Trong cuộc hành trình đi tìm quá trình phát sinh, phát triển và tương lai của Nghị quyết số 26-NQ/TW, chúng tôi gặp ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thường trực Tổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), là một trong những thành viên tham gia soạn thảo và theo sát hành trình của đề án này.

Khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn được kể về quá trình triển khai thực hiện Đề án Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông Hùng nhiệt tình chia sẻ: “Nước ta, có tới 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nông dân luôn là những người đóng góp, cống hiến nhiều nhất sức người, của cải, vật chất. Ngày ấy, mỗi người nông dân một ngày dành cho mình có mấy lạng thóc, còn thì dành hết cho tiền tuyến. Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng... phần lớn xuất thân từ nông dân. Hàng triệu con em của nông dân đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”.

Ngày trước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, lúc lâm chung đã dặn vua Trần rằng “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Đảng ta rất hiểu rõ tư tưởng ấy. Nhưng vì chiến tranh liên miên, toàn dân cứ phải gồng mình lên gánh vác, nên chưa có lúc nào khoan sức được cho dân.

Đảng và Nhà nước ta rất chăm lo cho cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân, nhưng do chiến tranh khiến cho nền nông nghiệp của nước ta lạc hậu, manh mún. Thu nhập của người nông dân thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hạ tầng nông thôn thiếu thốn. Trước tình hình đó, một câu hỏi đặt ra là, phải làm thế nào để nâng cao đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Đồi chè sạch của nông dân xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: THẾ HÀ.

Nhấp ngụm trà, ông Hùng chia sẻ, Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Nghị quyết số 26-NQ/TW không phải là sản phẩm của riêng ai, mà nó là công sức, trí tuệ và tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Đó chính là ý Đảng, lòng dân.

Ông Hùng kể: Xin bắt đầu từ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa X. Khoảng tháng 8-2007, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương ban hành Văn bản số 117-CV/T.Ư “về việc phân công các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chuẩn bị các đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa X”, do đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, ký. Theo đó, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7, khóa X dự kiến sẽ họp vào tháng 6-2008, bàn về 3 nội dung, trong đó, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung quan trọng. Cũng trong văn bản trên, Bộ Chính trị phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư chủ trì, phụ trách từng đề án và đề nghị các đồng chí phụ trách chuẩn bị, đề xuất nhân sự cho các đề án. Đối với Đề án Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 8-10-2007, BCH Trung ương ban hành Quyết định số 90-QĐ/T.Ư, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn” do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, làm trưởng ban, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), làm phó trưởng ban thường trực. Ngoài ra, còn có 21 đồng chí là bộ trưởng và trưởng các ban, ngành của Đảng, Quốc hội và đoàn thể, làm ủy viên. Cùng với đó là hai quyết định khác. Thứ nhất, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ biên tập xây dựng Đề án “Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn”, do đồng chí Cao Đức Phát làm tổ trưởng; đồng chí Hồ Xuân Hùng làm tổ phó.

Bộ máy vừa hoàn thành, người nào việc nấy bắt tay vào làm việc ngay. Công việc là xây dựng Dự thảo Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Bản dự thảo sau khi hoàn thành, được trình Chính phủ để xin ý kiến. Tiếp theo, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn" thuộc Ban Cán sự đảng Chính phủ trình đề cương đề án lên Bộ Chính trị.

Sau đó, tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng khóa X đã thông qua vào ngày 5-8-2008. Đó chính là Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp-nông dân-nông thôn”. Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng NTM là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề tiếp theo là đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo bước chuyển căn bản cho cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn. 

Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình MTQG, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Trong 3 chương trình MTQG, chương trình xây dựng NTM là chương trình cốt lõi để đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống. Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, phải trả lời hàng loạt câu hỏi, như: Việc xây dựng NTM khi nào bắt đầu, bao giờ hoàn thành, diện mạo của NTM sau khi hoàn thành sẽ như thế nào? Đời sống của người nông dân, đối tượng thụ hưởng thành quả của NTM, sẽ thay đổi như thế nào? Tiêu chí nào để phân biệt một địa phương đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với một địa phương chưa hoàn thành? Chương trình sẽ bao gồm một khối lượng công việc khổng lồ, những việc đó sẽ do ai làm, làm như thế nào, tiền ở đâu, bao nhiêu tiền...?

Trả lời được những câu hỏi đó không phải dễ, bởi vì thực sự là một cuộc cách mạng ở nông thôn. Để xây dựng được đề án cho chương trình này giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo đề án.

Để rút kinh nghiệm cho chương trình MTQG này, Ban Bí thư quyết định chọn một số xã, đại diện cho các vùng nông thôn cả nước tiến hành xây dựng thử. Một Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm được Trung ương thành lập tại Quyết định số 250-QĐ/TW ngày 30-12-2008 do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký, với 16 thành viên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Ban chỉ đạo do đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, làm trưởng ban; đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm phó trưởng ban và 11 thành viên. Lúc đầu, có 10 xã được chọn, gồm: Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh); Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam); Tân Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước); Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang); Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), nhưng sau bổ sung thêm xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Đây chính là những “cánh chim đầu đàn” trong Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Sau thời gian làm thí điểm, Đề án về Chương trình MTQG xây dựng NTM cơ bản hoàn thành, xây dựng được Bộ tiêu chí NTM gồm 19 tiêu chí, bao quát tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của nông thôn, có tính đến đặc điểm của vùng miền. Đây chính là bộ tiêu chí được dùng làm chuẩn mực để đánh giá một địa phương đạt hay chưa đạt chuẩn NTM. Chương trình xây dựng NTM được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn 2, từ năm 2016 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các tiêu chí được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp sau mỗi giai đoạn. Để xây dựng được bộ tiêu chí này, Ban soạn thảo không chỉ khảo sát, nghiên cứu ở nước ta mà còn tham khảo kinh nghiệm của rất nhiều nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của Hàn Quốc, cử đoàn đi nước ngoài học tập, mời cả chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm... Ngày 22-4-2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thẩm định về Đề án Chương trình MTQG xây dựng NTM. Ngày 18-5-2010, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất mức vốn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM đến hết năm 2020. Theo đó, tổng mức vốn cần có là 1.400.985 tỷ đồng, tương đương 70 tỷ USD theo tỷ giá lúc đó.

Ông Hồ Xuân Hùng kể tiếp: “Số tiền 1.400.985 tỷ đồng đó được cấu thành từ 4 nguồn, gồm: Huy động trực tiếp từ cộng đồng dân cư, chiếm khoảng 10%; vốn tín dụng, chủ yếu cho vay phát triển sản xuất và cải thiện nơi ăn ở, chiếm khoảng 30%; vốn doanh nghiệp và hợp tác xã, chiếm khoảng 20%; còn lại là vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách của Trung ương và địa phương".

Ông Hồ Xuân Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Hiện nay, tuy đã về hưu, ông vẫn được Chính phủ mời làm cố vấn cho Chương trình MTQG xây dựng NTM và là Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam.

Đến nay, hơn 34% số xã cả nước đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. 16% chỉ còn thiếu một vài tiêu chí là cán đích. Ở những xã đã thực hiện chương trình NTM, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng cao.

(còn nữa)

ĐỨC LONG - HỮU SỰ - THANH NGA