Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới” được thông qua tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, càng cần phải được phát huy.
Trước hết, cần giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quá trình thực hiện những cam kết trong các hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là trong những lĩnh vực, vấn đề liên quan đến ổn định chính trị-xã hội, để chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh. Trong đó, cần chú trọng những thách thức, tác động tiêu cực có thể nảy sinh đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội khi thực hiện các cam kết về lao động-công đoàn, tự do hóa thị trường dịch vụ, bao gồm dịch vụ viễn thông, internet…
Bởi, ngoài những cam kết trong FTA thế hệ mới, như: EVFTA, CPTPP, còn có rất nhiều cam kết trong các FTA song phương mà Việt Nam phải thực thi, sẽ tạo ra những thay đổi chính sách sâu sắc, tác động nhiều chiều trên hầu hết các lĩnh vực. Tác động có thể thấy trước đó là sự mất đi của nhiều việc làm tay nghề thấp, thay vào đó sẽ phải đáp ứng những yêu cầu về đội ngũ nhân lực có trình độ cao hơn, đạt năng suất cao hơn. Đây sẽ là nhân tố tiềm ẩn những tác động không trông đợi cần được chuẩn bị đối phó để xử lý kịp thời trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Không thể phủ nhận những lợi ích đối với nền kinh tế đất nước khi tham gia các FTA song phương cũng như các FTA thế hệ mới. Nhưng trên thực tế, những lợi ích đó mới chỉ ở dạng tiềm năng và đạt được đến đâu còn phải phụ thuộc vào mức độ, cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu cải cách trong nước ra sao, nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các FTA sẽ mở ra những thị trường rộng lớn với nhiều đối tác khác nhau, giúp Việt Nam gia tăng khối lượng thương mại và đầu tư, xuất khẩu, cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại và kỹ năng quản lý nước ngoài… Nhưng như vậy chưa có gì bảo đảm Việt Nam sẽ thoát khỏi vị trí “phần đuôi” trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay. Cũng không có gì bảo đảm việc quá trình tham gia các FTA sẽ tạo ra nhiều việc làm đạt năng suất cao hơn.
Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018 này, nhưng theo đánh giá, để có thể tận dụng được cơ hội và giảm các thách thức từ hiệp định này, một trong những đòi hỏi quan trọng đó là cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ lao động (LĐ) trong nước. Thời điểm hội nhập theo những tiêu chuẩn mới đã tới gần, nhưng chất lượng LĐ của Việt Nam vẫn được đánh giá là chưa sẵn sàng cho “sân chơi” mới đầy thách thức này. Chất lượng của LĐ Việt Nam còn khá thấp và sự thiếu hụt LĐ có tay nghề, năng suất LĐ thấp, trình độ ngoại ngữ tương đối yếu so với các nước trong khu vực.
Những kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp cho thấy, nhiều học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Tháng 4-2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố một khảo sát về LĐ, trong đó cho biết, những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam gặp phải trong tìm ra những ứng cử viên đáp ứng được các vị trí công việc đòi hỏi tay nghề cao. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 70-80% các ứng viên ứng tuyển vào các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy, để tránh những tác động nảy sinh ngoài mong muốn do không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực thời hội nhập, công tác giáo dục và đào tạo đang đứng trước nhiều yêu cầu cấp bách. Tác động của các FTA đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ từ phía nhu cầu của thị trường nên buộc Việt Nam phải có những điều chỉnh nếu muốn tham gia hiệu quả trên “sân chơi” mới. Đó là phải tìm ra lời giải cho bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Và hơn lúc nào hết, cần phải đổi mới về tư duy trong quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, chấm dứt một thời kỳ dài đưa ra các chương trình đào tạo theo mong muốn chủ quan, mà không dựa trên nhu cầu của thị trường.
Đối với CPTPP, các yêu cầu về cải thiện vấn đề LĐ và hoạt động của tổ chức công đoàn trong “siêu FTA” này cũng đòi hỏi cần phải có các giải pháp phù hợp, nhằm giữ vững ổn định chính trị-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Tham gia CPTPP, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn LĐ quốc tế, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với những quy định về tiêu chuẩn lao động ở từng nước thành viên là đối tác thương mại. Chẳng hạn Nhật Bản-một nước thành viên CPTPP có những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi các nước đối tác thương mại phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu muốn đưa hàng hóa vào thị trường khó tính này.
Về vấn đề hoạt động của tổ chức công đoàn, CPTPP đòi hỏi phải cho phép thành lập tổ chức đại diện khác của người LĐ bên cạnh Công đoàn Việt Nam, cùng một số yêu cầu liên quan khác. Vì vậy, nhằm bảo đảm vai trò của Công đoàn Việt Nam phát huy được trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, sẽ cần phải hành động để biến những thách thức thành cơ hội. Làm mới mình, đổi mới mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt, khoa học, hiệu quả để trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên công đoàn được xác định là hướng đi quan trọng. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thúc đẩy việc xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, sửa đổi Điều lệ Công đoàn để trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sắp tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới.
Có thể thấy rằng, một trong những thách thức mà Việt Nam tiếp tục phải đối mặt là duy trì và củng cố đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thể hiện qua việc tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần có chiến lược tạo sự đồng thuận. Cần có sự khuyến khích tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động của khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong việc thực thi các cam kết hội nhập.
MỸ HẠNH