(Tiếp theo và hết)
Khi nhắc đến chương trình MTQG xây dựng NTM, chúng ta không thể không nhắc đến những người đầu tiên đặt nền móng và những bài học quý từ việc xây dựng nghị quyết Đảng.
Có thể nói “Kiến trúc sư trưởng” chương trình MTQG xây dựng NTM (chương trình NTM) là tập thể Bộ Chính trị, nhưng một trong những “kiến trúc sư” đầu tiên phải kể đến là đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch nước. Vốn là người rất nặng lòng, rất tâm huyết với nông nghiệp-nông dân-nông thôn, không lúc nào ông không trăn trở về những vấn đề nông nghiệp và nông dân, nông thôn, dù ở bất cứ cương vị công tác nào.
Năm 2008, ở cương vị Thường trực Ban Bí thư, ông được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM (Ban chỉ đạo). Có thể nói kể từ khi nhận nhiệm vụ đó, ba từ “nông thôn mới” không lúc nào rời khỏi tâm trí ông. Việc đầu tiên ông chỉ đạo ban là phải trả lời được câu hỏi: Mục tiêu của việc xây dựng thí điểm mô hình NTM là gì? Trên cơ sở tổng kết chương trình thí điểm, xác định rõ nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới để nhân rộng sau này. Từ hoạt động và thực tiễn ở cơ sở, Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM đã xác định được 5 quan điểm, gồm: Một là, dựa vào nội lực cộng đồng là chính, Nhà nước và chính quyền các cấp chỉ hỗ trợ, giúp đỡ; hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các nội dung cụ thể của chương trình trên địa bàn do người dân dân chủ bàn bạc, quyết định; ba là, kế thừa, phối hợp, phát huy kết quả của các chương trình, dự án trên địa bàn, tạo sự thống nhất và sức mạnh chung; bốn là, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; năm là, trong khi triển khai thí điểm xây dựng mô hình NTM, được phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù.
 |
Đường nông thôn mới liên xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: THANH NGA. |
Như vậy, có thể nói, xây dựng NTM là việc của các cộng đồng dân cư, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ. Cần làm cái gì, cần xây dựng cái gì là do người dân bàn bạc dân chủ và quyết định. Chính điều này tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền. Tránh được việc xây dựng mô hình NTM một cách phô trương, hình thức. Và, điều quan trọng nhất là xây dựng mô hình NTM không phải việc phá cái cũ đi làm cái mới, mà trên cơ sở kế thừa những gì tốt đẹp vốn có hàng ngàn năm ở nông thôn, như tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết cộng đồng, lá lành đùm lá rách... Và 5 quan điểm này là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình xây dựng NTM từ đó đến nay. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chương trình NTM thường nhắc nhở các thành viên của ban rằng: Chương trình NTM chính là sự “đền ơn đáp nghĩa” đối với nông dân.
11 Ủy viên Bộ Chính trị, mỗi người được phân công theo dõi, chỉ đạo xây dựng thí điểm NTM ở một xã được chọn. Điều đó đủ thấy Trung ương coi việc thí điểm xây dựng NTM là rất quan trọng. Đồng chí Trương Tấn Sang từng nói: Xây dựng NTM không chỉ là những việc to tát, cần đến sức người, sức của của cả cộng đồng, mà còn từ những việc rất nhỏ. Sửa một ngôi nhà, thậm chí trồng một khóm hoa... cũng là góp phần xây dựng NTM.
Đồng chí nói vậy và làm vậy. Trong những lần về làm việc ở các xã đang thí điểm xây dựng NTM, ngoài việc chỉ đạo những việc lớn, ông không bỏ qua cả những việc nhỏ nhất. Nghe báo cáo về việc xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) còn rất nhiều người nghiện ma túy, đồng chí Trương Tấn Sang lập tức chỉ đạo xây dựng ở Thanh Chăn một trung tâm cai nghiện. Một lần khác, một nông dân ở Thanh Chăn đề đạt xin một con đường mới phục vụ việc đi lại của người dân. Nghe vậy, đồng chí thấy yêu cầu đó là đúng và chính đáng, nên lập tức bàn với đồng chí Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lúc đó (hiện là Bộ trưởng Bộ Tài chính) và một số bộ trưởng kết hợp làm ngay con đường từ TP Điện Biên về Thanh Chăn. Kết quả, con đường gần chục cây số đã hoàn thành rất nhanh. Có đường, kinh tế địa phương phát triển nhanh. Tiếp theo, đồng chí chỉ đạo các ngành hỗ trợ Thanh Chăn phát triển chăn nuôi, làm hầm biogas để lấy ga đun và phát điện, rồi sau đó là nước sạch và giao thông nội đồng...
Hiện tại, Thanh Chăn trở thành xã điển hình về NTM. Số người nghiện ma túy hầu như không còn, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi và cây trồng phát triển. Đời sống của người dân được cải thiện.
Vị “kiến trúc sư” thứ hai của chương trình NTM là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Thời kỳ đó, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, được giao chỉ đạo việc soạn thảo đề án về NTM. Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Tổ phó tổ Biên tập đề án NTM, nhớ lại: “Lần ấy, anh Cao Đức Phát, Trưởng ban soạn thảo đề án chỉ đạo tôi. Tôi mang dự thảo đề án xây dựng NTM đến trình anh Nguyễn Sinh Hùng, trước khi trình Chính phủ và Ban Bí thư. Xem xong, anh bảo: Tập trung cao độ nguồn lực xây dựng hạ tầng NTM hiện đại thì rất tốt. Vì có hạ tầng tốt thì mới phát triển được kinh tế. Nhưng xây dựng NTM là phải đồng thời phát triển các khâu, như: Kinh tế, văn hóa, xã hội... Nguồn lực có hạn, nếu ta tập trung tất cả vào phát triển hạ tầng thì không còn nguồn lực để phát triển các lĩnh vực khác. Vậy cần lùi một bước, nên đặt vấn đề là từng bước xây dựng hạ tầng hiện đại. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nhưng đời sống nông dân chưa được cải thiện. Lần này làm NTM, phải là bước đột phá làm cho nông dân giàu lên. Chúng ta đều từ bờ tre gốc rạ mà ra, làm gì được cho người nông dân thì phải hết sức mà làm".
Chương trình NTM, không phải thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu. Không những thế, sóng gió có lúc còn nổi lên dữ dội. Không chỉ một số bộ, ngành chưa muốn có NTM, mà ngay cả một số tỉnh cũng vậy. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã có bức thư đầy tâm huyết gửi lãnh đạo các bộ, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bức thư có đoạn: “Với tinh thần vì nông dân, nông nghiệp, nông thôn, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung nghị quyết, cụ thể hóa các chương trình, đề án của Chính phủ thành nhiệm vụ cụ thể của địa phương mình. Coi đây là một nội dung quan trọng và nhiệm vụ chủ yếu trong báo cáo chính trị và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những năm sau 2020 để được thảo luận trong đại hội đảng các cấp. Từ đó, thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên của nhân dân.
“Kiến trúc sư” thứ ba phải kể tới là đồng chí Cao Đức Phát, lúc đó là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; người được giao nhiệm vụ Trưởng ban soạn thảo Đề án Nghị quyết 26 cùng với thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan. Phải nhìn vào khối lượng đồ sộ của những công việc để ra được Nghị quyết 26 mới thấy hết vai trò cũng như sự lăn lộn, vất vả của người “Tổ trưởng Biên tập này”. Đồng chí Cao Đức Phát nhớ lại: “Đó là những ngày tháng mà chúng tôi phải căng hết mình ra để làm việc. Nào là nghiên cứu, đề xuất, nào tranh luận, ra cả nước ngoài để “tầm sư học đạo”, rồi hội họp, hội thảo liên miên, nhiều lúc tưởng như hụt hơi... Nhưng vui, say mê”.
Sau 3 năm thí điểm, năm 2011, Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thí điểm xây dựng mô hình NTM ở 11 xã thí điểm đã rút ra được những bài học và kinh nghiệm vô cùng quý giá, đủ điều kiện để nhân rộng mô hình xây dựng NTM trên cả nước. Chương trình xây dựng NTM, như con tàu đã khởi động, lăn trên đường ray và thẳng tiến đến kết quả như ngày nay.
Sau 10 năm Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống, rất nhiều địa phương được đổi mới, có bước chuyển mạnh trên các lĩnh vực. Một trong những địa phương có bước tiến nổi bật đó là tỉnh Hà Tĩnh. Những năm đầu tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh (1991) thứ duy nhất mà Hà Tĩnh có được là con người. Trong tâm thế “tay không bắt giặc”, việc đưa Hà Tĩnh vươn lên sánh ngang với các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ là điều không tưởng và cũng ít vị lãnh đạo nào dám “bạo miệng” nói đến.Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đang ở mức “dưới trung bình”, thu nhập bình quân người/tháng chỉ đạt 400.000 đồng (bằng 63,5% thu nhập bình quân cả nước; khu vực nông thôn chỉ bằng 57% khu vực thành thị); tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26,76%, trong đó một số huyện có số hộ nghèo rất cao, như: Hương Khê: 55,68%; Vũ Quang: 43,7%; Kỳ Anh: 36,74%…
Sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, Hà Tĩnh hiện thực hóa nghị quyết của Trung ương bằng các chủ trương, nghị quyết, quyết định mang đặc thù riêng của địa phương tạo sức bật cho toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM; đời sống vật chất, tinh thần người nông dân được cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008 (vượt mục tiêu nghị quyết đề ra đến 2020 là 20 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Có thể thấy, sau một thập kỷ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, một “luồng gió mới” được thổi vào những địa phương nghèo khó, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Với những chính sách kích cầu hết sức thiết thực, giúp cho hàng nghìn mô hình kinh tế tập thể đã lên ngôi mạnh mẽ tạo sức bật cho người dân vươn lên làm giàu hiệu quả. Sức sống của Nghị quyết 26-NQ/TW đang và sẽ là bài học hữu ích cho việc xây dựng các nghị quyết của Đảng.
ĐỨC LONG - HỮU SỰ - THANH NGA