Từ yêu cầu sự trưởng thành của chính bản thân Đảng, quá trình đổi mới và hoàn thiện PTLĐ của Đảng, trước hết phải từ người đứng đầu cấp ủy các cấp, dựa trên một số vấn đề có tính nguyên tắc:
Một là, đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng, trực tiếp và trước hết của người đứng đầu cấp ủy, phải xuất phát từ đường lối chính trị thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ. Đây là điểm xuất phát quy định tổng thể quy mô, tính chất, mức độ, chiều sâu công việc đổi mới PTLĐ của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Đại hội XII của Đảng, đã hoạch định những nhiệm vụ cách mạng trọng tâm về nội dung lãnh đạo của Đảng, theo đó, nhất định PTLĐ cũng phải thay đổi cho phù hợp. Ở đây, hội đủ yêu cầu phát triển khách quan của tình hình trong Đảng và trong nước, bảo đảm việc lựa chọn và giải quyết các nhiệm vụ chính trị, đồng thời là đòi hỏi nội tại của các cấp ủy và tổ chức đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị (HTCT) trong thực thi đường lối chính trị của Đảng một cách toàn diện, thống nhất và đồng bộ.
Ảnh minh họa/tuyengiao.vn
Hai là, đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và cơ chế vận hành thống nhất, thông suốt của toàn HTCT được tái cấu trúc theo hướng nhất thể hóa chức danh và nhất nguyên chế bộ máy. Đây là một nội dung, một bộ phận trọng yếu và hữu cơ của toàn bộ công tác xây dựng Đảng; là sự biểu hiện tập trung và sinh động năng lực lãnh đạo chính trị, văn hóa chính trị, đạo đức chính trị trong Đảng và của Đảng đối với toàn xã hội. Với hạt nhân trung tâm là Đảng, tiếp tục xác định trúng, đúng và phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức khác trong HTCT, đặc biệt là với Nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân, vì nhân dân.
Phải đặt công việc đó trong bối cảnh cần thiết nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và quản lý, nhất nguyên chế bộ máy một cách thích hợp trong toàn HTCT, trước hết trong bộ máy Đảng theo hướng gọn, tinh thông, chuyên nghiệp, trực tiếp và liên thông tổng thể; làm tiền đề và động lực đổi mới hoạt động của Nhà nước và các thành viên của HTCT nước ta.
Điều cần nhấn mạnh là, phải đặt việc đổi mới và hoàn thiện PTLĐ của Đảng trong tổng thể việc kiện toàn bộ máy các cấp bộ Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong HTCT với lộ trình minh bạch và bước đi phù hợp.
Thực tiễn cho thấy, không thể đổi mới PTLĐ thành công trong một bộ máy đảng cồng kềnh, “vừa thừa, vừa thiếu” về chức năng và quyền hạn ở từng bộ phận; bộ máy của các thành viên HTCT (Đảng, Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể…) vừa chồng chéo, vừa nặng nề, vừa khép kín, gây nên tình trạng không rõ nhiệm vụ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, như thời gian qua. Nói cách khác, không có các bộ máy động lực mà Đảng “hóa thân” ở đó trong môi trường chính trị-xã hội nền tảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng một cách trực tiếp, thống nhất, đồng bộ, phù hợp, hiệu lực và hiệu quả, thì không thể nói đến đổi mới PTLĐ như mong muốn và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ba là, đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng phải phù hợp với trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trình độ dân chủ của Đảng, nhu cầu và trình độ dân chủ của toàn xã hội đặt trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định sự thành công. Hệ thống tổ chức bộ máy đảng, bản lĩnh, trình độ và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy ảnh hưởng quan trọng và to lớn, thậm chí chi phối trực tiếp phương pháp lãnh đạo, lề lối và phong cách làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng trong toàn bộ HTCT và hoạt động của các thành viên của HTCT.
Trước yêu cầu về bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu cấp ủy phải thật sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ về phong cách công tác; đồng thời, là hạt nhân trung tâm trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương đổi mới PTLĐ của Đảng thành điều lệ, quy chế, quy trình công tác là việc rất quan trọng. Dứt khoát định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp đối với toàn bộ công việc trên.
Cần nâng cao trình độ mọi mặt, trước hết là trình độ chính trị và trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bảo đảm dân chủ trong Đảng một cách mạnh mẽ, làm tiền đề và động lực phát huy dân chủ xã hội một cách đúng hướng, toàn diện, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng chủ động và hiệu quả, trực tiếp là chỉnh đốn PTLĐ ở tất cả các cấp ủy một cách đồng bộ và thống nhất trong Đảng và toàn HTCT. Nâng cao trình độ toàn diện, nhất là trình độ chính trị và năng lực lãnh đạo chính trị, tầm mức văn hóa chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng văn hóa chính trị… của đội ngũ cấp ủy và đội ngũ đảng viên.
Bốn là, đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng phải đặt trong mối liên hệ và tương tác với sự phát triển khoa học lãnh đạo, quản lý và đổi mới điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ sự lãnh đạo. Theo quy mô và tốc độ của công cuộc đổi mới, việc đổi mới PTLĐ của Đảng phải sử dụng một cách phù hợp và hữu hiệu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các khoa học chuyên ngành và liên ngành (chính trị học, tâm lý học, xã hội học, điều khiển học, tin học và các phương tiện kỹ thuật giáo dục và truyền thông...).
Năm là, phải nhận được sự ủng hộ của các cấp bộ trong toàn Đảng, lấy hiệu quả của việc tổ chức thực hiện đường lối chính trị, sự trưởng thành toàn diện của Đảng, của HTCT, trình độ phát triển dân chủ của xã hội, mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân làm thước đo quyết định sự thành công của việc đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng. Đó là sự kiểm chứng đúng đắn và nghiêm khắc nhất vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thiếu sự định lượng sẽ mất phương hướng và khó thành công. Đảng lãnh đạo để dân là chủ và làm chủ. Đó là mục tiêu lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy, các tổ chức đảng từ Trung ương tới chi bộ, mỗi đảng viên phải lấy đó làm tiêu chí để tự soát xét và tự đánh giá mình, qua đó chủ động điều chỉnh kịp thời phương pháp, hình thức công tác phù hợp trong việc lãnh đạo thực hiện đường lối chính trị của Đảng.
Sáu là, việc đổi mới PTLĐ của Đảng phải xuất phát từ thực tế đất nước, phù hợp với sự biến đổi của đời sống chính trị quốc tế và xu thế phát triển dân chủ và nhân văn của thời đại. Trên cơ sở định vị đất nước, với phương châm nhìn ra toàn cục để định chế quyết sách, chủ động tiếp thu truyền thống chính trị dân tộc; đồng thời, cập nhật, tiếp thu những thành tựu toàn diện của văn minh nhân loại, trước hết là văn minh chính trị, những xung lực của kinh tế tri thức, những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làm giàu và phong phú cho công việc cầm quyền của Đảng.
Tổng hòa toàn bộ các nguyên tắc trên, PTLĐ, phương thức cầm quyền của Đảng bao gồm toàn bộ phương pháp và cách thức, lộ trình và bước đi, kết tinh thành nghệ thuật lãnh đạo của Đảng. Đó là con đường, là nhân tố trực tiếp hiện thực hóa mục tiêu chính trị và các quyết sách chính trị của Đảng, vì sự phát triển của đất nước trên con đường độc lập dân tộc và CNXH, khẳng định vị thế và vai trò cầm quyền, sức mạnh và uy tín cầm quyền, nguồn lực và động lực cầm quyền, trách nhiệm lịch sử và hiệu quả cầm quyền của Đảng hiện nay.
Việc đổi mới, hoàn thiện PTLĐ của Đảng phải xây dựng và thực thi những phương pháp, cách thức lãnh đạo văn minh, dân chủ và nhân văn, trở thành nghệ thuật của nền chính trị Việt Nam hiện đại, trở thành biểu tượng phát triển của văn hóa dân tộc, kết tinh trình độ phát triển văn minh và tiến bộ của đất nước, chung đúc ở Đảng, góp phần làm phong phú sự phát triển của tinh thần dân chủ và nhân văn thời đại.
NHỊ LÊ