Cùng thời điểm đó, vợ anh là chị Hồ Thị Tuyết Thu, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng cũng trực tăng cường chống dịch. Sau đó 2 tháng, chị lại cùng cơ quan lên đường vào miền Nam chống dịch. Hai vợ chồng trên hai trận tuyến, họ đã tạm gác lại những lợi ích gia đình để thực hiện nhiệm vụ cao cả hơn khi nhân dân và Tổ quốc cần.
 |
Chị Hồ Thị Tuyết Thu, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng (ở giữa) cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ chống dịch ở TP Hồ Chí Minh. |
Đã thành thông lệ, khi bộ đội yên giấc ngủ, Trung tá Nguyễn Ánh Sáng lại trở dậy, với quân phục chỉnh tề và chiếc đèn pin trong tay, anh rời phòng ngủ đến các vọng gác vừa kiểm tra, vừa động viên bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, anh lại về sở chỉ huy, nơi có hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang ngày, đêm canh trực.
Từ ngoài cửa trông vào, những chiến sĩ tiêu đồ vẫn cần mẫn đi những nét chì sắc nét trên bảng mê ca; các vị trí tổng đài, vô tuyến đều canh trực nghiêm túc... Lúc này, anh mới thực sự an tâm quay về phòng, mở chiếc điện thoại thông minh để xem tin tức phòng, chống dịch Covid-19 trong cả nước. Anh dừng lâu hơn phần thông tin về TP Hồ Chí Minh, nơi có người vợ yêu thương đã tình nguyện cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ chống dịch hơn 1 tháng nay. Giờ này chị Thu, vợ anh thường mới xuống ca và gọi về để thông báo tình hình với chồng.
Anh cho biết, Tiểu đoàn 10 nơi anh công tác là đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý vùng trời của Sư đoàn 375. Trong điều kiện phòng dịch, đơn vị phải chia thành nhiều tốp canh trực nên cường độ cao hơn, dễ căng thẳng, mất tập trung. Là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, anh luôn có mặt những lúc khó khăn, giờ cao điểm ở các vị trí trọng yếu như: Sở chỉ huy, vọng quan sát mắt để nắm tình hình, động viên bộ đội.
Thi thoảng, tranh thủ những giờ nghỉ, anh lại gọi điện nắm tình hình, động viên vợ, gọi điện cho ông bà ngoại nhắc nhở các con vâng lời ông bà, chăm chỉ học hành. Anh Sáng tâm sự: “Nhà chỉ cách đơn vị gần 1km nhưng hơn 4 tháng nay, tôi chưa về nhà, mọi việc đều nhờ ông bà. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, chúng tôi ưu tiên cho bảo đảm sức khỏe bộ đội, phục vụ cho nhiệm vụ SSCĐ nên cấm trại 100% quân số, thực hiện các biện pháp cao nhất để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa không để dịch lây lan vào đơn vị…”.
 |
Hai con nhỏ của vợ chồng anh Sáng được ông bà ngoại chăm sóc. |
Chiều muộn, chúng tôi đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Ánh Sáng ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Trong căn nhà nhỏ chỉ có 2 ông bà già và 2 trẻ nhỏ. Ông đang bày cho cháu gái lớn học đánh vần còn bà thì cho thằng bé ăn cơm tối.
Ông bà cho biết, khi đại dịch bùng phát hồi tháng Tư thì con trai và con dâu đều đi công tác. Thương con, ông bà gác lại mọi việc, bắt xe tuyến từ Quảng Bình vào Đà Nẵng chăm sóc các cháu. Bà Phạm Thị Thí (mẹ vợ anh Sáng), tâm sự: “Năm ngoái khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, vợ chồng nó có sáng kiến là gửi các con về quê ngoại. Năm nay, các con đi công tác dài ngày thì chúng tôi vào ở hẳn trong này cho tiện. Hai ông bà vừa làm giáo viên, vừa làm bảo mẫu, vừa lo cái ăn, cái ngủ cho bọn trẻ nên cũng bận bịu cả ngày. Đứa lớn thì tự ăn uống, vệ sinh được, còn đứa bé 3 tuổi thì thiếu hơi mẹ nên hay làm nũng, ăn uống thì mất vài giờ mới xong, nửa đêm thường thức giấc khóc đòi mẹ. Nhiều lúc, dỗ mãi không được tôi đành phải gọi điện cho mẹ nó dỗ cháu…”.
Được biết, đây là lần thứ 2 chị Thu vợ anh Sáng cùng đoàn công tác của Đại học Kỹ thuật y Dược Đà Nẵng tham gia phòng, chống dịch. Qua điện thoại, chị Thu san sẻ: “Kíp của tôi gồm 20 người, làm việc liên tục từ 7 giờ đến 19 giờ. Tuy nhiên, do số mẫu đơn đưa về hằng ngày rất nhiều, chúng tôi phải gắng làm hết số lượng mới thôi nên có lúc làm việc đến nửa đêm. Do thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, chúng tôi phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính và ngồi trong ca bin cách ly với bên ngoài. Kíp phải làm việc liên tục, kể cả ngày nghỉ, không 1 phút nghỉ tay mới hoàn thành nhiệm vụ. Công việc cuốn vào nên không có điều kiện để nghĩ ngợi nhiều. Khi rảnh, tôi tranh thủ gọi điện về nhắc các con nhớ nghe lời ông bà, mẹ sẽ sớm về với các con…”.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những cặp vợ chồng trên hai trận tuyến như vợ chồng anh Sáng, chị Thu không phải là ít, họ sẵn sàng gác lại chuyện riêng tư, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Bài, ảnh: HỮU LỆ