Đây là chương trình có ý nghĩa chiến lược và giá trị thực tiễn sâu sắc, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của ngành quân y và dân y trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chương trình không chỉ giải quyết những vấn đề nổi cộm, quan trọng và phù hợp với thực trạng ngành y tế nước nhà khi đó, mà còn mang lại hiệu quả và đáp ứng những yêu cầu bức thiết đặt ra trong tương lai.
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", xác định: Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT), nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai... Đưa chương trình kết hợp QDY thành một nội dung của chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu đến kinh tế đất nước và đời sống nhân dân, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể mới Delta của virus SARS-CoV-2. Với tốc độ lây nhiễm rất nhanh, lan rộng trong cộng đồng ở nhiều khu vực, nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, dịch Covid-19 đã gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, kịp thời tham mưu, đề xuất, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp PCD với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình; bảo đảm trong bất cứ tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng đi đầu trong PCD, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Việc kết hợp QDY lúc này được đặt lên hàng đầu, với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành y tế, cả quân y và dân y, PCD hiệu quả, bảo vệ tính mạng và cuộc sống bình yên cho nhân dân.
 |
Bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm xét nghiệm dã chiến Covid-19 Học viện Quân y tăng cường tại TP Hồ Chí Minh kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: MINH ANH.
|
Ngành quân y đã tập trung rà soát lực lượng, trang thiết bị y tế; tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo nguồn, sẵn sàng đáp ứng các cấp độ dịch và huy động lực lượng giúp y tế các địa phương PCD. Các tổ quân y tại các trạm y tế lưu động ở xã, phường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thực hiện tốt phương châm cùng ăn, cùng ở với nhân dân để hỗ trợ công tác PCD tại địa phương; trọng tâm là lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
Sau hơn 3 tháng triển khai, các tổ quân y lưu động đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân y khắc phục khó khăn, hoạt động rất hiệu quả, góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, được chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Với sự nỗ lực không ngừng, các tổ quân y lưu động đã phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương điều trị khỏi gần 315.000 ca, cấp thuốc điều trị gần 486.000 người, cấp cứu gần 42.000 ca, lấy mẫu xét nghiệm gần 2.290.000 người, tiêm vaccine gần 1.997.000 người, tư vấn sức khỏe hơn 482.000 người. Tính đến trung tuần 10-2021 đã xét nghiệm SARS-CoV-2 hơn 306.000 mẫu với hơn 2.162.000 lượt người, phát hiện gần 75.000 trường hợp dương tính với Covid-19.
Riêng lực lượng 1.000 tổ xét nghiệm/4.000 người tăng cường cho TP Hồ Chí Minh đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm test nhanh từ ngày 22-9 đến 4-10-2021 tại 22 quận, huyện, thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh cho gần 2.722.000 người phát hiện gần 20.500 ca dương tính (tỷ lệ 0,75%). Lực lượng 125 tổ xét nghiệm/500 người tăng cường cho tỉnh Bình Dương từ ngày 28-9 đến 13-10-2021 đã xét nghiệm test nhanh tại TP Dĩ An, TP Thuận An và thị xã Tân Uyên cho hơn 220.000 người, phát hiện gần 1.000 ca dương tính (tỷ lệ 0,45%).
Các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm của quân đội, gồm: 5A, 5B, 5C, 5D, 5E, 5G, 6, 6B, 4, 7A, Bệnh viện Quân dân y miền Đông và Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 175) đã phối hợp với ngành y tế địa phương kịp thời thu dung, điều trị bệnh nhân theo đúng phạm vi quy định, kịp thời xử trí cấp cứu vận chuyển các bệnh nhân chuyển nặng, bảo đảm an toàn tuyệt đối; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Đến ngày 13-10-2021, đã thu dung gần 24.000 bệnh nhân, điều trị khỏi cho gần 20.500 bệnh nhân. Bệnh viện Quân y 175 kịp thời thiết lập đường dây nóng 19001175 để hỗ trợ, tư vấn cho các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn. Với những hoạt động kết hợp QDY nhịp nhàng, hiệu quả, lực lượng quân y và dân y thực sự là lực lượng xung kích đi đầu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mang lại sự phát triển cho đất nước, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động QDY kết hợp trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm cơ bản sau đây:
Một là, thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện có hiệu quả hoạt động của mô hình QDY kết hợp trong PCD Covid-19.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên QDY về nhiệm vụ phối hợp, kết hợp trong PCD Covid-19. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban QDY các cấp. Đồng thời, ban QDY cần chủ động tham mưu, phối hợp nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tuyến y tế nhân dân để chỉ đạo, tổ chức kịp thời, sáng tạo, hiệu quả công tác chuẩn bị, PCD trên địa bàn trong từng giai đoạn bảo đảm sự phù hợp. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, như xác định nội dung, xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động QDY, phương án triển khai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất dự trữ trong PCD; huy động kịp thời và phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế tuyến xã, phường để đáp ứng khẩn cấp, hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.
Hai là, chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế cho lực lượng QDY sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống theo từng cấp độ dịch.
Quá trình hoạt động kết hợp QDY trong PCD Covid-19 cần tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với LLVT địa phương. Tích cực tham gia củng cố mạng lưới y tế cơ sở, trọng tâm là trạm xá các xã, phường, thị trấn cùng các tổ quân y lưu động, xây dựng các mô hình kết hợp QDY; phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và khi có tình huống dịch bệnh xâm nhập vào các đơn vị quân đội sẽ hình thành mạng lưới cứu chữa, vận chuyển bệnh nhân trong khu vực. Phát huy cao độ khả năng tại chỗ của lực lượng y tế cả dân y và quân y để huy động tối đa trang thiết bị phòng hộ, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết, thuốc điều trị bệnh nhân để sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống theo từng cấp độ dịch.
Ba là, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong PCD bệnh.
PCD Covid-19 là nhiệm vụ khó khăn, cấp bách cần nguồn lực rất lớn. Do vậy, nếu chỉ lực lượng QDY thực hiện thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, mà đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng, các cấp, các ngành, chính quyền, nhân dân địa phương và hợp tác quốc tế nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp PCD vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn và cả nước. Xây dựng lực lượng dự bị động viên ngành y tế vững mạnh, gắn chặt khâu tạo nguồn với huấn luyện bồi dưỡng về kiến thức y học quân sự và chuyên môn nghiệp vụ; coi trọng việc tổ chức các cuộc diễn tập, làm cho lực lượng y tế dự bị động viên nhanh chóng thích ứng với tình huống thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp đặt ra.
Bốn là, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các lực lượng QDY tham gia PCD.
Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Y tế để nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế hoạt động trong lĩnh vực ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, chú trọng đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu PCD. Quá trình nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách phải thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, tính chất hoạt động của lực lượng tham gia PCD; cân đối với các đối tượng khác có liên quan để bảo đảm công bằng, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu và động viên các lực lượng tham gia cả trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chặt chẽ, chu đáo, bảo đảm cho các đối tượng yên tâm thực hiện nhiệm vụ PCD...
Hoạt động của mô hình kết hợp QDY nói chung và trong PCD Covid-19 nói riêng đã tạo nên sự đoàn kết gắn bó, phối hợp chặt chẽ giữa quân y với dân y, góp phần nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đưa đời sống nhân dân sớm trở về trạng thái bình thường mới. Điều đó khẳng định, kết hợp QDY là giải pháp hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cấp bách mà thiên tai, dịch bệnh đặt ra. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kết hợp QDY, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, làm cơ sở để quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trung tướng, GS, TS ĐỖ QUYẾT và Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TỊNH