Buổi Lễ tưởng niệm diễn ra vào 20 giờ ngày 19-11, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức. Các bác sĩ, chiến sĩ quân y đã và đang tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua đã bày tỏ cảm xúc về buổi Lễ tưởng niệm ý nghĩa này.

leftcenterrightdel
Chùa Pháp Hoa (TP Hồ Chí Minh) một trong nhiều địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm. Ảnh: Xuân Cường.

Thiếu tá Trần Nam Sơn, Trợ lý chính trị, Bệnh viện Quân y 105 được bổ nhiệm chức danh Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện Dã chiến 5D: Tình cảm gắn bó, đoàn kết quân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh

Thời gian vừa qua, tôi cùng với hàng nghìn bác sĩ quân y đã vào TP Hồ Chí Minh tham gia vào cuộc chiến với đại dịch. Những ngày tháng ở nơi tâm dịch, có những thời điểm chứng kiến đồng bào mình tử vong vì đại dịch, tôi đã khóc rất nhiều và sẻ chia nỗi buồn vào những trang nhật ký.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Trần Nam Sơn cùng các bác sĩ, chiến sĩ tham gia chống dịch tại Bình Dương.

Bên trong nhà tang lễ, các em chiến sĩ đang nhẹ nhàng, lặng lẽ chuẩn bị những bát cơm, ly nước, thắp lên những nén hương… để đón hương linh của đồng bào miền Nam tử vong do Covid-19.

Từng chiến sĩ nhận từ tay người chỉ huy những chiếc hộp đựng tro cốt trang trọng, đọc thông tin và nhẹ nhàng để vào khu vực của từng quận, huyện. Bữa cơm chiều nay, người chỉ huy nhắc nhẹ: “Em cắm đôi đũa đứng lên thế này, và mời cơm đồng bào em nhé. Nhớ đừng trễ bữa hằng ngày khi chưa có ai đến nhận tro cốt". Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi không thể cầm được nước mắt trước sự ra đi của nhiều bà con bởi sự tàn phá của kẻ thù vô hình Covid -19. Tôi đã lại khóc rất nhiều trong buổi chiều buồn nhất của những ngày đại dịch… Cầu mong cho những vong linh của đồng bào ta được siêu thoát nơi chín suối. Cầu mong cho các đồng đội của tôi có thật nhiều sức khoẻ, niềm tin nghị lực để chiến đấu tới ngày toàn thắng”.

Việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức là một hoạt động vô cùng ý nghĩa.

Hoạt động này để mọi người cùng tưởng nhớ đến các nạn nhân đã mất vì dịch bệnh. Hơn nữa còn thể hiện tình cảm gắn bó, đoàn kết quân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Trong chiến đấu với Covid-19, chúng ta càng thấu hiểu được tại sao đất nước mình lại trường tồn được như vậy, tại sao cha ông mình lại chiến thắng tất thảy mọi kẻ thù. Chúng ta thấu hiểu được, tại sao thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, thì khẩu hiệu “Đời chỉ vui trên trận tuyến chống quân thù” đã trở thành chân lý. Bởi vì trong chiến đấu tất cả mọi sự nhỏ nhen, đố kỵ, sự so sánh thiệt hơn không còn chỗ đứng. Duy nhất chỉ còn những điều trượng nghĩa, đó là tình đồng đội, tình quân dân, là tình người, là Tổ quốc.

Chỉ với ngần đấy lý do thôi, ta có thể chắc chắn rằng, dù cuộc chiến với Covid-19 kéo dài đến đâu, vẫn sẽ tới ngày toàn thắng.

Thiếu tá, Bác sĩ Vũ Tiến Vũ, học viên chuyên khoa 2 tại Học viện Quân y: Những giây phút hiệu triệu mọi người cùng đoàn kết vượt qua khó khăn

Hơn hai tháng tham gia tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, bản thân tôi gặp những tình huống rất đau lòng, phải trực tiếp giành giật sự sống của từng ca nhiễm Covid-19 diễn biến nặng nhằm giảm thiểu tối đa ca tử vong.

leftcenterrightdel
 Thiếu tá, Bác sĩ Vũ Tiến Vũ.

Tôi nhớ những ngày đầu đặt chân đến đây, người dân đang rất cần sự hỗ trợ khi số ca nhiễm cao, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, tư vấn, cũng như áp lực tinh thần rất lớn. Nhiều gia đình mất người thân do Covid-19 rơi vào tình trạng bối rối, bị động trong giải quyết các vấn đề.

Trên vai trò là bác sĩ quân y, tại trạm y tế lưu động, trực tiếp tham gia tư vấn, chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân Covid-19, tôi xác định đây là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, “chống dịch như chống giặc”, luôn chạy đua với thời gian để hỗ trợ bệnh nhân Covid-19.

Tuy vậy, trong thời gian cao điểm của dịch, có những trường hợp do tình hình thực tế còn thiếu thốn trang thiết bị, nhận thông tin quá trễ… đã không qua khỏi. Đó là những điều vô cùng đáng tiếc. Xin chia buồn cùng người thân, gia đình của những người có người thân mất trong đợt dịch này!

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là chương trình rất ý nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau của những người đã mãi mãi mất đi người ông, người bà, hay chồng, vợ, anh, chị em...Người sống vẫn phải tiếp tục sống, vẫn tiếp tục có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và phải luôn nhắc nhở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch mọi lúc mọi nơi.

Lễ tưởng niệm sẽ là giây phút hiệu triệu mọi người cùng đoàn kết vượt qua những khó khăn, giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được, tiếp tục sống tốt, ổn định cuộc sống trong bình thường mới, đóng góp vào quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại úy, Bác sĩ Lê Tuấn Dũng, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175: Mong những đau thương không còn lặp lại

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, bản thân tôi cùng với các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Quân y 175 tăng cường thực hiện nhiệm vụ từ những ngày đầu hoạt động của Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 7 (TP Hồ Chí Minh). Bản thân tôi và đồng đội, đồng nghiệp đã tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương, mất mát vì dịch bệnh. Nhiều gia đình đã không thể đoàn tụ cùng nhau sau đại dịch.

Có gia đình mất cả ông bà và người đàn ông trụ cột duy nhất trong nhà. Nhiều bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 7 khi nghe tin người thân mất cũng không thể quay về làm tròn đạo hiếu.

Tôi còn chứng kiến hoàn cảnh đau lòng hơn khi có bệnh nhân đang mang thai đã không thể trở về bên chồng con sau đại dịch, và nhiều em bé chào đời mà chưa được một lần nhìn thấy mẹ của mình… Những mất mát, hoàn cảnh đau lòng ấy là ký ức khó phai mờ về giai đoạn quá khắc nghiệt của dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Đại úy, Bác sĩ Lê Tuấn Dũng chuẩn bị khám cho bệnh nhân.

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Lễ tưởng niệm cũng là lúc chúng ta sống chậm lại, để hồi tưởng về những ngày tháng đã cùng nhau trên trận tuyến chống lại đại dịch. Và ở đó, nhiều người đã không có cơ hội nhìn thấy thành quả phòng, chống dịch, không thể hòa nhịp trong không khí bình thường mới hôm nay.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và những đồng đội của tôi đã và đang tiếp tục xuất quân tăng cường cho những địa bàn trọng điểm của TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi luôn mong muốn rằng, những người đã vượt qua đại dịch hãy tiếp tục sống và cống hiến cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của nhân dân và lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Lễ tưởng niệm sẽ nhắc nhớ thêm “vắc xin ý thức” để mọi người cùng nhau thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn cao nhất trong mọi hoạt động, đưa cuộc sống người dân ổn định, hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi bền vững hơn. Đồng thời, mong rằng số ca mắc trên địa bàn thành phố sẽ giảm đáng kể để những mất mát, đau thương trước đây không còn lặp lại.

Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu (Bệnh viện Quân y 105): “Lễ tưởng niệm rung lên hồi chuông lớn/Để toàn dân cùng chung một chí hướng”

Vừa hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 5D (Bình Dương) trở về Hà Nội và đang trong thời gian thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế nhưng trong lòng Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu, công tác ở Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) luôn đau đáu nhớ về những ngày tháng chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

leftcenterrightdel
 Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu và các đồng nghiệp tổ chức Tết Trung thu cho các cháu đang điều trị Covid-19.

Với nữ chiến sĩ quân y này, dẫu công việc nơi tuyến đầu dịch bệnh vô cùng vất vả nhưng quãng thời gian “chia lửa" cùng miền Nam mãi là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời. Nhân buổi lễ tưởng niệm ý nghĩa này, Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu đã sáng tác ngay bài thơ “Lễ tưởng niệm” để gửi đến những người đã không thể qua khỏi trong cơn đại dịch.

Hơn 23 nghìn người đã thương vong

Trong trận chiến đấu tranh cùng Covid.

Lễ tưởng niệm gửi tâm thành chút ít

Tới những người xấu số đã ra đi .

Bao vất vả, cống hiến của ngành y

Cùng toàn Đảng, toàn dân ta nỗ  lực.

Trong cuộc chiến lặng thầm không cân sức

Bởi giặc vô hình tàn sát dã man ...

Người ra đi để lại chốn dương gian

Niềm nuối tiếc, xót thương đau đớn...

Lễ tưởng niệm rung lên hồi chuông lớn

Để  toàn dân cùng chung một chí hướng

Quyết đồng lòng dập tan dịch Covid

Cùng tiễn đưa vĩnh biệt người ra đi

Mong ở chốn cửu tuyền người  an  giấc .

Và  hơn nữa là lời luôn thầm nhắc

Cho hôm nay và cho cả mai sau

5K ta nhắc bảo nhau

Sống chung với dịch gieo màu vùng xanh.

KHÁNH HUYỀN-HÙNG KHOA (ghi)