Bác sĩ Đào Huy Hiếu, hiện là học viên năm 2 BSCKII của Học viện Quân y, bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong đội hình Học viện Quân y đi chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 21-8, anh đã lên đường chi viện cho miền Nam chỉ sau một ngày nhận được thông báo và cũng như rất nhiều đồng đội khác, anh mang theo mình mệnh lệnh của người bác sĩ-chiến sĩ, sẵn sàng xông vào tâm dịch và quyết tâm chiến thắng trở về.
Nhận nhiệm vụ tại địa bàn rộng và dân số đông, tổ quân y của bác sĩ Đào Huy Hiếu được sắp xếp ở tại một lớp học trong ngôi trường cấp 2 của địa phương. Nhiều bỡ ngỡ chưa quen của ngày đầu mới vào, từ đường sá hay phương tiện đi lại nhưng đối với người lính, thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Hằng ngày, sáng sớm hay đêm muộn anh cùng tổ quân y lưu động đi từng ngõ hẻm hướng dẫn, cấp thuốc, điều trị cho F0 tại nhà.
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình trong ngày làm việc, bác sĩ Đào Huy Hiếu nhắn gửi vài dòng cho người viết: “Niềm vui lớn nhất trong ngày của tổ là đã cấp cứu được nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng”.
Ngay hôm nhận nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Đào Huy Hiếu nhớ như in ca cấp cứu một bệnh nhân F0 cao tuổi tại nhà. Đó là một cụ bà 86 tuổi với tình trạng nằm bất động và mặt đeo khẩu trang, người nhà thì chạy quanh anh và miệng liên tục nói: "Bác sĩ ơi! cứu mẹ em với”. Tức khắc, anh tiến hành kéo khẩu trang bệnh nhân xuống, quan sát thấy miệng trào ra bọt hồng, kéo áo lên thì thấy cơ thể gày gò, các cơ gian sườn đang co rút vì khó thở, đặt ống nghe thấy 2 phổi rất nhiều ran ẩm. Được biết bà cụ có bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường mới phát hiện nhiễm Covid-19 đã 3 hôm. Trước đó, gia đình đã gọi nhiều nơi nhưng bệnh viện chưa thể thu xếp được giường, trong khi đó tính mạng bệnh nhân chỉ còn tính bằng phút. Bằng cố gắng nỗ lực của cả tổ cấp cứu, cuối cùng “thần chết” cũng phải buông tay bà cụ. Sau đó, anh dặn gia đình dùng các thuốc theo phác đồ và vẫn không quên nhắc gia đình khi nào viện thu xếp được giường thì nhập viện điều trị. Hôm sau, bác sĩ Đào Huy Hiếu gọi lại thì được biết bà đã ổn hơn rất nhiều lên có thể điều trị tiếp ở nhà.
 |
Bác sĩ Đào Huy Hiếu cấp cứu ca F0 tại nhà, phường 12, quận Tân Bình. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Và cứ như vậy, ngày ngày anh và tổ quân y của mình luôn trong tình trạng “trực chiến 24/24h”, bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân gọi là anh bật dậy làm việc. Làm việc với cường độ cao, song mọi người trong tổ đều tự nói với nhau rằng, mệt chỉ là cảm giác, chỉ cần cố thêm chút nữa, chút nữa, dịch sớm kiểm soát, Nam-Bắc hát vang bài ca chiến thắng “giặc Covid-19” thì dường như mọi mệt mỏi tan biến hết. “Có một hôm, tôi nhận được một số thuốc tăng sức đề kháng của mạnh thường quân gửi cho tổ quân y chúng tôi, tôi liền chuyển ngay cho các đồng nghiệp ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương, vì tôi biết rằng, ở nơi đó họ cần trước chúng tôi”, anh Hiếu chia sẻ.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và cả ở Việt Nam, với biến chủng delta có tốc độ lây lan nhanh và khi mắc thì diễn biến bệnh cũng rất nhanh ngay cả những người trẻ không có bệnh nền vẫn có thể tử vong. Nơi tuyến đầu chống dịch, anh Hiếu cũng như vợ của mình, chị cùng đoàn thiện nguyện của mình cũng tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều nguy cơ. Dẫu biết rằng có nhiều nguy cơ, nơi quê nhà hai con còn nhỏ, bố mẹ hai bên tuổi đã già, nhưng anh và chị cùng khắc phục những khó khăn trước mắt, cùng quyết tâm xông pha vào tâm dịch. Vì hơn hết anh, chị luôn tin vào ngày mai chiến thắng. Đó là niềm tin vào sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam kiên cường, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, đặc biệt là trong trận chiến với kẻ địch “vô hình” Covid-19 này.
 |
Bác sĩ Đào Huy Hiếu vừa chuẩn bị bình oxy, vừa tư vấn điện thoại điều trị F0 tại nhà. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Những trang nhật ký chống dịch của bác sĩ Đào Huy Hiếu cùng tổ quân y của mình sẽ còn dày thêm. Họ sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, nhưng chúng ta chắc chắn một điều, họ đã sống và cống hiến một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình mang hai màu áo, áo trắng–áo xanh, màu áo của “vùng xanh” tinh thần, màu áo của bình yên cho mọi nhà.
Một tháng, hai tháng hay còn lâu hơn thế, không ai biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc, anh Hiếu cùng nhiều cán bộ y tế nơi tuyến đầu mới bớt cực nhọc, khỏe mạnh về nhà và đoàn tụ với gia đình ăn những bữa cơm nóng hổi và giấc ngủ đủ giấc. Thế nên, vào lúc này, không gì quan trọng hơn những lời động viên, sự chia sẻ và thấu hiểu từ "hậu phương" cùng sự hợp tác của người dân đoàn kết chống dịch để ngày chiến thắng Covid-19 một gần. Thấm thoát thoi đưa đất nước đã trải qua hai mùa hạ rực lửa nơi chiến trường không tiếng súng-chiến trường của những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chiến đấu chống lại Covid-19 bằng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, không ngại gian khó.
THÚY NGỌC