Ngày xách ba lô hành quân vào tâm dịch, nữ bác sĩ quân y vừa tròn 26 tuổi. Chiếc ba lô trên vai Khánh Linh che khuất cả thân hình mảnh khảnh nhưng tràn đầy quyết tâm thắng dịch mới trở về.
Nữ bác sĩ trẻ được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ Quân y cơ động số 10, đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang và trách nhiệm. Chỉ sau một thời gian, hình ảnh nữ bác sĩ quân y nhỏ nhắn trong bộ đồ bảo hộ kín mít với cái tên Khánh Linh đã trở nên thân thuộc đối với bà con trên địa bàn phường Thuận Giao, TP Thuận An (Bình Dương).
 |
Trung úy Phạm Khánh Linh chuẩn bị y cụ cho buổi làm việc trong tâm dịch. |
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, dù không muốn nhắc lại, nhưng có lẽ, hình ảnh về buổi sáng mà bác sĩ Khánh Linh bế cháu bé chạy vào khu cấp cứu của Bệnh viện quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương), sẽ không bao giờ quên được với nữ bác sĩ này.
Thời điểm đó là vào đầu giờ sáng, khi Trung úy Phạm Khánh Linh cùng đồng đội đang chuẩn bị các y cụ cho một ngày làm việc mới. Lúc này cô nhận được thông tin về cháu bé cần trợ giúp về y tế khẩn. Ngay lập tức Khánh Linh gọi điện thoại cho mẹ của cháu bé, tư vấn cách sơ cứu rồi cùng đồng đội mặc đồ bảo hộ, gấp rút cơ động đến hiện trường.
Khi tiếp cận, bước đầu thăm khám, Trung úy Phạm Khánh Linh nhận thấy cháu bé có biểu hiện suy hô hấp, bụng trướng, ý thức lơ mơ. Cháu bé âm tính với SARS-CoV-2. Với trực giác nghề nghiệp, xác định tính chất nguy kịch với tiên lượng không tốt, bác sĩ Khánh Linh đã ngay lập tức yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu. Tuy nhiên, thời điểm này các trung tâm cấp cứu trên địa bàn báo về đều đang quá tải.
Thời điểm cấp bách đó, Khánh Linh đã quyết định mang theo bình oxy trợ thở và lên một chiếc xe tải nhỏ của tình nguyện viên để đưa hai mẹ con bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Do cổng phụ bị khóa cửa, xe không thể vào được bên trong. Giây phút cấp bách đó, Trung úy Phạm Khánh Linh đã quyết định bế cháu bé trên tay chạy bộ vào khu cấp cứu. Trên tay là cháu bé, nữ bác sĩ quân y với thân hình nhỏ nhắn, nặng chưa đầy 50kg ấy đã chạy nhanh nhất có thể. Vừa chạy, cô vừa gọi lớn “Cấp cứu… Cấp cứu…”.
Có những bước chân như hẫng đi trên đường, nhưng bằng ý chí kiên cường của một bác sĩ trước tính mạng của người bệnh, Khánh Linh vẫn gắng sức để kịp đưa cháu bé lên được cáng trước phòng cấp cứu. Sau khi thấy đồng nghiệp đã bắt đầu ép nhịp tim, đẩy cáng vào phòng cấp cứu, nữ bác sĩ trẻ trong bộ đồ bảo hộ kín mít mới tựa vào tường thở dốc.
 |
Bác sĩ Phạm Khánh Linh cùng đồng đội đang khám bệnh cho người dân. |
Rất muốn được cùng đồng nghiệp tiếp tục cấp cứu và theo dõi sức khỏe cháu bé. Nhưng thời điểm đó, Tổ Quân y cơ động của bác sĩ Phạm Khánh Linh lại tiếp tục nhận được thông tin có ca Covid-19 trong cộng đồng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp về y tế. Khánh Linh nhắn nhủ với mẹ cháu bé rồi gửi gắm cho đồng nghiệp và lại tức tốc lên đường đến địa bàn thực hiện nhiệm vụ.
Chiều hôm ấy, Khánh Linh đã bật khóc và bỏ bữa khi nhận hung tin từ mẹ cháu bé rằng con không qua khỏi… Dù tiên lượng được tình huống của bệnh nhân khi đưa đi cấp cứu là rất nguy kịch. Nhưng Khánh Linh vẫn muốn tin vào một điều kỳ diệu dành cho bé. Vậy mà đã không có một phép màu để giữ con ở lại với gia đình…
Và giờ đây, nén lại những buồn thương, Trung úy, bác sĩ Phạm Khánh Linh cùng đồng đội lại nỗ lực bằng hai, bằng ba để chạy đua với thời gian trong tâm dịch Bình Dương, chiến đấu với “giặc” Covid-19.
Nữ bác sĩ, chiến sĩ này đã và đang cùng với đồng đội, đồng nghiệp bằng ý chí quyết tâm, bằng bản lĩnh của người chiến sĩ quân y luôn tâm niệm sẽ làm hết sức mình đẩy lùi dịch bệnh, giành lại cuộc sống bình yên cho nhân dân với niềm tin một ngày không xa, Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Điều còn mãi trong lòng nữ bác sĩ quân y là tình quân dân, nghĩa đồng bào ở nơi tâm dịch. Đây là động lực thôi thúc chị và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục cống hiến vì Tổ quốc vì đồng bào.
PHẠM TRẦN VŨ