Thì ra là, Ban CHQS huyện Đại Lộc đang “hội nghị đầu bờ” về phòng, chống dịch Covid-19. Tiếng anh Quân: “Những ngày này cách đây 76 năm, lực lượng tự vệ vũ trang đã hình thành rộng khắp trên đất Đại Lộc, tạo cơ sở và làm nòng cốt để các tổng giành chính quyền từng phần xong trong ngày 18-8. Trước giờ G, đồng chí Trần Quang Đại, Tiểu đội phó tự vệ vũ trang làng Thừa Bình, thuộc tổng Đại An mang thư của Ủy ban khởi nghĩa đến trao cho viên Huyện trưởng Trần Điền, nói rõ: “Thời cơ cách mạng đã đến. Cách mạng báo cho huyện trưởng biết: Chỉ có ủng hộ chứ không được kháng cự. Nếu kháng cự là tự sát...”. Viên huyện trưởng nhận thư rồi bí mật chạy trốn, nhưng tự vệ vũ trang ta tóm gọn. 13 giờ ngày 19-8-1945, chính quyền về tay nhân dân Đại Lộc.
 |
Phổ biến nhiệm vụ hằng ngày cho lực lượng phục vụ tại điểm cách ly tập trung. Ảnh: Ban CHQS huyện Đại Lộc. |
Phát huy tinh thần ấy, những năm qua, Ban CHQS huyện Đại Lộc đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, nỗ lực hoàn thành tương đối tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong những ngày này, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, đe dọa tính mạng của nhân dân, nhất là với các tỉnh phía Nam, trong đó có Quảng Nam và TP Đà Nẵng lân cận. Đảng ủy, Ban CHQS huyện yêu cầu cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ thuộc LLVT huyện nhà phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thư động viên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sát cánh cùng nhân dân cả nước đẩy lùi giặc Covid-19.
 |
Tặng quà cho bà con ở khu cách ly. Ảnh: Ban CHQS huyện Đại Lộc. |
Thượng tá Hoàng Trung Dũng, Chỉ huy trưởng phát động: “Ban CHQS huyện là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đại Lộc cần tích cực, chủ động hơn nữa, tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch, quyết định, phương án và các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chúng ta phải là lực lượng xung kích trong thực hiện”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS Đại Lộc đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đại Lộc thiết lập 13 điểm cách ly tập trung (chủ yếu là các trường học trên địa bàn); đảm bảo đầy đủ về trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con thuộc diện cách ly; phân công cán bộ quân sự chỉ huy ở từng điểm cách ly.
 |
Tiếp nhận các suất cơm do bà con ở thôn Phiếm Ái 1, xã Đại Nghĩa tiếp tế cho khu cách ly. Ảnh: Ban CHQS huyện Đại Lộc. |
Mỗi cán bộ thuộc Ban CHQS huyện phụ trách một hoặc hai điểm cách ly tập trung. Hiện tại, số lượng người cách ly lớn, việc đảm bảo hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Ban CHQS huyện đã phát huy 4 tại chỗ và được sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ của nhân dân trên địa bàn.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Huân, Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS huyện Đại Lộc hiện đang phụ trách 2 khu cách ly tập trung cho biết, số người đang cách ly trong hai khu này là 300, sẽ tiếp tục tăng vì bà con đang về. Công việc hằng ngày của các anh là: Đón bà con, tổ chức khai báo y tế, sắp xếp vị trí ở, hướng dẫn các quy định trong khu cách ly, tuyên truyền các văn bản chỉ thị, quy định của Chính phủ về thực hiện cách ly tập trung; đảm bảo bữa ăn, phun thuốc khử khuẩn, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...
Nghe anh Huân kể về “một núi việc” mà không hề thấy anh phàn nàn, kêu ca gì. Chỉ thấy tiếng cười nhẹ và lời tâm sự: “Các cán bộ, chiến sĩ phục vụ tại khu cách ly coi đây là nhiệm vụ trực chiến, đánh giặc thời bình”. Những ngày ở điểm trực, chỉ liên hệ với gia đình qua điện thoại. Không thể nói là không vất vả nhưng anh em rất vui và cảm động, khi hằng ngày nhận được sự quan tâm, hỏi han về sức khỏe, về công việc, những lời động viên của các đồng chí lãnh đạo Ban CHQS huyện cũng như ý kiến của bà con trong khu cách ly: Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới vì dân như thế”.
PHẠM XƯỞNG