Nhìn gương mặt trắng trẻo, đôi mắt thông minh ẩn sau cặp kính cận duyên dáng, tôi lại gần hỏi vui: “Bác sĩ xung phong vào “chiến trường” đã hỏi ý kiến “ông xã” chưa đấy?”. Huệ cười tươi đáp lại: “Em chưa có “ông xã” nhưng có bạn trai cùng đi chuyến này!”. Tôi nhìn sang Trung úy Thân Văn Hiếu, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm da liễu, BVQY 91 (Quân khu 1), thấy cậu cười, rồi nắm nhẹ tay bạn gái, tỏ ý xác nhận. Hiếu và Huệ quen nhau vì cùng học tại Học viện Quân y (Hiếu học trên Huệ hai khóa), lại cùng quê Bắc Giang, cả hai yêu nhau được hơn một năm.

Hai bác sĩ quân y trẻ trước giờ lên đường vào miền Nam chống dịch. 

Nhìn đôi bạn trẻ hân hoan đứng cạnh nhau trong giờ phút chuẩn bị lên đường, tôi hỏi Huệ: “Thế trong đợt tăng cường này, ai là người “rủ rê”?”. Huệ cho biết: “Không ai rủ anh ạ! Biết tin Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng quân y cho các bệnh viện dã chiến phía Nam, em lập tức viết đơn xung phong rồi lên xin xác nhận của chủ nhiệm khoa. Thấy em còn trẻ, lại là nữ nên ban đầu chỉ huy cũng... ái ngại, sợ em vào đó gặp vất vả. Nhưng biết em quyết tâm, công việc chuyên môn phù hợp với nhu cầu trong đó nên lãnh đạo đã chấp thuận. Đăng ký xong em mới thông báo cho bạn trai và rất bất ngờ vì anh ấy cũng đăng ký xung phong đi đợt này”.

“Ở bệnh viện em cũng nhiều người xung phong lắm. Nhưng cấp trên phải rà soát theo các tiêu chí sức khỏe, chuyên môn, hậu phương gia đình mới duyệt danh sách”- Hiếu phấn khởi chia sẻ. Tôi hỏi Hiếu: “Khi nhận được thông báo của người yêu, Hiếu cảm thế nào?”. Cậu cười: “Em chỉ nói với Huệ đây là quyết định quan trọng nên phải suy nghĩ kỹ, vì khi vào đó, các bác sĩ phải làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Nhắc vậy thôi chứ yêu nhau hơn một năm em hiểu, khi Huệ đã quyết thì khó lòng thay đổi. Chúng em thấy vui vì có chung suy nghĩ, trái tim cùng chung nhịp đập, đều hướng về miền Nam thân yêu, muốn được đóng góp sức lực của mình trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19”.

Huệ tiếp lời: “Nhìn các bệnh viện quá tải, nhiều đồng nghiệp kiệt sức vì vất vả, trong khi người mắc Covid-19 ngày một đông, em không đành lòng, chỉ muốn vào ngay để chung tay cùng mọi người điều trị cho các bệnh nhân. Em cũng coi đây là một cuộc “thử lửa” để mình trưởng thành, chững chạc hơn, học hỏi được nhiều kiến thức thực tế quý báu, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp”.

Trung úy, Bác sĩ Phạm Thị Huệ và các đồng đội làm thủ tục để bay vào miền Nam chung tay chống dịch. 

Thấy mọi người chuẩn bị quân tư trang để lên xe, tôi hỏi nhanh: “Hai bạn đã hình dung công việc cụ thể của mình trong đó chưa?”. Hiếu nhanh nhảu: “Chúng em được quán triệt từ trước nên cũng nắm được cơ bản nhiệm vụ. Khi vào đó em sẽ được bổ sung vào Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5B, còn Huệ được tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5D. Vào đó, tùy tình hình cụ thể, chỉ huy bệnh viện sẽ phân công, giao nhiệm vụ trực tiếp. Với những kiến thức, kinh nghiệm của mình, cả hai đều tin tưởng mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai bệnh viện cùng đứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng cách nhau vài chục cây số, có nhớ nhung cũng chỉ liên lạc được qua điện thoại, muốn gặp nhau phải chờ khi chiến thắng trở về anh ạ!”.

Nói xong, Hiếu lại cầm tay Huệ, nắm chặt hơn, rồi cả hai cùng mỉm cười. Tôi xin phép hai bạn ghi lại khoảnh khắc ấy. Dưới cái nắng trải vàng giữa trưa những ngày đầu thu, gương mặt của hai bác sĩ quân y trẻ càng thêm ngời sáng. Có những con người đầy sức trẻ, nhiệt huyết, mang theo tình yêu trong trẻo, thánh thiện như Hiếu, Huệ cùng bao người khác đồng tâm tiếp sức, tôi tin, chắc chắn, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của nước ta sẽ sớm thành công...

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN