Thấy tiếng khóc, tôi và anh Thành tò mò nhìn vào trong. Hóa ra chị Cầm đang chia sẻ với Trung úy, nhà báo Phan Thanh Hà, nữ phóng viên Báo Quân đội nhân dân về sự giúp đỡ của các anh bộ đội với gia đình mình. Đứng cạnh chiếc giường còn sũng nước, chị Cầm lấy tay xếp lại các thanh dát, rồi quệt nước mắt, tiếp tục rưng rưng kể về sự xuất hiện, giúp đỡ kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lệ Thủy và lực lượng dân quân xã Lộc Thủy.  

Chị Hoàng Thị Cầm xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. 

Không giống với cái tên rất đẹp, hoàn cảnh của chị Cầm khá éo le. Chồng chị là anh Trần Hữu Diệu, 30 tuổi, quân nhân dự bị động viên của xã. Hai anh chị lấy nhau đã lâu nhưng sau hai lần mang thai, chị Cầm đều không giữ được cháu bé. Nhà anh chị nằm ở cuối ngõ, thuộc vùng trũng úng nhất của xóm, thuộc nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Ở vị trí như vậy nên chỉ cần mưa lớn một chút, nước có thể dâng vào trong nhà. Trong trận mưa lũ lịch sử năm 2020, căn nhà cấp 4 của vợ chồng chị Cầm bị nước san phẳng, đồ đạc, hàng hóa cũng bị dòng nước hung hãn cuốn trôi hết. “Vợ chồng tôi dành dụm được chút vốn, nhập hàng tạp hóa về để bán, vậy mà chỉ trong chớp mắt, dòng nước lũ đã cuốn trôi hết cả. May nhờ có các anh bộ đội đến ứng cứu kịp thời, hai vợ chồng mới được bảo toàn được tính mạng”- chị Cầm bùi ngùi nhớ lại.

Biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình, Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và một số doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ anh chị được gần 170 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà hai tầng có nền cao ráo, theo thiết kế nhà chống lũ. Ngày về nhà mới, vợ chồng anh Diệu, chị Cầm không giấu nổi nước mắt khi thấy rất đông những chiếc áo xanh của bộ đội Cụ Hồ về chia vui, tặng quà gia đình. Nhưng mới về ở được thời gian ngắn, còn chưa kịp dành dụm mua sắm thêm đồ đạc, trận mưa dai dẳng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão cách đây mấy ngày đã khiến nước tràn vào trong nhà cao trên nửa mét. Chiếc giường trong căn phòng tầng một bị nước dâng lên mấp mé thành, dát trôi lênh láng. May anh chị kịp vận chuyển đồ đạc quan trọng lên trên tầng 2 nên lần này, gia đình không bị thiệt hại về tài sản.

“Khi nước vừa rút, vợ chồng đang loay hoay bàn cách dọn dẹp, vệ sinh thì đã thấy gần chục anh bộ đội thuộc Ban CHQS huyện Lệ Thủy và lực lượng dân quân xã Lộc Thủy đến thăm hỏi, giúp đỡ. Thấy màu áo bộ đội, hai vợ chồng chúng tôi cảm động trào nước mắt. Với sự chung tay của các anh, chỉ trong một buổi, số bùn, đất đọng trong sàn nhà, các ngóc ngách đã được thau rửa, dọn dẹp sạch sẽ. Các anh bộ đội còn giúp vợ chồng tôi kê xếp lại đồ đạc, vật dụng. Nhìn hình ảnh ấy, hai vợ chồng xúc động, không nói thành lời. Sự quan tâm chu đáo, trách nhiệm, nghĩa tình của các anh đã giúp vợ chồng tôi thêm vững tin hơn, động viên nhau cố gắng bám trụ lại mảnh đất này”.

 Thiếu tá Nguyễn Đức Thành động viên chị Cầm và gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Nghe những lời tâm sự gan ruột của chị Hoàng Thị Cầm, Thiếu tá Nguyễn Đức Thành cười hiền đáp lại: “Đó là nhiệm vụ của những người lính chúng tôi mà. Đâu chỉ riêng gì nhà anh chị, còn nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt cũng được đơn vị tổ chức lực lượng đến hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục hậu quả mưa lũ. Hơn nữa, anh Diệu là quân nhân dự bị, cũng là đồng đội, nên đơn vị phải có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn, đó là lẽ thường tình thôi”.

Dứt lời, anh Thành bắt tay chị Cầm chào tạm biệt để tiếp tục đưa lực lượng đi giúp các hộ dân khác. Bóng những chiếc áo quân phục dã chiến đã khuất dần, chị Cầm vẫn còn dõi theo, những giọt nước mắt tự nhiên lại lăn dài.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN - HÀ HUY HIẾU