Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ, nhất là phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi của cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn biểu hiệu hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời, hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân...
Từ thực tế trên, để thường xuyên củng cố vững chắc khối ĐĐK toàn dân tộc, các tổ chức chính trị-xã hội, trước hết là các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về ĐĐK toàn dân tộc trong thời kỳ mới, cụ thể hóa thành kế hoạch, đề án, chương trình hành động của từng bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo sát sao, có lộ trình, bước đi phù hợp. Có như vậy mới bảo đảm cho đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước phát triển đúng định hướng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng thời kỳ mới.
Các cấp, các ngành, mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị… cùng với lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, cần tập trung quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý năng lực, phẩm chất, lối sống của đội ngũ cán bộ công quyền trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của cán bộ; kịp thời xử lý nghiêm minh những cán bộ lợi dụng chức quyền, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật, nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trước khi ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng, cần tổ chức chu đáo, thiết thực việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân có liên quan, bảo đảm cho đông đảo nhân dân được bày tỏ ý kiến đóng góp. Đối với cấp cơ sở thôn, bản, xã, phường, thị trấn, cần tổ chức tốt các hoạt động tọa đàm trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, như: Phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng, miền. Trong đó, cần tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục, rèn luyện phong cách và phương thức công tác của cán bộ, công chức phù hợp với đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu tăng cường khối ĐĐK toàn dân theo phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
MTTQ các cấp và các đoàn thể nhân dân cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan Nhà nước hướng dẫn hoạt động tích cực hơn đối với cơ sở, đến từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng dân cư. Tăng cường bám nắm cơ sở để hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân; nhân rộng những điển hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa, xã hội; qua đó, vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, vừa quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Củng cố, kiện toàn tổ chức có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoạt động của mặt trận các cấp. Những năm qua, ủy ban MTTQ ở một số địa phương hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, nhất là cấp huyện (quận), xã (phường), có nguyên nhân việc lựa chọn cử cán bộ đảm nhiệm công tác mặt trận (chủ tịch, phó chủ tịch mặt trận) chất lượng chưa cao (do cao tuổi, hoặc năng lực hạn chế, thậm chí có khuyết điểm không bố trí được ở các cương vị công tác Đảng, chính quyền thì đưa về làm công tác mặt trận). Do vậy, việc củng cố, kiện toàn ủy ban mặt trận các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng: Các cấp ủy Đảng phải lựa chọn cử những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, nhất là khả năng tổ chức, tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng để đưa sang đảm nhiệm công tác mặt trận; việc lựa chọn, giới thiệu đại biểu thành viên ủy ban mặt trận phải là những người thực sự tiêu biểu có tín nhiệm và năng lực trong các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, giới trí thức, các doanh nghiệp tư nhân…; có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ mặt trận ở các cấp.
Công tác thông tin-tuyên truyền, giáo dục về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, về đoàn kết các dân tộc... của Đảng luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động và tăng cường đầu tư cho các phương tiện thông tin đại chúng bằng các thứ tiếng dân tộc. Gắn kết linh hoạt các hoạt động thông tin, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước với vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để thực hiện “diễn biến hòa bình”, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, chia rẽ vùng miền... Quan tâm đãi ngộ và khuyến khích vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, trưởng tộc, những người sản xuất kinh doanh giỏi, công tác xã hội tốt... trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương đến với nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Luôn bám sát sự vận động của thực tiễn, kịp thời cụ thể hóa chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với đặc điểm tự nhiên, địa bàn dân cư-dân tộc và lợi thế của từng địa phương, cơ sở; quản lý chặt chẽ các nguồn ngân sách đầu tư; thực hiện định canh, định cư bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển công nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm, khôi phục nghề thủ công truyền thống và phát triển nghề mới... đẩy nhanh việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; ưu tiên các địa bàn chiến lược của đất nước, vùng biên giới, biển đảo.
Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Nền văn hóa của nước ta là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng về sắc thái, bản sắc của tất cả các thành phần dân tộc cư trú trên lãnh thổ. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện sâu sắc trong chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tính cộng đồng cao, tinh thần khoan dung, nhân ái… không chỉ trở thành hệ giá trị bền vững để củng cố vững chắc khối ĐĐK toàn dân tộc mà còn tạo nên sức đề kháng trong quá trình hội nhập. Do vậy, phải luôn tôn trọng, giữ gìn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thể hiện trong tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật... đồng thời thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Mọi biểu hiện kỳ thị văn hóa dân tộc đều làm phương hại đến khối ĐĐK của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, xây dựng hoàn thiện các thể chế, chính sách văn hóa một cách khoa học và toàn diện, để việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa đi vào chiều sâu. Chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hòng gây hận thù, gây chia rẽ, phá hoại khối ĐĐK toàn dân tộc; không để những tiêu cực của nền kinh tế thị trường làm xói mòn bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc.
DƯƠNG MINH SƠN