn một chục màn hình nhỏ, trên đó hiện rõ từng bệnh nhân. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân trong trạng thái nguy kịch như thế, anh bạn cùng đi với tôi không khỏi choáng. 

leftcenterrightdel
Kíp trực đêm ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 giao ca. 

Hiện tại, Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch đang điều trị cho 27 bệnh nhân Covid-19 rất nặng-những người mà sự sống mong manh như chỉ mành treo chuông. Bệnh nhân nặng, đồng nghĩa với tải lượng virus SARS-CoV-2 cao, nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ thầy thuốc cũng rất cao. Vì thế, khi biết chúng tôi xin vào tận phòng bệnh, các y, bác sĩ ở khu hành chính đều tỏ vẻ ái ngại.

Đại úy Lê Thị Thùy Nhung, bác sĩ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVQY 175 được giao nhiệm vụ đưa chúng tôi vào các phòng điều trị. Dù đã có chút kinh nghiệm sau lần vào Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông), chúng tôi vẫn chăm chú hết mức dõi theo từng chỉ dẫn của bác sĩ Thùy Nhung. Lại những thao tác đã trở thành quy chuẩn của việc mặc-cởi bộ bảo hộ. Lại là những lời căn dặn ân cần pha chút lo lắng.

21 giờ, giờ thay ca. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất. 24 giờ mỗi ngày ở Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca. Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ. Ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ. Thời gian còn lại thuộc về ca đêm.

Trước giờ vào ca, phòng mặc đồ bảo hộ rộn rã tiếng nói cười. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế ca trực hôm ấy đều là những người trẻ trung, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng viên. Chiếc bút dạ viết vội lên áo bảo hộ tên + biệt danh từng người, lại thêm cả những biểu tượng mặt cười. Sự hồn nhiên được họ mang theo cả vào nơi hiểm nguy!

Điều dưỡng viên Trần Thị Huế kể, nhiệm vụ đầu tiên khi vào ca trực của Huế là kiểm kê để bàn giao thuốc và vật tư tiêu hao giữa hai kíp. Nhiệm vụ không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, vì thế kéo dài cả tiếng đồng hồ. Suốt thời gian của ca trực sau đó, các điều dưỡng viên gần như không có phút nghỉ ngơi. Huế tâm sự: “Môi trường làm việc nhiều áp lực lắm anh ạ! Tuy nhiên, vì bệnh nhân nên chúng em làm hết sức những gì có thể!”.

Công việc chuẩn bị kết thúc, kíp trực chia đôi thành hai cánh, di chuyển tới hai tòa nhà, nơi các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đang chờ những bàn tay chăm sóc. Không gian trở lại yên ắng. Tiếng nói cười trẻ trung nhường lại cho tiếng máy “tèn ten ten”.

Những người chống lại tử thần

Trong ngày ra mắt Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, BVQY 175, Trung tá, bác sĩ Trần Quang Khang chia sẻ, ngoài chuẩn bị kiến thức về chuyên môn để phục vụ bệnh nhân thì bản thân các y, bác sĩ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần, đồng thời động viên gia đình yên tâm khi họ tham gia làm nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Chuẩn bị tiêm thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. 

Theo bước chân các thầy thuốc BVQY 175 vào từng phòng điều trị, càng thấm cái sự cần chuẩn bị về mặt tinh thần. Như đoán được tâm trạng của chúng tôi, Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Cảnh Trung, trưởng kíp, chia sẻ: “Đầu tiên, cần xác định đây là cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc. Chúng tôi xác định quyết tâm phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ tính mạng nhân dân”. Quyết tâm của anh và các thầy thuốc nơi đây khiến người vào nhận được cảm giác ấm áp, yên tâm. Theo bác sĩ Trung, mỗi ca trực gồm 1 bác sĩ hành chính, 2 bác sĩ trong buồng bệnh và 9 điều dưỡng. Ngoài ra, còn có các lực lượng khác như y công làm nhiệm vụ khử khuẩn toàn bộ khu vực điều trị. Các ca trực ngày có thêm bác sĩ kiểm soát truyền nhiễm. Khu điều trị bệnh nhân nặng, các bác sĩ điều trị đặc biệt phải lưu ý, bệnh nhân rất nguy kịch, cần theo dõi và xử trí hết sức khẩn trương, bởi nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Điều dưỡng viên Vũ Thị Yến, Khoa Hồi sức ngoại, BVQY 175 được tăng cường vào làm việc tại Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch từ ngày đầu thành lập. Yến cho biết, ban đầu cũng có chút tâm lý, nhưng dần thành quen. Công việc thường ngày trước đây của Yến là chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân đặc biệt, tuy nhiên, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nguy kịch lại rất khác. Phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên áp lực công việc nhân lên gấp đôi. Việc nói chuyện, trao đổi công việc cũng tốn rất nhiều sức nên phải vô cùng hạn chế. Đội trưởng đội điều dưỡng thường chỉ đạo các điều dưỡng viên bằng... thủ ngữ.

Chỉ chừng một giờ trong bộ quần áo bảo hộ, nhìn sang anh bạn đồng nghiệp, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt. Phát hiện ra tủ đựng thuốc được bảo quản lạnh, anh tranh thủ ghé sát vào để hưởng tý hơi mát. Tôi cũng chẳng khá hơn, mồ hôi chảy ròng ròng quanh người, ngứa ngáy, nhớp nháp, mà chẳng thể làm gì vì bộ đồ kín mít và quy định kiểm soát truyền nhiễm rất chặt chẽ. Chưa hết, bình thường tôi là người ưa dịch chuyển, vậy mà mới bước được lên tầng 2 đã thở hổn hển. Mọi hoạt động bình thường nhất trong bộ đồ bảo hộ đều trở nên khó khăn và tốn sức vô cùng. Vậy mà, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển như con thoi giữa các phòng điều trị suốt ca trực.

Bác sĩ thứ hai trong buồng bệnh là Trung úy Trương Công Nam, Khoa Nội thần kinh. Anh kể: “Tôi vốn ở đơn vị đột quỵ, đã quen với việc điều trị nhiều bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, vào đây làm việc, mặc bộ đồ này rất nóng, khó chịu, lại phải liên tục trong 8-10 giờ, vì thế năng suất công việc không thể bằng bình thường, chỉ đạt chừng 50%. Để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, các thầy thuốc ở đây phải nỗ lực 200% sức lực”.

Không chỉ gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, khả năng giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh cũng rất hạn chế vì hầu hết bệnh nhân thở máy và hôn mê. Vì thế, việc thăm hỏi tình trạng bệnh nhân là gần như không thể. Theo bác sĩ Trương Công Nam, để điều trị thành công, phải phối hợp nhiều khâu, điều dưỡng viên phải sâu sát bệnh nhân, lực lượng phục vụ phải bảo đảm tốt nhất các yêu cầu, bác sĩ phải cố gắng hơn rất nhiều so với bình thường.

Khó khăn, vất vả, nguy hiểm là thế, nên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, BVQY 175 đều là những người có trình độ chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tình nguyện tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Thiếu tá, bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Phụ trách Khoa điều trị bệnh nhân nguy kịch) đã thể hiện quyết tâm: “Chúng tôi cũng xác định sẽ cắm chốt tại trung tâm cho đến khi nào TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước đẩy lùi được dịch bệnh”.

Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, BVQY 175 có quy mô 200 giường với các trang thiết bị, như: Máy thở, hệ thống dưỡng khí, hệ thống lọc máu và hệ thống ECMO... có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho các trường hợp bệnh nhân vừa và nặng. Tham quan thực tế trung tâm, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác triển khai phòng, chống dịch Covid-19 nói chung của BVQY 175 trong thời gian qua, cũng như việc bệnh viện nhanh chóng đưa Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động với đầy đủ trang thiết bị, kịp thời hỗ trợ cho thành phố


Bài và ảnh: HUY ĐĂNG - SONG DUY

(còn nữa)