Thực hiện lời Bác Hồ dạy: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua... bộ đội Quân đoàn 4 luôn vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch bệnh...”. Đại tá, Tiến sĩ (TS) Lương Đình Lành, Tư lệnh Quân đoàn 4 bắt đầu như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 13-8.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 434 làm nhiệm vụ kiểm soát trên các tuyến giao thông tỉnh Bình Dương. Ảnh: KIM TẦN 

Càng khó khăn càng gắn bó mật thiết với nhân dân

Phóng viên (PV): Đồng chí vừa nói đơn vị đang nằm giữa "tam giác" dịch, vậy việc bảo đảm an toàn cho bộ đội, an toàn đơn vị được thực hiện như thế nào?

Đại tá, TS Lương Đình Lành: Các đồng chí có thể hình dung, 3 cạnh của “tam giác” ấy là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước. Đặc thù của quân đoàn là làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn Nam Bộ, nên mặc dù dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, Covid-19 tiến đến sát “nách” các đơn vị, nhưng nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ vẫn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn với nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch. Cho đến nay, yêu cầu về an toàn sinh học cho bộ đội, an toàn đơn vị vẫn được duy trì, bảo đảm tốt. Có một số trường hợp quân nhân bị nhiễm Covid-19, đơn vị đã phát hiện sớm, nhanh chóng khoanh vùng, khám sàng lọc, tổ chức cách ly, điều trị, khử khuẩn chu đáo, không để dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng. Thực hiện mệnh lệnh của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị trong quân đoàn cấm trại, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là ở những đơn vị đủ quân.

PV: Đứng giữa “tam giác” dịch bệnh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho các cơ quan, đơn vị phối hợp, giúp dân phòng, chống dịch như thế nào?

Đại tá, TS Lương Đình Lành: Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, theo đề nghị của các địa phương trong tâm dịch, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đã chỉ đạo các đơn vị: Bộ Tham mưu, các Lữ đoàn 434, 71, 550... điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ chống dịch trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Bình Dương, như: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên... Các đơn vị quân y trong quân đoàn cũng điều động hơn 200 bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 5B, chi viện cho y tế các địa phương trong vùng tâm dịch, tham gia bảo vệ vành đai các vùng tâm dịch. Các đơn vị: Sư đoàn 7, Trường Cao đẳng nghề số 22 đã nhường doanh trại cho địa phương làm khu cách ly tập trung, tổ chức bảo đảm cách ly an toàn cho mỗi đợt, ở mỗi địa điểm khoảng 500 người. Hiện nay, Sư đoàn 309 cũng đang tiến hành sắp xếp, dồn dịch, chuẩn bị doanh trại, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng cho khu cách ly tập trung của tỉnh Đồng Nai, sẵn sàng đón người vào cách ly theo kế hoạch của tỉnh...

Bộ đội Bộ Tham mưu Quân đoàn 4 phục vụ trong khu cách ly tập trung tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HỮU TÀI 

Bộ đội Quân đoàn 4 đã được nhân dân yêu thương, che chở, đùm bọc trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nay, nhân dân miền Nam đang đối mặt với đại dịch, càng trong khó khăn, hoạn nạn, bộ đội Quân đoàn 4 càng phải gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, làm hết sức mình để cùng tạo sức mạnh tổng hợp chống dịch.  

Những hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ

PV: Điều gì trong công tác giúp dân, phối hợp chống dịch của bộ đội Quân đoàn 4 được đồng chí tâm đắc?

Đại tá, TS Lương Đình Lành: Điều giúp chúng tôi an tâm và cũng là động lực, niềm tin cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ trong các vùng tâm dịch, là đến nay lực lượng này vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bộ đội Quân đoàn 4 coi đây là đợt dân vận lớn, thực hiện nhiệm vụ trong môi trường dễ lây nhiễm, khó khăn, phức tạp, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ đều là những tấm gương về công tác dân vận, giúp dân từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất.

Trong công việc phục vụ, tham gia tuần tra, canh gác, kiểm soát cho đến những hành vi ứng xử hằng ngày với dân đều phải thể hiện những nét đẹp, truyền thống cao quý của Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo với nhân dân. Bên cạnh đó, ở những đơn vị có điều kiện, đều tổ chức các chương trình thiết thực hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn. Chẳng hạn Sư đoàn 9 phối hợp với một số doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức trao hơn 2.000 phần quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện Củ Chi. Sư đoàn 309 cũng tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất của đơn vị giúp đỡ hàng trăm gia đình khó khăn... 

PV: Trên tuyến đầu chống dịch, chúng tôi đã chứng kiến nhiều tấm gương quên mình vì nhiệm vụ, gây xúc động mạnh trong đời sống xã hội. Bộ đội Quân đoàn 4 trong “tam giác” dịch bệnh, chắc chắn cũng sẽ có những tấm gương như vậy?

Đại tá, TS Lương Đình Lành: Vâng! Bộ đội Quân đoàn 4 có rất nhiều tấm gương như vậy. Chẳng hạn Thượng tá Bùi Văn Tân, Phó chính ủy Lữ đoàn 71, chỉ huy lực lượng của lữ đoàn làm nhiệm vụ trong tâm dịch Thuận An. Nhận được tin thân phụ qua đời do nhiễm Covid-19 và vợ cũng bị F0, nhà ở gần nhưng không thể về chịu tang cha, chăm sóc vợ. Anh đã vượt lên nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần của một người chỉ huy đơn vị thời chiến. Đến nay, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị trong quân đoàn có cha, mẹ, vợ, con, thân nhân nhiễm Covid-19, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều trường hợp cha, mẹ qua đời không thể về chịu tang, vợ yếu, con đau không thể về chăm sóc. Các đơn vị đã lập bàn thờ bái vọng và để anh em đồng chí, đồng đội thắp hương chia buồn đối với những đồng chí có cha, mẹ từ trần. Đó là những hy sinh thầm lặng của bộ đội Quân đoàn 4 trong tâm dịch. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã quan tâm, kịp thời có các hình thức động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau trên tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội như tình ruột thịt. Chính sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, nỗi đau của đồng đội cũng là nỗi đau của mình, ai cũng có bổn phận chia sẻ, đồng cảm nên bộ đội Quân đoàn 4 vẫn luôn vững vàng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đơn vị đã xung phong, sẵn sàng thay thế đồng đội trong các vùng tâm dịch thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)