Đó là lịch làm việc không theo một "quy lát" nào của thầy thuốc chiến sĩ tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
“Chị Thanh Tâm” trong vùng dịch
Trái hẳn với những bài học trong sách vở, đã một tuần nay, Trung sĩ Đặng Duy Thế Vũ (học viên Học viện Quân y) thuộc Tổ Quân y cơ động số 113 và tình nguyện viên Trần Nguyễn Hoàng Anh trực thuộc Trạm Y tế lưu động phường Tân Định (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đảm nhận công việc mà trước đây họ chưa bao giờ từng trải qua. Đó là tiếp nhận thông tin, tư vấn y tế cho các bệnh nhân Covid-19 và những người có nguy cơ trở thành F0.
 |
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (áo bảo hộ trắng) hỗ trợ người nhà đưa bệnh nhân ra xe cứu thương sau khi tiến hành sơ cứu ban đầu. |
Chiếc điện thoại đường dây nóng ở đây nóng theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hầu như ngày nào, máy cũng hoạt động hết công suất. Hoàng Anh ngồi bên này chỉ vừa đặt tai nghe xuống, chuông đã reo. Đặng Duy Thế Vũ lại nhấc máy lên, trả lời: “Alo, Trạm Y tế lưu động phường Tân Định nghe rõ. Bác cần thông tin gì ạ?... Vâng, xin bác cho biết tình trạng của bệnh nhân!... Vâng, khó thở, SPO2 ở mức 85% ạ!... Rồi, rồi... Bác hãy chú ý theo dõi sát sức khỏe của người bệnh, ít phút nữa, chúng cháu sẽ có mặt...!”.
Khi Thế Vũ vừa đặt điện thoại xuống, dữ liệu về người bệnh cũng lập tức được Hoàng Anh soạn trên điện thoại gửi lên nhóm phản ứng nhanh của trung tâm. Kíp bác sĩ quân y tiếp nhận đủ thông tin, chuẩn bị xong dụng cụ sơ cứu, mặc quần áo bảo hộ và lao vút đi...
Không chỉ riêng Trung sĩ Đặng Duy Thế Vũ hay tình nguyện viên Trần Nguyễn Hoàng Anh, Đại úy, bác sĩ Võ Tùng Sơn, Bệnh viện Quân y 211 (Cục Hậu cần Quân đoàn 3), thuộc Tổ Quân y cơ động số 36, được phân công tham gia trạm y tế lưu động trên địa bàn phường 12, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) dù chỉ một thời gian ngắn đã trở thành người thân của trạm y tế phường. Không chỉ qua điện thoại, ngoài giờ khám, cấp phát thuốc, tư vấn tại nhà cho bệnh nhân, anh lại có mặt tại Trạm Y tế lưu động phường 12 để tư vấn và hỗ trợ về chuyên môn cho đồng nghiệp.
Khi chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế lưu động phường 12, cũng là lúc Đại úy Võ Tùng Sơn đang tỉ mỉ hướng dẫn cách chẩn đoán triệu chứng, từng loại thuốc, thời điểm sử dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Anh chia sẻ: “Ngoài trực tiếp đi thăm khám và tư vấn qua điện thoại cho người dân trên số máy đường dây nóng, trước yêu cầu chia sẻ về chuyên môn, chúng tôi cũng đồng hành với các y sĩ của trạm quân y địa phương để tư vấn giúp các đồng nghiệp trong nhiều tình huống khác nhau”.
 |
Các bác sĩ quân y tại Trạm Y tế lưu động phường 12, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đi cấp phát thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. |
Bác sĩ Trịnh Thị Bình, Phó trạm trưởng Trạm Y tế lưu động phường 12 bày tỏ với chúng tôi niềm vui khi nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các chiến sĩ quân y: “Các bác sĩ quân y về đây đã trợ giúp thông tin, thăm khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Hơn thế, đã tư vấn chuyên môn cho chúng tôi trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Điều đó không chỉ giúp chúng tôi yên tâm hơn với nhiệm vụ của mình mà người dân càng thêm tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch (PCD) của đội ngũ y tế và chính quyền địa phương”.
Điểm tựa trong cơn dịch giã
Phường 7, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), từ khi bộ đội quân y về thiết lập trạm y tế lưu động, đồng chí Văn Thành, Phó chủ tịch UBND phường, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh PCD Covid-19 mới bớt đi được áp lực. Trước đây, hằng ngày, anh cùng cán bộ của trạm y tế phường lăn lộn trên địa bàn. Có hôm, đến nửa đêm chưa được về nhà. Tuy nhiên, do đội ngũ y tế của phường cũng chưa đồng đều về chuyên môn nên khi các bác sĩ quân y về tăng cường, việc đi từng ngõ, gõ từng nhà mới được triển khai hiệu quả.
Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) là người được giao phụ trách tổ quân y làm nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động phường 7 (quận Phú Nhuận). Khi chúng tôi vừa đến trạm thì anh đã mặc xong bộ đồ bảo hộ phòng dịch cấp 4, trên tay xách theo bình oxy, đi nhanh về phía đồng chí dân phòng bên chiếc xe đang nổ máy. Chỉ cách đây vài phút, các anh nhận thông tin về một bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà có dấu hiệu đột ngột trở nặng với chỉ số huyết áp lên đến 150/120. Thế là các anh tức tốc lên đường. Chưa kịp nói với bác sĩ Hùng điều gì, chúng tôi bám theo chiếc xe. Xuyên qua từng con hẻm, loanh quanh chừng mười lăm phút cũng đến được nhà người bệnh.
Không nề hà, cửa mở, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng đi thẳng vào phía bệnh nhân đang nằm. Anh nhanh chóng mở bình thở oxy, đo chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân, đọc to các thông tin, chỉ số. Đồng chí dân phòng đứng phía cửa ghi lại và ra hiệu gọi xe cứu thương. Ít phút sau, các chỉ số sinh tồn có dấu hiệu tích cực. Xe cứu thương cũng đã đến đầu ngõ. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cầm theo bình oxy, hỗ trợ bệnh nhân lên cáng. Anh đi như bay theo chiếc xe cáng đẩy bệnh nhân ra ngoài đường lớn. Sau khi đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu, bàn giao cho bác sĩ trên xe, anh đứng lại sát khuẩn.
Toàn bộ quy trình từ lúc tiếp cận cho đến khi bệnh nhân được đưa lên xe cứu thương diễn ra trong chưa đầy 30 phút. Mọi thao tác đòi hỏi phải rất nhanh chóng và chính xác. Bác sĩ tự bảo đảm tất cả các khâu sơ cứu ban đầu. Chỉ đến khi người bệnh an toàn và được bàn giao cho xe cứu thương mới tạm hoàn thành. Nhìn Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng, anh Văn Thành nói với chúng tôi: “Chưa xong đâu đồng chí. Trên nhóm tổ phản ứng nhanh vừa báo một trường hợp ở cách đây chừng 1km. Ngay bây giờ, bác sĩ Hùng sẽ đến thẳng đó để cấp cứu cho bệnh nhân này”. Anh Thành chưa dứt lời, xe chở Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã lao vút đi...
Trung bình mỗi ngày, một bác sĩ quân y ở Trạm Y tế lưu động phường 7 hỗ trợ cấp cứu và đưa đến bệnh viện hơn 10 bệnh nhân Covid-19. Ấy vậy mà những người lính trong bộ áo bảo hộ kín mít ấy vẫn rong ruổi trong những ngõ hẻm, đến từng nhà dân, thăm khám từng người bệnh, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.
Chúng tôi gặp Đại úy Vũ Anh Tuấn, bác sĩ Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần Quân khu 3) thuộc Tổ Quân y cơ động số 113, phục vụ tại Trạm Y tế cơ động phường Tân Định (quận 1) khi anh vừa đi thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 về. Vừa trút bỏ bộ đồ bảo hộ ướt nước mưa, vừa cẩn thận khử khuẩn các thiết bị y tế, Tuấn nói vui: “Khám xong cho người dân, lúc về mà mưa thế này là trời chiều lòng chúng tôi anh ạ! Mưa thì ướt ngoài còn đỡ, nắng thì ướt trong càng khổ!”.
Mỗi lần mang bộ đồ bảo hộ lên đường, Đại úy Vũ Anh Tuấn sẽ đi một vòng. Anh đến thăm, khám và phát thuốc cho từng bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Cứ thế, từ sáng đến xuyên trưa, vừa đi xe máy, vừa đi bộ qua từng con hẻm. Dưới trời nắng, chỉ nửa buổi là khắp cơ thể đã ướt nhẹp mồ hôi, ngứa ngáy. Ngày nào cũng vậy, anh và đồng đội vẫn phải bám trụ vì sức khỏe của nhân dân. Bữa nào xong việc ra về vào đúng lúc trời mưa, dù vướng víu, bẩn một chút, song sẽ dễ chịu hơn nhiều...
Đã nhiều ngày nay, theo Đại úy Vũ Anh Tuấn nhẩm tính, anh và đồng đội vẫn bảo đảm được ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc mà Vũ Anh Tuấn nói đến là tổng thời gian chợp mắt. Có nghĩa là cứ hết ca trực, bất kể là giờ nào, đặt lưng xuống là ngủ một mạch. Có khi một giấc chỉ... 30 phút... rồi có ca bệnh lại chạy như bay đi cấp cứu bệnh nhân. Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, song những chiến sĩ quân y nơi tuyến đầu vẫn từng ngày bám trụ vì sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của nhân dân trước đại dịch.
Báo cáo của Hội nghị giao ban triển khai các biện pháp PCD Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chiều 30-8 nêu rõ, kết quả hoạt động của các trạm y tế lưu động: Bước đầu đã đạt hiệu quả rất tích cực, đặc biệt là sự tin tưởng của nhân dân tại các khu vực các tổ quân y cơ động triển khai. Cụ thể: Chăm sóc, điều trị tại nhà cho hơn 4.600 người, theo dõi hơn 4.200 ca F0, cấp thuốc cho gần 1.800 người; lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 6.200 người, phát hiện 337 trường hợp dương tính, chiếm 5,43%; tham gia tiêm vaccine cho hơn 2.200 người; tư vấn trực tiếp cho 626 ca F0 và gần 2.000 ca F0 qua điện thoại. |
(còn nữa)
Bài và ảnh: HUY ĐĂNG - SONG DUY