Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Thiếu tá Chu Bá Hòa đã được giao nhiệm vụ đảm nhiệm công tác hậu cần cho khu cách ly có số lượng công dân lớn nhất, nhì tỉnh Bắc Giang. Hằng ngày, anh thường phải dậy từ 3 giờ sáng để tiếp nhận thực phẩm; tổ chức nấu ăn bảo đảm bữa ăn sáng vào lúc 6 giờ, trưa từ 11 giờ và chiều là 17 giờ 30 (như chế độ các đơn vị quân đội) cho các công dân thuộc diện cách ly. Công việc cứ thế cuốn anh vào cho đến tận nửa đêm, sau khi hoàn thành việc gửi thực đơn, từng món ăn, loại rau, thịt, cá, gia vị... gửi cho các nhà cung cấp thực phẩm để 3 giờ sáng hôm sau tiếp nhận không thiếu thứ gì.

Trung tá Vũ Đăng Khoa, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Việt Yên, Trưởng khu cách ly Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang nhận xét: “Đồng chí Chu Bá Hòa là Trợ lý hậu cần của Ban CHQS huyện. Đồng chí mới chuyển công tác về từ đơn vị chủ lực và có hoàn cảnh rất là khó khăn. Vợ đồng chí mới mất, 2 con thì còn nhỏ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, đồng chí Hòa đã tình nguyện xung phong tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là tham gia khung cách ly ở Trường Đại học Nông-Lâm. Đồng chí Hòa rất cố gắng và nhiệt tình trong công việc. Từ đầu tới giờ theo đánh giá của anh em chúng tôi thì đồng chí Hòa đã rất nỗ lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cán bộ trong khung và công dân cách ly đánh giá rất cao đồng chí Hòa trong công tác thực hiện nhiệm vụ”.

Không kể mưa gió, Thiếu tá Chu Bá Hòa luôn tận tụy phục vụ công dân trong khu cách ly. 

Bận rộn là thế, nhưng như Thiếu tá Chu Bá Hòa tâm sự, có không ít lần bị công dân nói vì đưa cơm muộn. Như sáng ngày 19-5, khu cách ly tiếp nhận thêm 460 công dân đột xuất. Điều này khiến tổ hậu cần không kịp chuẩn bị. Bữa cơm trưa bị chậm mất hơn 1 tiếng. Nhiều người khó tính lớn tiếng vặn hỏi, anh chỉ nhẹ nhàng giải thích do thực phẩm đến muộn rồi lặng lẽ rời đi nhưng nước mắt cứ trực trào ra.

Được biết, hoàn cảnh của Thiếu tá Chu Bá Hòa thật đặc biệt. Trước đây, anh đóng quân ở xa. Kể từ ngày lập gia đình và sinh con, anh Hòa ít có điều kiện về thăm và chăm sóc gia đình. Năm 2017, vợ anh ốm nặng. Khi đi khám tại bệnh viện, vợ anh được xác định bị ung thư giai đoạn cuối. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp được, anh đều đổ dồn chữa trị cho vợ, nhưng bệnh tình của chị ngày càng nặng. Tới tháng 7-2020, người vợ yêu thương qua đời để lại cho anh 2 đứa con nhỏ. Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đầu tháng 5-2021, anh Hòa được thủ trưởng các cấp tạo điều kiện chuyển về công tác tại Ban CHQS huyện Việt Yên (Bắc Giang), gần nhà để có thêm điều kiện chăm sóc các con.

Cũng đúng thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát. Anh và đồng đội một lần nữa xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Anh kể: “Sáng 9-5, khi đang chở các con đi mua sách vở chuẩn bị vào năm học mới, tôi nhận được điện từ thủ trưởng đơn vị yêu cầu có mặt gấp để nhận nhiệm vụ. Tôi đành chở các con về gửi ở nhà ông bà nội (xã Quảng Minh, huyện Việt Yên) và hẹn các con tuần tới bố về sẽ mua sách và quần áo mới, nhưng từ đó tới nay, tôi vẫn chưa thể thực hiện lời hứa với các con”.

Trung tá Vũ Đăng Khoa cho biết: “Khu cách ly Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang là một trong những điểm cách ly có số lượng đông nhất do quân đội trực tiếp quản lý, điều hành và bảo đảm. Từ khi tiếp nhận đến nay, khu cách ly lúc nào cũng xấp xỉ 1.000 công dân. Đông nên mỗi người mỗi tính, nhất là khi mới vào, nhiều công dân chưa nắm được các quy định, không giữ được bình tĩnh nên đã mắng oan cho tôi và các đồng đội. Tuy nhiên, chỉ sau một vài ngày, nắm được các quy định, chế độ bảo đảm thì đa số các công dân đều cảm phục sự tận tâm, tận lực của đội ngũ phục vụ ở đây. Đặc biệt sau khi biết hoàn cảnh gia đình đặc biệt của Hòa, không chỉ đồng chí, đồng đội, cán bộ phục vụ, mà hàng trăm công dân ở khu cách ly đều rất khâm phục về tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ của đồng chí Hòa”.

Mỗi phần cơm đều được Thiếu tá Chu Bá Hòa kiểm tra để bảo đảm bà con có bữa ăn nóng và đầy đủ dinh dưỡng. 

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày giỗ đầu của vợ, biết chắc mình không thể về kịp, tranh thủ giờ nghỉ trưa hiếm hoi, anh Hòa gọi điện về con con gái lớn (sinh năm 2010) dặn dò tỉ mỉ, chăm sóc em trai, ông bà nội và chuẩn bị mâm cúng giỗ đầu cho mẹ. Sau cuộc điện thoại với con gái, anh Hòa choàng vội áo mưa rồi vút đi trong cơn mưa nặng hạt để tiếp nhận lương thực, thực phẩm chuẩn bị bữa cơm chiều đúng giờ, đa dạng, thơm ngon.

Người lính trên tuyến đầu chống dịch vẫn thường thầm lặng, chấp nhận hy sinh và tận tụy như thế. Chẳng biết câu nói cuối cùng qua điện thoại: “Hẹn ngày hết dịch bố sẽ về với con” dành cô con gái nhỏ của anh có kịp nghe trọn vẹn, bởi lúc ấy mưa rất dày hạt và gió lốc rất to...!

Bài và ảnh: SONG SƠN

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP: